Phá bỏ im lặng, chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa khai mạc triển lãm 'Phía sau cánh cửa', kéo dài đến ngày 31/12, nhằm phản ánh vấn đề bạo lực gia đình.

Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Thông qua triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn thể hiện những nỗ lực của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.

Triển lãm gồm 2 chủ đề: “Những điều mắt thấy” và “Phía sau sau cánh cửa”. Trong đó, “Những điều mắt thấy” là những hình ảnh giới thiệu khái quát tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay, xu hướng gia tăng bạo lực gia đình, những nạn nhân chủ yếu của nạn bạo lực gia đình là nữ, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng, và một số thông tin trên một số trang báo về các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình.

Chủ đề “Phía sau cánh cửa” giới thiệu các câu chuyện của một số nạn nhân đã phải rời bỏ tổ ấm của mình để đến với Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Các câu chuyện với nhiều khía cạnh khác nhau sẽ được tập hợp thành những nhóm vấn đề, phản ánh chân thực, sinh động thực trạng, nguyên nhân về bạo lực gia đình ở nước ta hiện nay.

Triển lãm sử dụng phương pháp trưng bày sắp đặt, tạo ra 5 modul gợi mở về những không gian khác nhau trong mỗi gia đình, để khách tham quan tự cảm nhận bằng cảm giác, cũng như kinh nghiệm của mình trong cuộc sống với các chủ đề: “Lời ru buồn”, “Mặt nạ của hạnh phúc”, “Gánh nặng không cùng san sẻ”, “Những trái tim lạc lối”, “Bỏ thì thương vương thì tội”…

Để thực hiện triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Nhà bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Theo thống kê của hơn 60 trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, nạn nhân bị bạo lực ở lứa tuổi 8X, 9X chiếm 61%; trong đó người đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Thạc sĩ chiếm 85%. Hình thức bạo lực: Bạo lực thể chất chiếm 98%, bạo lực tinh thần chiếm 100%, bạo lực tình dục chiếm 31%.

Một điều nhức nhối là hầu hết những người phụ nữ đều tự mình chịu đựng. Khi khổ quá phải trốn chạy thì họ lại không dám công khai lên tiếng vì tâm lí ngại ngùng của phụ nữ Á đông, sợ ảnh hưởng đến bố mẹ, con cái, lo ngại không còn con đường quay về gia đình. Vì thế, giải quyết tận gốc bạo lực gia đình càng trở nên khó khăn, nan giải.

Chính vì vậy, bạo lực không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà trở thành vấn đề chung của xã hội, cần sự chung tay, lên tiếng của cộng đồng với thông điệp: Hãy phá bỏ im lặng, chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình.

T.B.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-dinh/pha-bo-im-lang-chung-tay-day-lui-bao-luc-gia-dinh-tintuc423628