PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra điều 'lạ lùng' trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Tại Hội thảo 'Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy' diễn ra sáng ngày 15/11, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã có một số chia sẻ liên quan đến việc tăng trưởng GDP gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, hiện nay có những ý kiến khác nhau về mức tăng trưởng kinh tế 3 quý năm 2017, giữa số lượng và chất lượng, tại sao lại có bất thường như vậy.

"Đây là vấn đề cần giải quyết trong thời điểm này. Câu chuyện về lòng tin không chỉ liên quan số liệu mà còn là cách nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam", ông Thiên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng cách tiếp cận về tăng trưởng dường như đang bị "lệch", nói nhiều đến chất lượng nhưng vẫn nghiêng về số lượng. "Ngay cả các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng cũng thiếu rất nhiều thì giải pháp làm sao chất lượng được", PGS.TS nêu vấn đề.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng không nên "chạy" theo tăng trưởng GDP từng năm

Dẫn chứng số liệu GDP các quý nhiều năm qua, ông Thiên cho biết điều 'lạ lùng' của tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam là "đầu năm thấp, cuối năm cao và cơ bản hoàn thành kế hoạch". Tuy nhiên nếu xét về xu hướng tăng trưởng dài hạn, cứ 10 năm tốc độ tăng trưởng bình quân lại giảm gần 1%.

"Riêng năm 2017, có nhiều nghi vấn xung quanh việc GDP quý I chỉ tăng 5,15%, đến quý III có sự đột phá lên 7,46% để trung bình 3 quý là 6,4%. Bước nhảy vọt từ quý I lên quý III chưa năm nào mạnh như năm nay. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công ít, khai thác dầu khí giảm rất mạnh... Tại sao lại như vậy?", ông Thiên đặt câu hỏi.

Theo Viện trưởng Viện kinh tế, về tăng trưởng của năm 2017 cần nhìn nhận ở 2 khía cạnh: số lượng và động thái. Trong đó, động thái gắn với sự dịch chuyển về chất lượng, động cơ tăng trưởng.

"Về số lượng, đầu tư tư nhân tăng mạnh trong năm qua. Một số ngành như nông nghiệp tăng trưởng có tính đột biến. Dịch vụ cũng tăng trưởng tốt, chưa kể đầu tư nước ngoài đóng góp đáng kể, trong đó phải kể đến Samsung và Formosa. Như vậy, nếu xét về số lượng, việc tăng trưởng GDP là hoàn toàn có thể giải thích được", ông Thiên lý giải.

PGS.TS cũng đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới cao kỷ lục, tinh thần khởi nghiệp lên cao.

Tăng trưởng GDP qua các quý năm 2017 của Việt Nam

Để tạo ra động lực tăng trưởng, chuyên gia này đề xuất trong 3 năm tới không nên chạy theo GDP từng năm một, cần bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu trong đó GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng.

"Cần tập trung các giải pháp dài hạn, thay cách làm hoàn toàn chứ không thể cải tiến cách cũ nữa. Phải căn cứ vào các cam kết hội nhập để định hình mục tiêu, căn cứ vào yêu cầu của các mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới", ông Thiên nêu ý kiến.

Trong khi đó, theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, dù kinh tế có những cải thiện tích cực nhưng bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

"Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như khai khoáng, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp. Thậm chí có thể đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng", ông Thuấn lưu ý.

Nói thêm về câu chuyện GDP tăng trưởng "thần tốc" khiến nhiều người tranh cãi trong thời gian qua, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định ông không phải gửi Chính phủ phê duyệt số liệu trước khi công bố.

"Theo Luật, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm về số liệu thống kê. Tôi không phải gửi ai duyệt trước cả", ông Lâm nhấn mạnh.

Ông Lâm cho biết, Tổng cục Thống kê đã tuân thủ các thông lệ quốc tế, độc lập khách quan, đồng thời đã đưa vào tính toán nhiều hơn các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng như hệ số ICOR, chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chỉ tiêu về năng suất lao động. Kết quả cho thấy các chỉ số ICOR và TFP năm 2017 đều tốt hơn khá nhiều so với năm 2016.

>>Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việt Nam cần tránh "hai nền kinh tế trong một quốc gia"

Thanh Tâm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/pgs-ts-tran-dinh-thien-chi-ra-dieu-la-lung-trong-tang-truong-kinh-te-viet-nam-20171115033410816p4c145.news