PGS, TS Trần Trung Kiên: 'Người ta bảo con gái cứ thi đỗ vào ĐH Bách khoa là auto có người yêu'

Đó là phát biểu của PGS, TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội trong buổi Giao lưu trực tuyến cùng độc giả Saostar vào sáng nay ngày 26/3.

Con gái mà học Bách khoa là “auto” có người yêu

Sáng nay ngày 26/3, độc giả Saostar đã có buổi giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc về vấn đề chọn ngành, chọn trường trong mùa tuyển sinh 2019 cũng như thông tin về các ngành đào tạo, học phí, quy chế đào tạo… của ĐH Bách khoa Hà Nội cùng PGS, TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội.

Độc giả quan tâm đã gửi về BBT rất nhiều câu hỏi, thắc mắc liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Trong số nhiều câu hỏi, có một bạn nữ giấu tên đã nêu lên thắc mắc: “Em muốn thi khối ngành kĩ thuật nhưng ngại vì lớp toàn con trai thì thầy có lời khuyên nào không”?

Trả lời thắc mắc này, PGS, TS Trần Trung Kiên vui vẻ cho biết: “Tôi hay đọc trên các diễn đàn, ai cũng bảo, con gái mà thi vào Bách khoa thì auto có người yêu”.

PGS, TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cũng theo PGS Kiên, tỉ lệ nữ ở ĐH Bách khoa Hà Nội những năm gần đây đạt khoảng 25%, phân bố đều. riêng ở một số ngành cơ khí, tỉ lệ nữ khá thấp nhưng ngành kinh tế, ngoại ngữ, sinh học môi trường… thì tỉ lệ lại khá cao.

“Tuy nhiên, không có lĩnh vực nào nữ không học được. Có nhiều tấm gương nữ thành đạt khi học những nghề mà xã hội nghĩ rằng chỉ dành cho nam giới. Cá nhân tôi nghĩ, nếu bạn đam mê kĩ thuật thì chẳng có lí do gì để không vào học kĩ thuật cả”, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa cho biết.

Chuyện “đuổi sinh viên như cơm bữa” là có thật

Cũng trong buổi giao lưu trực tuyến, nhiều độc giả bày tỏ thắc mắc liên quan đến quy chế đào tạo của ĐH Bách khoa. Độc giả Nguyễn Ánh Tuyết nêu băn khoăn: “Em nghe nhiều người bảo ĐH Bách khoa Hà Nội đuổi sinh viên như cơm bữa vì nội quy rất khắt khe. Em muốn thi vào ĐH Bách khoa nhưng bị nhiều người dọa thế cũng suy nghĩ lung lắm. Thầy có thể giải thích rõ hơn về tin đồn này được không”?

Không ngần ngại, PGS Kiên cho hay, thông tin về việc đuổi sinh viên ở Bách khoa là có thật chứ không phải là tin đồn.

“Chuyện Bách khoa đuổi sinh viên là có thật nhưng nếu gọi đúng phải nói đó là quá trình sàng lọc sinh viên”, PGS Kiên nói thêm.

PGS Kiên cho rằng, khi tìm hiểu về quy chế đào tạo, sinh viên, học sinh nên tìm hiểu qua những kênh thông tin chính thức.

Theo ông Kiên, tỷ lệ sinh viên ra trường tính ra trong chục năm gần đây ở ĐH Bách khoa vào khoảng 70-75%. Tuy nhiên, việc ra trường đúng hạn hay không là tùy thuộc vào khả năng của sinh viên.

ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu cao về chất lượng đào tạo. Các em không chú trọng vào việc học sẽ bị sàng lọc. Tất nhiên, không phải trường sẽ sàng lọc ngay mà sẽ có những cảnh báo cấp 1, cấp 2, cấp 3. Nếu sau khi cảnh báo, sinh viên vẫn có kết quả học tập không tốt, vi phạm quy chế đào tạo thì trường sẽ sàng lọc. Về nội quy, quy chế của trường, tôi nghĩ tốt nhất các em nên tìm hiểu những thông tin chính thống thay vì nghe người nọ, người kia nói”.

Hãy coi học phí là một khoản đầu tư

Ngoài những thông tin liên quan đến ngành học, quy chế đào tạo, thông tin về vấn đề học phí ở ĐH Bách khoa cũng là chủ đề được nhiều sĩ tử quan tâm.

Trả lời về vấn đề này, PGS Kiên cho hay, từ tháng 12/2016, ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành trường tự chủ hoàn toàn về tài chính, không nhận hỗ trợ từ ngân sách tính theo đầu sinh viên. Vì vậy, nhà trường phải có chính sách học phí để đảm bảo hoạt động.

Học phí tuy do trường quyết nhưng Bộ GD&ĐT cũng có khung trần. Vì thế dù có tăng hay giảm cũng sẽ không vượt qua mức trần.

PGS Trần Trung Kiên và đại diện BBT Saostar.

Theo dự kiến, năm học 2019-2020, mức học phí đối với hệ đại trà là từ 17-22 triệu đồng, chương trình tiên tiến sẽ có mức học phí cao gấp 1,3-1,5 lần so với chương trình chuẩn cùng ngành. Chương trình đào tạo Quốc tế sẽ có học phí từ 50-60 triệu đồng/ năm.

Cũng theo PGS Kiên, mức học phí gọi là cao hay không cao cũng tùy thuộc vào chất lượng đào tạo và dịch vụ các bạn sinh viên nhận được. Hiện nay, học phí được trường sử dụng chính cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, một trường ĐH không thể dựa tất cả vào học phí. Nhà trường phải huy động tiền từ các nguồn khác để đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở vật chất nhằm hỗ trợ sinh viên, giảng viên học tập, nghiên cứu.

“Học phí dù có là 200-300 triệu hay 400 thì đó đều là một khoản đầu tư cho tương lai. Sinh viên nên suy nghĩ xem đầu tư làm sao cho hợp lý. 200 hay 300 triệu tính ra đúng là một khoản lớn nhưng hãy nghĩ đến cái mà chúng ta có thể nhận được.

Tôi thấy về phần đầu tư này thì người miền Nam dám mạnh tay đầu tư hơn người miền Bắc. Nhiều sinh viên miền Bắc còn e dè nhưng sinh viên miền Nam thì dám vay ngân hàng với chính sách ưu đãi để theo học. Hiện nay, tôi thấy nhiều học sinh vùng nông thôn cũng chọn theo học chương trình tiên tiến, Quốc tế và rất thành công”.

Team Sinh viên TV

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sinh-vien-tv/pgs-ts-tran-trung-kien-nguoi-ta-bao-con-gai-cu-thi-do-vao-db-bach-khoa-la-auto-co-nguoi-yeu-4844393.html