PGS.TS Trần Hậu Kiêm: Cứ đàng hoàng mà sống!

Khi tìm kiếm ý tưởng cho số đặc biệt kỷ niệm 73 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam, tôi liền nghĩ ngay đến ông - Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Trần Hậu Kiêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra. Lý do thì thật đơn giản: Ông là 1 trong 2 PGS.TS hiếm hoi của ngành Thanh tra Việt Nam (người còn lại là cố PGS.TS Lê Bình Vọng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế) kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt vào ngày 23/11/1945 cho đến thời điểm này.

Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Trần Hậu Kiêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra.

Rẽ ngang ở tuổi ngoài 50

Giáo dục là sự lựa chọn đầu tiên của Nhà giáo Ưu tú Trần Hậu Kiêm, nhưng, ngành Thanh tra lại là bến đỗ cuối cùng của ông. Duyên là, ông vẫn gắn bó được với nghề cũ - nghề đứng lớp - mà lại được tiếp cận với nghề mới - nghề thanh tra - khi trở thành Hiệu phó (năm 1993), rồi Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra (từ năm 1996 đến năm 2000 - khi về hưu).

“Năm 1993, khi đang là trưởng phòng tại Vụ Công tác Chính trị của Bộ Giáo dục, tôi được anh Nguyễn Kỳ Cẩm (Tổng Thanh tra Nhà nước khi đó - PV) mời về công tác tại Trường Cán bộ Thanh tra. Hỏi ra mới biết, anh Nguyễn Kỳ Cẩm đã tìm hiểu rất kỹ về tôi trước khi đề cập đến chuyện rẽ ngang này. Khi đó, anh Nguyễn Kỳ Cẩm bảo: “Tôi hoàn toàn yên tâm vì anh là con của ông Trần Hậu Toàn”” - ông nhớ lại.

Ở đây, xin được dừng lại để nói thêm đôi điều về lý do khiến Tổng Thanh tra Nguyễn Kỳ Cẩm tuyệt đối tin tưởng, rằng: Cha PGS.TS Trần Hậu Kiêm là cụ Trần Hậu Toàn, từng một thời nổi tiếng khắp vùng vì yêu nước, học hành giỏi giang, dạy dỗ con nghiêm khắc. Cụ Trần Hậu Toàn hoạt động cách mạng từ năm 1929, từng bị thực dân Pháp bắt và bỏ tù. Sau khi ra tù, cụ vừa tham gia cách mạng vừa dạy học. Sau cách mạng tháng Tám, cụ Trần Hậu Toàn làm Giám đốc ngành Giáo dục Hà Tĩnh. Từ năm 1957, cụ là Chủ tịch Liên đoàn Giáo dục Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Cả cha và mẹ của PGS.TS Trần Hậu Kiêm đều là đảng viên kỳ cựu, lão thành cách mạng. Trong đó, mẹ ông còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

“Cũng có những băn khoăn nhất định, vì khi đó tuổi của tôi đã ngoài 50. Liệu còn cống hiến gì được nhiều cho ngành Thanh tra? Liệu có đáp ứng được sự tin tưởng của lãnh đạo? Nhưng rồi, với sự động viên của anh Nguyễn Kỳ Cẩm, rồi cả anh Trần Quốc Trượng (Phó Tổng Thanh tra), tôi đã nhận lời”.

Chia sẻ thêm về giai đoạn gắn bó với sự nghiệp đào tạo của ngành Thanh tra này, ông bảo: Lúc bấy giờ, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Trường chỉ có 1 phòng học cũng đồng thời là hội trường. Gần đó có 1 nhà 2 tầng là nơi làm việc của Ban Giám hiệu và có các phòng, ban. Ngoài ra, còn có 1 dãy nhà cấp 4 là phòng ở của học viên từ các địa phương về học. Thêm nữa, có Phòng Kế toán và bộ phận y tế của nhà trường.

Làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nhưng tập thể giáo viên và cán bộ, công nhân viên nhà trường luôn đoàn kết, nhất trí, có ý thức khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, nhà trường đã mở được nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ và ở các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo của đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra.

Làm gì cũng phải đàng hoàng

Suốt mấy tiếng trò chuyện, ông chia sẻ rất nhiều về cuộc đời mình, nhất là giai đoạn công tác trong ngành Thanh tra, nhưng còn có những điều, chắc do tế nhị, ông không đề cập, dù vậy, qua tìm hiểu, tôi biết, giai đoạn đó, vấn đề nhân sự, đặc biệt là việc “vực dậy” trường, ở nhiều phương diện, đòi hỏi sự nỗ lực “bằng năm, bằng mười”, thậm chí là cạn kiệt sức lực của người đứng đầu.

