PGS.TS Trần Thành Nam: Giáo dục sớm, hiểu đúng để tránh trẻ 'chín ép, chín non'

Giáo dục sớm không phải 'đúc', 'đồng phục' những đứa trẻ trong một cái khuôn giống nhau…

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, nói đến giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất. (Ảnh: NVCC)

PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, nói đến giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với TG&VN, chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, giáo dục sớm không phải 'đúc', 'đồng phục' những đứa trẻ trong một cái khuôn giống nhau…

Là chuyên gia giáo dục, quan điểm của ông về tầm quan trọng của việc giáo dục sớm cho trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời?

Như nhà giáo dục Makarenco đã nói, nền móng của giáo dục được xây dựng vững chắc từ trước 6 tuổi chiếm 90% cả quá trình giáo dục.

Thực tế, những trải nghiệm đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ và năng lực học tập khi trưởng thành. Giai đoạn sơ sinh đến 5 tuổi, não bộ của trẻ linh hoạt nhất, dễ thích ứng nhất với mọi hoạt động trải nghiệm và tương tác với môi trường.

Đặc biệt, những tương tác với cha mẹ, người lớn khác và bạn đồng trang lứa sẽ “điêu khắc” nên những hệ kết nối, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp học tập sau này. Đó là lý do tại sao việc nuôi dưỡng và phát triển những năng lực xã hội, cảm xúc, nhận thức, ngôn ngữ trong những năm đầu đời lại quan trọng như vậy.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn bị lạc trong “ma trận” giáo dục, hiểu sai về khái niệm giáo dục sớm nên ép con đi học chữ trước, học làm toán nhanh. Vậy giáo dục sớm nên được hiểu như thế nào cho đúng, để tránh tình trạng “trái chín ép sẽ không ngọt”, thưa ông?

Phương pháp giáo dục sớm được hiểu là cách thức, là quá trình tác động lên trẻ giai đoạn từ 0-6 tuổi nhằm kích hoạt vỏ não, đặc biệt là não phải, từ đó giúp khơi dậy, phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong mỗi đứa trẻ.

Giáo dục sớm thực chất là quá trình trẻ học mọi thứ xung quanh mình. Chính vì vậy, giáo dục sớm bắt đầu ngay từ trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển đầy đủ các giác quan để đón nhận mọi kích thích từ môi trường bên ngoài.

Nói đến giáo dục sớm là nói đến việc đánh thức năng lực tiềm ẩn và vô hạn của con người, bồi dưỡng nền tảng tính cách ở giai đoạn trí tuệ con người phát triển nhất.

Bản chất của giáo dục sớm là đem đến cho con trẻ một cuộc sống đầy thú vị, đầy màu sắc nhưng phải được được kích thích, rèn luyện một cách phù hợp. Qua đó, nâng cao tố chất cơ bản và khác hoàn toàn với giáo dục thông thường.

Với ý nghĩa và giá trị của nó, giáo dục sớm luôn được các nhà giáo dục quan tâm đặc biệt trong thời đại công nghệ số.

Vậy theo ông, có thể cụ thể hóa việc giáo dục sớm trong thời đại công nghệ số ra sao?

Giáo dục thông qua chơi hiện nay cũng là phương pháp được nhiều người sử dụng. Ở tuổi mầm non, các con học thông qua tất cả các trò chơi, qua bắt chước, qua đóng vai...

Thực tế, đứa trẻ nào cũng dễ bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những trò chơi. Để phát triển năng lực của trẻ về nhận thức, ngôn ngữ, sáng tạo cũng như tình cảm, nhiều người đã áp dụng việc học qua các trò chơi hiệu quả.

Cha mẹ có thể cùng con đọc sách, cùng con vẽ tranh, xếp hình. Quan trọng chúng ta phải tôn trọng ý tưởng và sự sáng tạo của trẻ.

