PGS.TS Trần Đắc Phu: Y tế dự phòng Việt Nam đã 'đi sớm một bước'

Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít nước được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch bệnh. Một trong những yếu tố làm nên thành công đó là Việt Nam đã làm tốt công tác y tế dự phòng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) trao đổi xung quanh vấn đề này.

Lực lượng y tế dự phòng đi tìm kiếm những đối tượng F1,F2…

Lực lượng y tế dự phòng đi tìm kiếm những đối tượng F1,F2…

Xin ông cho biết tính chủ động của y tế dự phòng được thể hiện như thế nào trong đại dịch Covid-19 này và đã mang lại thành công như thế cho Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh?

- Thứ nhất, chúng ta đã chủ động ngay từ khi tình hình dịch xảy ra bên Vũ Hán (Trung Quốc). Ngay từ khi có thông tin cho rằng đó là bệnh lây theo đường hô hấp, chúng ta ngay lập tức quan sát, lo ngại và nhận định nguy cơ xâm nhập sang Việt Nam rất lớn. Ví dụ như dịch bệnh Sars, cúm A, H7N9… thì đều có nguy cơ từ Trung Quốc. Chính vì thế chúng ta đã có sự cảnh giác cao độ.

Thứ hai, tính chủ động thể hiện ngay ở các biện pháp để ngăn chặn dịch như phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch cũng được đưa ra. Và đây chính là kinh nghiệm của y tế dự phòng vì chúng tôi luôn luôn đặt ra với mình yêu cầu phải ngăn chặn một cách nhanh nhất khi dịch bệnh xảy ra.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

Việc phát hiện ca bệnh, trong đó phát hiện những ca bệnh đầu tiên để tiến hành dập dịch là rất quan trọng, đặc biệt là với những bệnh lây truyền mạnh thì việc cách ly là vấn đề cấp thiết. Y tế dự phòng đã là làm tốt việc này, người ta gọi là phát hiện ca bệnh đầu tiên như phát hiện chỉ điểm.

Thứ ba, với những loại bệnh như thế này, y tế dự phòng đã cũng nghĩ đến việc chẩn đoán dựa trên tinh thần của các yếu tố dịch tễ. Đó là tiền đề sớm nghiên cứu ra các hướng giám sát, xử lý. Để cho các địa phương, các đơn vị kiểm dịch quốc tế, các đơn vị khác biết cách để người ta giám sát, phát hiện ca bệnh. Rồi tiếp theo đó có những hướng dẫn để các đơn vị cũng có những cái test kit giúp chẩn đoán nhanh vì lúc đó Việt Nam chưa sản xuất được test kit.

Có thể nói, chúng ta đã hết sức chủ động trong việc xét nghiệm để phát hiện ca bệnh. Và chúng ta cũng thành công trong việc nuôi cấy, phân lập virus để nghiên cứu. Bên cạnh đó cũng đã xây dựng những kế hoạch để phù hợp với tình hình dịch theo các cấp độ khác nhau cho ngành Y tế. Đặc biệt là việc kích hoạt Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đi vào hoạt động. Việc này giúp công tác phòng chống dịch từ TW đến địa phương tốt hơn.

Nói tóm lại bởi vì có sự chủ động ngay từ đầu nên Việt Nam luôn luôn đáp ứng một cách rất đúng, kịp thời. Khi dịch bệnh vẫn ở bên ngoài lãnh thổ thì chúng ta đã tập trung cho việc phát hiện ca bệnh rồi thực hiện việc cách ly. Chính việc nhanh chóng cách ly, chúng ta mới ngăn chặn được dịch một cách hiệu quả, thành công như hiện tại.

Khai báo y tế tại một chốt kiểm dịch.

Trong cuộc chiến chống Covid-19 này, tôi cho rằng là sự chủ động và đáp ứng rất nhanh trong công tác phát hiện cũng như phòng chống dịch đã giúp Việt Nam ngăn chặn, phòng chống dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Cá nhân tôi nhận định việc giãn cách cộng đồng với sự tham gia của toàn bộ đất nước cũng là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động.

