Phá bỏ rào cản

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, được cử tri đánh giá cao về nhiều điểm mới tích cực. Trong đó, về việc bỏ quy định ký hợp đồng vô thời hạn đối với viên chức được ghi nhận là giải pháp quan trọng để sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước.

Chủ trương tinh giản biên chế, xây dựng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được Đảng và Chính phủ tập trung thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều. Một trong những rào cản là một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng lại khó tinh giản vì “bảo bối” được ký hợp đồng vô thời hạn. Thậm chí những công chức, viên chức thiếu tâm huyết, không có tinh thần sáng tạo, thiếu chí tiến thủ đang khiến bộ máy công quyền trở nên cồng kềnh, thiếu hiệu quả, gây áp lực lớn đến khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Mặt khác, họ cũng vô tình làm mất cơ hội của những người khác đang mong muốn được cống hiến.

Trước thực trạng cán bộ, công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập không hoàn thành công việc, hiệu quả công tác thấp nhưng khó cho thôi việc, nhiều chuyên gia mong muốn quy định bỏ “biên chế suốt đời” sớm được áp dụng với cả công chức.

Thực tế, Luật Cán bộ công chức, viên chức có hiệu lực từ năm 2008 đã quy định “công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị thôi việc”. Thế nhưng, 10 năm qua, số trường hợp bị đưa ra ngoài công vụ vì không hoàn thành nhiệm vụ mới “đếm trên đầu ngón tay”.

Theo Bộ Nội vụ, đánh giá xếp loại gần 478.000 công chức cả nước năm 2018, có tới 133.000 công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chỉ có 3.013 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,63%). Trong số 1,7 triệu viên chức cũng chỉ có 6.500 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 0,38%).

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính chính xác của con số thống kê trên vì chưa phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn thừa nhận, đánh giá trên chưa chính xác. Các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá, với tiêu chuẩn, điều kiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc cụ thể, nên kết quả đánh giá vẫn bị chi phối bởi tình trạng nể nang, “dĩ hòa vi quý”...

Rõ ràng, các quy định bình xét hiện hành còn mang tính định tính, chưa có định lượng công việc rõ ràng về nhiệm vụ chức năng, cũng như khối lượng công việc phải hoàn thành. Dẫn đến, các buổi bình bầu, đánh giá cán bộ hằng năm thường mang tính hình thức, cào bằng, bình bầu theo kiểu “có đi có lại”. Việc đánh giá đang nghiêng về tiêu chí cán bộ có chấp hành đúng các nội quy, quy chế hơn là đánh giá hiệu quả công việc và kết quả công tác. Trong khi đó, việc chấp hành các quy định, quy chế chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đánh giá một cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thế nên, nhiều chuyên gia cho rằng, hình thức “công chức suốt đời” chính là rào cản cho các bước tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước, cản trở sự phát triển của đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng và xã hội nói chung.

Để quá trình tinh giản biên chế được hiệu quả thì khâu đánh giá chất lượng công chức, viên chức cần đổi mới toàn diện. Việc đánh giá phải theo hệ thống tiêu chí hiệu quả công việc đối với từng chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức. Đồng thời, sử dụng phương pháp đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá dưới, dưới đánh giá trên bằng những sản phẩm cụ thể.

Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra những tiêu chí cao hơn đối với viên chức và công chức. Có như vậy, việc tinh giản biên chế, loại bỏ những cá nhân không đủ năng lực làm việc mới có thể thực hiện hiệu quả.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/pha-bo-rao-can/