Khi vẽ cùng con, thật bất ngờ, tôi phát hiện ra khả năng quan sát của con rất tuyệt vời. Đó là khi con nhìn qua cửa cổ, dưới ánh đèn đường màu vàng nên xuất hiện cơn mưa màu vàng trong bức tranh của con. Đó là lý do tại sao cơn mưa màu vàng chứ không phải màu trắng trong tranh con vẽ. Tưởng chỉ là một trò chơi đơn giản nhưng thực tế lại giúp đứa trẻ phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo rất lớn.

Ở nhà, phụ huynh cũng có thể thông qua việc xếp hình với con, yêu cầu con xếp hình theo màu sắc, sẽ phân nhóm hình nào, màu gì thì con xếp theo màu. Hoặc yêu cầu con xếp theo số cạnh của hình đó thì những hình tam giác, con sẽ xếp với nhau, hình tứ giác con sẽ xếp với nhau.

Qua những hoạt động đó, cha mẹ có thể giúp con nhận thức về khái niệm liên quan đến màu sắc, số. Thực tế, với những trò chơi đơn giản nhưng áp dụng đúng cách, tôn trọng quan điểm của con, khi đưa vào mục tiêu giáo dục sẽ giúp con phát triển được nhiều kỹ năng.

Ông nghĩ sao về thực tế nhiều bậc cha mẹ đang khiến trẻ “chín non, chín ép” hiện nay?

Tôi đã từng nhiều lần chia sẻ, giáo dục sớm không phải là giáo dục trẻ thành thiên tài hay thần đồng. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh lại luôn muốn con nổi trội hơn bạn bè đồng lứa, sẵn sàng đẩy con đến các lớp học từ sớm. Điều này khiến đứa trẻ chịu áp lực không nhỏ, thậm chí để lại hậu quả ngược.

Giáo dục sớm nên được hiểu, không phải trang bị để đứa trẻ có nhiều kiến thức ngay từ bé, mà là hành trang để trẻ tự tin so với trẻ khác. Việc tiếp thu kiến thức là cả một quá trình, suốt cuộc đời một con người chứ không nằm ở những khóa học cấp tốc, học vội, khiến đứa trẻ thành những “trái chín ép, chín non” như thế.

Trẻ cần học kiến thức phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi chứ không phải học tất cả. Bộ não của trẻ nên có những “khoảng trống” nhất định để chuẩn bị cho việc học những kiến thức trong tương lai.

Nếu như người lớn cố tình lấp đầy kiến thức ngay từ bé sẽ khiến trẻ cảm thấy quá tải, học theo kiểu nhồi nhét. Như một quy luật, việc học như vậy sẽ khiến “tắc nghẽn” kiến thức, gây ra sự căng thẳng và áp lực tâm lý đối với trẻ.

Hơn hết, giáo dục sớm càng không phải “đúc” nên những đứa trẻ trong một cái khuôn giống nhau, “đồng phục” những đứa trẻ. Bởi lẽ, mỗi một đứa trẻ có những năng lực riêng, có màu sắc riêng và sự khác biệt tạo ra dấu ấn riêng.

Do vậy, ngay từ bé, hãy quan tâm nhiều đến năng lực chuyên biệt của trẻ, giúp năng lực đó phát triển một cách tự nhiên. Chúng ta không nên ép mọi trẻ nhỏ phải học giống nhau, đạt được kết quả như nhau.

Nhiều người ngộ nhận, dạy trước chương trình, học trước, buộc trẻ “chín ép” là giáo dục sớm nhưng đó là quan điểm sai lầm, bởi "trái chín ép sẽ không ngọt". Cha mẹ cần có những tác động và biết cách tác động khoa học để phát huy tối đa tố chất của trẻ.

Khi trẻ có tố chất tốt mới có say mê, có kỹ năng sau này, tự khắc sẽ tích cực trong học tập.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pgsts-tran-thanh-nam-giao-duc-som-hieu-dung-de-tranh-tre-chin-ep-chin-non-133169.html