Khí hậu của Việt Nam cũng như thế giới đang có chiều hướng diễn biến tiêu cực. Bên cạnh đó về việc vẫn còn tình trạng giết thịt động vật hoang dã, thú rừng, được cho là nguồn gốc gây ra các đại dịch lớn. Thế nên, có thể Covid-19 sẽ không phải đại dịch cuối cùng. Theo ông, ngành Y tế dự phòng trong tương lai cần biện pháp, cần sự phát triển như thế nào?

- Y tế dự phòng, trước giờ chúng ta nói dự phòng là chính và phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có những đầu tư cho công tác y tế dự phòng. Nhưng cũng còn có những khó khăn so với nhiều nước trên thế giới.

Và trong đại dịch Covid-19 thì cho thấy rằng vai trò của dự phòng là rất quan trọng. Y tế dự phòng luôn luôn đi trước một bước và cũng luôn luôn hậu thuẫn ở phía sau.

Y tế dự phòng làm công tác hậu cần chuẩn bị cho một cuộc xét nghiệm ngẫu nhiên tại Hà Nội.

Nếu trong dịch Covid-19 này, chúng ta không làm tốt dự phòng cũng như các biện pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu thì có lẽ rằng sẽ có nhiều tình huống xấu hơn, thậm chí là sẽ có những tử vong, “vỡ trận” hệ thống như một số nước hiện tại. Làm dự phòng không tốt nên mới vậy, không sớm, không đúng, không quyết liệt. Bởi vậy tôi cho rằng công tác dự phòng rất quan trọng.

Có lẽ trong thời gian tới, chúng ta cũng cần đầu tư nhân lực, máy móc và các cơ sở vật chất từ TW đến địa phương để công tác dự phòng tốt hơn. Cho dù chúng ta cũng đã có sự quan tâm rồi, nhưng vẫn cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn.

Còn nói về chuyện bệnh lây truyền qua động vật thì từ trước đến nay có nhiều bệnh lây truyền qua động vật. Trong đó, Covid-19 nghi vấn từ dơi lây qua người, từ người lây cho nhau. Hay cúm A H7N9, H5N1 cũng từ gia cầm và nhiều bệnh khác cũng từ gia cầm.

Đến nay chúng ta đã có chương trình “Một sức khỏe” (One health), việc phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng rất là quan trọng. Bởi vậy người dân cũng không nên ăn thịt thú rừng để phòng chống dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.

Với vai trò là nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng như là cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế, ông nhận định như thế nào về khả năng dự báo của y tế dự phòng?

- Theo tôi, việc dự báo là rất khó, bởi vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như các bệnh liên quan đến thời tiết, khí hậu, tự nhiên thì cũng có những thay đổi. Các bệnh hô hấp như Covid-19 phụ thuộc vào con người, nếu làm tốt thì không bùng lên, nếu không tốt thì dịch sẽ bùng lên.

Ông Phu cho hay, ngay khi dịch bệnh vẫn ở bên ngoài lãnh thổ thì chúng ta đã tập trung cho việc phát hiện ca bệnh.

Như Singapore là một ví dụ, người ta cũng không lường trước được giai đoạn sau của dịch bệnh, nên để dịch bệnh lây trong khu dân cư, người lao động nhập cư… Từ một nước khống chế tốt dịch bệnh, giờ đây trở thành nước có nhiều ca nhiễm.

Tôi cho rằng luôn luôn phải có sự chủ động, để có thể có những giải pháp đúng đắn như ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch... Quốc tế nhiều nước không làm tốt việc phát hiện và cách ly và hậu quả thì đến nay ai cũng nhìn thấy.

Tại Việt Nam, ngay từ khi phát hiện các ca nhập cảnh đã chủ động khoanh vùng tất cả các ổ dịch. Từ ổ dịch nhỏ, chúng ta khoanh vùng tốt, dập dịch tốt thì dịch không bùng phát được.

Đó là những bài học những kinh nghiệm rất quý báu. Trong tương lai chúng ta cần đầu tư cho việc dự phòng để có những bước chủ động đối với dịch bệnh, như đầu tư cho việc phát hiện sớm tốt bằng các việc test kit, máy móc, đầu tư cho việc sản xuất vắc xin...

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! Chúc ông có nhiều cống hiến cho nền y tế nước nhà hơn nữa!

Tuấn Anh - Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/pgsts-tran-dac-phu-y-te-du-phong-viet-nam-da-di-som-mot-buoc-512900.html