PGS.TS Trần Đắc Phu: Nỗ lực tiêm trên 100 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân Việt Nam

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam cố gắng, nỗ lực tối đa trong năm 2021 để người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ, sớm nhất. Cùng với việc nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đang 'chạy đua' sản xuất vaccine Covid-19.

Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với PGS TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng xung quanh vấn đề này.
Triển vọng vaccine Covid-19 “made in Vietnam”
Vaccine Covid-19 đang là vấn đề nóng của thế giới để giải bài toán khống chế được dịch. Thưa ông, đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của vaccine Covid-19 “made in Vietnam”?
- Việt Nam là một quốc gia đã có thành tựu trong sản xuất vaccine. Nước ta đã tự sản xuất được các loại vaccine được đưa vào phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe quốc gia. Như vậy, đây cũng là tiền đề cho việc sản xuất thành côngvaccine Covid-19.
Hiện nay, ở Việt Nam có 4 cơ sở (Vabiotech, Ivac, Nanogen và Polyvac) đăng ký sản xuất vaccine Covid-19. Mỗi cơ sở nghiên cứu có cách tiếp cận công nghệ khác nhau. Đến nay, vaccine của Nanogen (vaccine Nanocovax) đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, kết quả cho thấy, vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả khi tiêm trên người.

Còn vaccine của Ivac (vaccine Covivac) cũng đã thử nghiệm ở giai đoạn 1, cho kết quả tốt. Cùng với vaccine Nanocovax, Covivac, tiến độ sản xuất vaccine của Vabiotech đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Đây là những nỗ lực, cố gắng không ngừng của các nhà sản xuất vaccine trong nước.

Với điều kiện hiện nay, việc sản xuất vaccine Covid-19 trong nước gặp những thách thức, trở ngại nào và giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đó là gì, thưa ông?
- Thực tế, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song đây là con đường tất yếu chúng ta phải đi nếu muốn chủ động nguồn cung cấp vaccine phục vụ người dân. Trước tiên, có thể thấy, Việt Nam sản xuất vaccine Covid-19 trong điều kiện rất nhanh và gấp, trong khi tiềm lực kinh tế không phải là nước giàu. Song song với việc sản xuất vaccine, Việt Nam phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Nếu môi trường thử nghiệm giai đoạn 3 được ở những nơi đang có dịch lưu hành thì tốt nhất.

Mặt khác, hiện nay, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có thể thử nghiệm trên quần thể mà quần thể đó cũng không có bệnh đang lưu hành. Vì ở nước ta số người mắc bệnh ít nên chúng ta vừa làm vừa phải đánh giá theo cách riêng của Việt Nam. Nhất là trong tình hình dịch bệnh khẩn cấp hiện nay, chúng ta vẫn tiến hành sản xuất vaccine, đảm bảo chu trình, đủ kỹ thuật, an toàn, hiệu quả cao, sớm có vaccine cho người Việt Nam sử dụng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.
Tuy nhiên, với những trở ngại này, Việt Nam sẽ nhanh chóng tháo gỡ được. Thời gian qua, Bộ Y tế và các cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính để các đơn vị tiến hành sản xuất vaccine một cách thuận lợi nhất. Trong bối cảnh hiện nay, thủ tục cáp lưu hành cho vaccine Covid-19 sẽ nhanh hơn, quy trình thủ tục hành chính sẽ được rút gọn. Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc sản xuất vaccine. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào vaccine “made in Việt Nam” bởi hiện tại, mọi thứ vẫn đang tốt, chưa có vấn đề đáng lo ngại.
Phải có ít nhất 60 - 70% dân số được tiêm vaccine Covid-19
117.600 liều vaccine Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca đã có mặt tại Việt Nam. Vaccine này sẽ giúp Việt Nam tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Theo ông, chất lượng của vaccine này được đánh giá như thế nào?
- Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên. Vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia. Gần đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa vaccine AstraZeneca vào danh sách sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu. Vaccine này được đánh giá chất lượng, hiệu quả cao trong phòng Covid-19.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca được phát triển dựa trên công nghệ “vector virus”, theo đó, một loại virus gây cảm cúm thông thường ở loài tinh tinh được làm cho suy yếu có tác dụng đưa ra các chỉ dẫn di truyền đến các tế bào con người, giúp chống lại virus SARS-CoV-2. Về mặt giá cả, AstraZeneca cam kết, vaccine của hãng sẽ được bán không lợi nhuận với giá chỉ vài USD một liều. Điều kiện bảo quản cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của vaccine AstraZeneca khi chỉ cần bảo quản bằng tủ lạnh ở nhiệt độ 2 - 8oC. Với ưu điểm giá thành rẻ, dễ dàng bảo quản và vận chuyển, vaccine AstraZeneca được đánh giá tốt hơn về độ phù hợp với những quốc gia đang phát triển.
Việc nhập khẩu vaccine Covid-19 liệu có đáp ứng đủ nhu cầu lớn của người dân hiện nay?
- Về nhu cầu của người dân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước mắt, việc nhập khẩu vaccine Covid-19 chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi, dịch còn diễn biến phức tạp nên việc sản xuất vaccine trong nước vô cùng cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, nguyên tắc là dù vaccine nội hay ngoại, chúng ta đều phải có kế hoạch triển khai từng bước, chứ không phải có vaccine là chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay.

Trước mắt và quan trọng là chúng ta phải tiêm cho những đối tượng ưu tiên như: Nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, tiếp đến là người già, người có bệnh nền... Sau đó, có đủ vaccine mới có thể tiêm đại trà. Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục, làm sao để an toàn, hiệu quả và có các kế hoạch triển khai cụ thể.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta phải đảm bảo 60 - 70% dân số miễn dịch cộng đồng. Để đạt được điều đó, nước ta phải tiêm ít nhất cho 60 - 70% dân số trở lên và vaccine phải có hiệu lực cao. Tuy nhiên, trên thế giới chưa có quốc gia nào tiêm được 60 - 70% dân số. Trong khi đó, loại vaccine này mỗi người tiêm 2 liều, chúng ta phải có ít nhất trên 100 - 150 triệu liều. Vì vậy, việc sản xuất vaccine trong nước vô cùng quan trọng.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dù Việt Nam sắp tới có vaccine nhưng các đơn vị, địa phương vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay. Người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo.

Chúng ta phải ngăn chặn không để xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Các trường hợp nhập cảnh hợp pháp, bất hợp pháp đều phải cách ly 100% đủ thời gian quy định. Đồng thời, các đơn vị phải phát hiện sớm ca bệnh, tiến hành cách ly nghiêm ngặt, không để sơ hở, lọt ca bệnh ra bên ngoài. Khi phát hiện, đơn vị phải khoanh vùng, truy vết, dập dịch quyết liệt.

Xin cảm ơn ông!

"Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dù Việt Nam sắp tới có vaccine nhưng các đơn vị, địa phương vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay. Người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo." - PGS.TS Trần Đắc Phu

Trần Thảo (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pgsts-tran-dac-phu-no-luc-tiem-tren-100-trieu-lieu-vaccine-covid-19-cho-nguoi-dan-viet-nam-411256.html