Ông từng là một nhà giáo, một nhà quản lý giáo dục với đặc thù công việc được đánh giá là khá… thuần. Vì sao một người chuyên nghiên cứu, giảng dạy và quản lý về công tác chính trị, về đạo đức như ông lại làm được công việc mà đôi khi cần nhiều đến các toan tính, đường đi nước bước bài bản, thậm chí cả… thủ đoạn? Nghe tôi hỏi thế, với nụ cười hiền, ông thẳng thắn: Thì cứ đàng hoàng mà sống, mà cống hiến. Mình chân thành với mọi người, mình hết mình vì mọi người, chắc chắn mọi người sẽ đối xử tốt với mình. Mà, nếu không tốt thì chắc cũng ít ai nghĩ tới việc hại mình.

Ông nói vậy, nhưng tôi biết, ít nhiều vẫn có những dị nghị, đâu đó là thị phi, rồi cả điều tiếng, thậm chí “vu tội” cho ông. Nhưng, cũng có thể, vì sống đàng hoàng, vì luôn đau đáu với đạo đức, nên ông đã “hóa giải” được những điều đó.

Giai đoạn này, ông đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Vận dụng tâm lý học vào hoạt động thanh tra” (nghiệm thu năm 1995, được đánh giá xuất sắc); “Hoàn thiện và đổi mới giáo trình nghiệp vụ thanh tra” (nghiệm thu năm 1997, được đánh giá xuất sắc); “Cơ sở khoa học xây dựng nội dung, chương trình giáo trình giảng dạy của Trường Cán bộ Thanh tra đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra viên trong thời gian tới”… Còn, “nhà trường cũng được Tổng Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) ghi nhận và tặng Bằng khen trong nhiều năm liên tục. Đặc biệt, năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”.

Thế mới biết, đàng hoàng - chỉ 2 chữ thôi, nghe thì đơn giản, nhưng để nghĩ được đàng hoàng, học được đàng hoàng và làm được đàng hoàng là điều không dễ. Không phải ai cũng có thể nghĩ được, học được và càng vô cùng khó để làm được.

“Quàng” vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII vào câu chuyện, ông tâm huyết: “Là cán bộ, nhất lại là lãnh đạo, đừng rao giảng, anh cứ sống đàng hoàng, cứ nêu gương thì khắc anh em sẽ tin và làm theo”. Ông nói không sai, bởi thực tế luôn cho thấy, khi nói không đi đôi với làm, khi “thượng bất chính” thì “hạ tắc loạn”. Đó là chân lý từ nghìn đời mà các cụ xưa đã dạy!

Nghỉ hưu ở tuổi 60, đến nay, khi đã bước sang tuổi 80 được mấy tháng, hàng ngày, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, đi dạy, đi nói chuyện chuyên đề, chấm luận văn, luận án. “Cũng đã có khoảng 15 trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Nam, ngoài Bắc mời giảng dạy, nói chuyện, hướng dẫn, ngồi hội đồng anh ạ. Còn sức khỏe, còn cống hiến”.

Ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi của ông, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Nhà giáo Ưu tú, PGS.TS Trần Hậu Kiêm nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Chống Mỹ Cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với ngành Thanh tra, ông là Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ (năm 1999), nhiều lần được Tổng Thanh tra Nhà nước tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra, trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, ông còn vinh dự được nhận Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Thanh tra.

Các tập sách đã xuất bản

1. Đạo đức học (1991), Nhà xuất bản Đại học Trung học Chuyên nghiệp.

2. Các dạng đạo đức xã hội (Chủ biên) (1993), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

3. Hỏi đáp đạo đức học (Chủ biên) (1995), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

4. Đạo đức học (viết lại lần 2) (1997), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

5. Chứng cứ trong hoạt động thanh tra (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

6. Tâm lý học thanh tra (Chủ biên), (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

7. Hoạt động thanh tra nhân dân (Chủ biên), (1998), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

8. Văn bản quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh tra, (Chủ biên), (1999), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

9. Hồn biển (Thơ) (2001), Nhà xuất bản Thanh Niên.

10. Thơ Nhà giáo (Nhiều tác giả), (2001), Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc.

11. Phạm trù đạo đức và giáo dục đạo đức cho sinh viên (Viết cùng PGS Đoàn Đức Hiếu), (2004), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

12. Giáo trình đạo đức học Mác - Lênin (Nhiều tác giả), (2005), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.

13. Sự biến dạng diệu kỳ (Thơ), (2006), Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Thành Nam Định

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/pgsts-tran-hau-kiem-cu-dang-hoang-ma-song_t114c1059n141537