PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: 'Sai phạm nhưng nói đúng quy chế là thiếu trung thực'

'Một số địa phương xảy ra tiêu cực điểm thi THPT Quốc gia 2018 nói rằng, chấm thi, bảo quản bài thi đúng quy chế… nhưng khi Bộ GD&ĐT, Bộ Công an vào cuộc phát hiện nhiều sai phạm chỉnh sửa điểm thi của thí sinh. Đó là biểu hiện của thiếu trung thực', PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định.

Xung quanh tiêu cực điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La, chiều ngày 25/7, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Cần đề cao trách nhiệm, trung thực

Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục, ông đánh giá thế nào về những sai phạm tiêu cực điểm thi tại Hà Giang và Sơn La?

-Đây là sự việc gây bức xúc dư luận và bản thân tôi cũng cảm thấy buồn vì việc này lại xảy ra trong ngành Giáo dục. Những vụ gian lận điểm thi này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới rất nhiều người, về công sức, tốn kém về vật chất.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã đạt được sự thành công nhất định về khâu ra đề. Vụ việc ở Hà Giang, Sơn La không xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành mà chỉ vài tỉnh, thành, chỉ ở khâu chấm thi, bảo quản bài thi. Không nên chỉ vài nơi mà phủ nhận cả kỳ thi.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Anh

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Q.Anh

Một số địa phương trước nghi vấn điểm cao bất thường đều khẳng định đã làm đúng quy chế của kỳ thi. Tuy nhiên, khi thanh tra rà soát lại thì lộ nhiều sai phạm. Theo ông, những người quả quyết như thế có trung thực?

-Theo tôi, những phát ngôn như vậy là chưa trung thực, đó còn là biểu hiện sự dối trá. Nên sự việc đã được Bộ GD&ĐT, Bộ Công an tích cực vào cuộc, làm rõ và đã xử lý các cá nhân vi phạm. Sự việc xảy ra ở hai tỉnh Hà Giang, Sơn La trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, bản thân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã nhận trách nhiệm và công bố sẽ loại khỏi ngành những cá nhân vi phạm.

Do đó, người của địa phương cũng phải nhận trách nhiệm cho những việc xảy ra trên địa bàn, địa phương của mình. Địa phương nào cũng mong muốn học sinh học giỏi, học tốt nhưng không nên vì thành tích mà chi phối đến điểm thi, dẫn đến chấm lỏng, chấm nới (nếu có) tạo ra mất công bằng của kỳ thi. Địa phương muốn nâng cao chất lượng thì phải đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục.

Ông đánh giá thế nào về hướng xử lý tiêu cực điểm thi tại hai địa phương vừa mới phát hiện?

- Hiện tại, Bộ Công an đang tích cực điều tra ở những nơi phát hiện tiêu cực, điều này cho thấy không có vùng cấm. Theo tôi, phải làm mạnh để năm sau mọi người nhìn vào đó mà không vi phạm. Bên cạnh đó, nghiên cứu thêm các quy định của quy chế chặt chẽ, nghiêm minh hơn.

Ngoài hai địa phương nói trên, Bộ GD&ĐT cần xem xét thêm những nơi nếu có hiện tượng bất thường thì phải thành lập tổ công tác đến địa phương ấy kiểm tra, nếu có sai phạm thì phải kỷ luật nghiêm. Nếu không có bất thường, chỉ nên chấm thẩm định theo quy chế của kỳ thi để tránh gây tâm lý cho thí sinh, phụ huynh.

Nên lắp camera ở khu vực chấm thi

Sở GD &ĐT Hà Giang, Sơn La - nơi xảy ra sai phạm điểm thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: TL

Trở lại với kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông thấy có những điểm gì bất cập cần điều chỉnh?

