PGS.TS.Phạm Bích San: Thầy cô được tự chủ trên giảng đường

Tự chủ Đại học theo hướng giảm can thiệp vào giáo trình của chính Giáo sư, Tiến sĩ, nâng cao quyền lực của Hội đồng trường ĐH.

PGS.TS. Phạm Bích San -Viện Nghiên cứu tư vấn và phát triển, nguyên Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam khi tham gia diễn đàn khoa học "Tự chủ trong giáo dục Đại học - những vấn đề đặt ra" cho rằng cần phải kiên quyết với công cuộc tự chủ Đại học. Đây là vấn đề nếu làm tốt sẽ nâng cao chất lượng của các trường Đại học, nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên.

PGS.TS. Phạm Bích San - Viện Nghiên cứu tư vấn và phát triển

Có 4 yếu tố để một trường Đại học tự chủ gồm: tự chủ về học thuật, tự chủ nguồn nhân lực, tự chủ tài chính và trao quyền cho Hội đồng trường trong quản lý trường Đại học.

Ông San cho rằng, Đại học quan trọng nhất là tự chủ về học thuật. Tự chủ học thuật tức là các trường Đại học phải được quyền quyết định đào tạo theo hướng gì, phục vụ cho cái gì. Trường Đại học phải tự quyết định mình sẽ dạy những ngành nghề nào và nội dung đào tạo là gì để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Điều này ở Việt Nam chưa có.

Do vậy, khi mở ra một khoa mới, một chương trình đào tạo mới thì cần phải có sự kiểm duyệt bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ chủ quản. Trường Đại học phải có chương trình giảng dạy thế nào cho sinh viên để sau khi ra trường có thể đạt được các yêu cầu nghề nghiệp thì đó là việc tự chủ của trường.

Thứ hai, tự chủ nguồn nhân lực. Trường Đại học phải được quyền tự lựa chọn nhân lực của trường theo nhu cầu của trường và năng lực tài chính của họ, không bị chi phối bởi các chỉ tiêu: tối thiểu bao nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư... Các trường Đại học nên được tự chủ trong việc lựa chọn Giáo sư nào, chuyên gia quốc tế nào về giảng dạy tại trường và khi Giáo sư đó được mời về thì được giảng dạy theo chương trình của Giáo sư đó.

Nước Mỹ có một cơ chế rất hay là chọn giảng viên thông qua thư giới thiệu của những người có uy tín. Người ta thành lập hội đồng hẳn hoi, xét rất chặt. Nhưng khi đã vượt qua được sự sát hạch chặt chẽ ấy thì người thầy được trao toàn quyền đối với việc giảng dạy, không bao giờ có chuyện hiệu trưởng, hiệu phó hay thậm chí là giáo vụ trường can thiệp, điều chỉnh như ở ta.

Ở ta, thường cũng có hội đồng để “chấm điểm” đề tài khoa học nhưng hội đồng này lại toàn nhà quản lý thì làm sao đánh giá chính xác được. Nhà quản lý nên trở về với nhiệm vụ của mình là tập hợp đội ngũ các nhà khoa học và lấy nhà khoa học này để đánh giá nhà khoa học khác.

"Theo kinh nghiệm quốc tế, Hội đồng trường sẽ đánh giá rất kỹ lưỡng, tỷ mỉ về việc sẽ lựa chọn Giáo sư nào để về giảng dạy tại trường. Chúng ta nên áp dụng tương tự. Đội ngũ nhân sự của trường Đại học không nên được lựa chọn bởi cơ quan chức năng nào bên ngoài trường" - TS. Phạm Bích San nhận định.

Đối với tự chủ về Tài chính, theo TS. Phạm Bích San, trường Đại học cần phải tự lực cánh sinh các vấn đề tài chính của mình. Ngoài khoản thu từ sinh viên, một trường Đại học cũng có các khoản đầu tư, hợp tác quốc tế... Do đó, không thể viện cớ vì học sinh nghèo không có điều kiện để học Đại học nên mức thu học phí từ sinh viên phải giảm thấp xuống, ảnh hưởng đến nguồn thu của trường.

TS. Phạm Bích San cho rằng, nếu lo ngại về khoản học phí của sinh viên thì các trường có thể sử dụng cơ chế trao học bổng, Nhà nước cần phải có thêm các chính sách về hỗ trợ tài chính, bảo trợ xã hội...

Vấn đề thứ tư là hệ thống giám sát kiểm tra trong nội bộ Nhà trường. Hội đồng trường cần phải được tổ chức sát sao hơn nữa để đánh giá tỉ mỉ hoạt động và hiệu quả của trường. Hội đồng này phải không bị chịu sự chi phối của các quyền lực bên trong Nhà trường (như Hiệu trưởng) hay bên ngoài Nhà trường (Bộ chủ quản).

Không nên đặt cho Nhà trường quá nhiều nhiệm vụ quá: vừa phát triển sự nghiệp vừa phát triển nhiệm vụ khoa học & công nghệ.

"Theo tư duy quản lý hiện đại, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ định hướng về đào tạo nhân lực trình độ cao chứ không đặt ra kế hoạch. Ở Việt Nam hiện nay vẫn quản lý theo cách đặt chỉ tiêu và can thiệp quá mức một cách không cần thiết. Thay vì đặt kế hoạch và giao chỉ tiêu, hãy để nền kinh tế tự điều tiết và các trường Đại học được tự chủ. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ có thêm nhiều tiến sĩ rởm" - ông Phạm Bích San trả lời báo chí.

Đặc biệt là dù số Giáo sư, Tiến sĩ của Việt Nam nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Theo ông Phạm Bích San, cần phải kiên quyết chuyển sang tự chủ Đại học, tạo điều kiện hết sức để tự chủ Đại học thì các Giáo sư, những nhà quản trị giáo dục sẽ tự biết cách để tự chủ học thuật, tự chủ tài chính, tự chủ nhân sự thế nào, thu học phí bao nhiêu nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao uy tín của nhà trường và đào tạo đội ngũ lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội.

"Hãy để các thầy cô làm chủ giảng đường của mình, làm chủ công việc của mình thì khi đó, Nhà trường Đại học sẽ tự chủ được, tốt lên. Khi đó, xã hội cũng sẽ tốt lên" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/pgstspham-bich-san-thay-co-duoc-tu-chu-tren-giang-duong-3367328/