-Thời gian này có nhiều ý kiến liên quan tới kỳ thi, tuy nhiên theo tôi thấy một kỳ thi cần được đánh giá ở ba yếu tố: Ra đề, tổ chức thi và chấm thi. Khâu ra đề thi, năm 2017 Bộ ra đề thi nhiều điểm 10, nhưng năm 2018 lại rất thiếu vắng. Điều này Bộ GD&ĐT phải rút kinh nghiệm. Cần định dạng đề thi thành nhiều cấp độ theo “chuẩn” quốc tế để phân loại học sinh từ yếu kém cho đến học sinh giỏi, trong đó sẽ có khoảng 10% học sinh yếu kém sẽ bị loại. Năm nay, Bộ đã có đảm bảo an toàn, có thể yên tâm về đề thi, chỉ cần điều chỉnh lại chút ít là đáp ứng tiêu chí.

Khâu tổ chức thi cũng có nhiều ưu điểm, cần giao cho địa phương, để địa phương tạo ra chất lượng học sinh và tự phải đảm bảo chất lượng của đầu ra. Học sinh ở nhà đến điểm thi hết sức thuận lợi. Khâu chấm thi, bảo quản bài thi rõ ràng đã bộc lộ một số “lỗ hổng”, cần khắc phục điều này.

Khâu chấm thi, bảo quản đề thi ở một số nơi là “kẽ hở” dẫn đến tiêu cực điểm thi. Theo ông, cần làm gì để khắc phục?

- Nếu như khâu đề thi, tổ chức thi năm nay khá ổn thì khâu chấm thi, bảo quản đề thi tại hội đồng thi bộc lộ sơ hở thực sự. Cụ thể, ở Hà Giang là chưa chặt chẽ, nên mới có việc ông Trưởng phòng Khảo thí đưa cho phó phòng của mình chìa khóa để mở cửa phòng, thực hiện hành vi sửa điểm của hàng trăm bài thi. Cần rút kinh nghiệm trong khâu này.

Trước đây, theo quy trình là niêm phong bài thi, phòng chứa bài thi, phải có mặt của hai cán bộ phụ trách mới được mở phòng chứa bài thi, thiết bị máy tính. Để khắc phục, cần có camera để ghi lại quá trình để đối chiếu, rà soát phát hiện các trường hợp vi phạm.

Xuất hiện một số ý kiến đề xuất kỳ thi đại học trả về cho đại học tổ chức, ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Tôi cũng được nghe về những ý kiến là có nên để địa phương tổ chức xét tốt nghiệp THPT còn trường đại học tổ chức thi đầu vào. Thú thực, tôi chưa thấy phù hợp. Bởi kỳ thi THPT Quốc gia cần được giao về cho các địa phương tổ chức để họ tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra của mình.

Còn chuyện giao cho đại học không cũng không nên, vì đại học đã tự chủ, được tự chọn cách tuyển sinh từ xét học bạ, điểm thi, kiểm tra năng lực… Nên họ hoàn toàn được lựa chọn cách thức phù hợp.

Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La vừa có kết quả chấm thẩm định môn Ngữ văn. Theo đó, có 42 bài thi bị giảm điểm sau khi chấm thẩm định. Cụ thể, ngày 24/7 Sở GD&ĐT Sơn La đã cập nhật bảng thống kê các bài thi có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn và đã gửi thông báo cho những thí sinh có điểm thi chênh lệch. Theo bảng thống kê, có 42/110 bài thi có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn, có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên, trong số này có 1 bài có điểm thấp hơn 3 điểm và 1 bài là 4,5 điểm so với chấm lần đầu, còn lại là 30 bài từ 0,25 đến 0,75 điểm. Trước đó, Tổ công tác của Bộ GD&ĐT cũng đề nghị sử dụng kết quả chấm thẩm định của 110 bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2018.

Quang Huy (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/pgsts-tran-xuan-nhi-nguyen-thu-truong-bo-gddt-sai-pham-nhung-noi-dung-quy-che-la-thieu-trung-thuc-20180726070610091.htm