PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng: Nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hội nhập

Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao - đã chia sẻ về công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh rằng công nghệ có thể thay đổi cách tiếp cận vấn đề, nhưng những triết lý căn bản của giáo dục vẫn cần phải được khẳng định.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đạt được trong công tác đào tạo của Học viện Ngoại giao thời gian qua?

Học viện Ngoại giao là cơ sở đào tạo đại học duy nhất trực thuộc Bộ Ngoại giao với 242 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên (trong đó có 2 Giáo sư, 14 Phó Giáo sư, 38 tiến sỹ, khoảng 70 thạc sỹ). Với gần 60 năm tồn tại và phát triển, Học viện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là trên ba mảng chính là đào tạo Đại học, đào tạo Sau đại học và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, qua đó tiếp tục khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo hàng đầu về quan hệ quốc tế ở Việt Nam.

Về đào tạo Đại học, đến nay Học viện đã và đang đào tạo được 44 khóa sinh viên, trong đó 41 khóa đã tốt nghiệp và tham gia vào lực lượng lao động chất lượng cao của xã hội. Những sinh viên tốt nghiệp đều được trang bị kiến thức chuyên ngành vững vàng, các kỹ năng mềm và đặc biệt có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng môi trường làm việc quốc tế. Từ năm 2013, Học viện áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với tất cả sinh viên khi ra trường. Theo thống kê, đợt tốt nghiệp tháng 6/2018 vừa qua, gần 55% sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp đạt điểm tiếng Anh IELTS từ 7.0 điểm trở lên.

Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về đào tạo Sau đại học, Học viện đang triển khai đào tạo ở hai bậc là tiến sỹ và thạc sỹ, trong đó có 9 khóa đào tạo tiến sỹ Quan hệ quốc tế và 1 khóa tiến sỹ Luật quốc tế với 25 nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp; 18 khóa cao học về Quan hệ quốc tế, 6 khóa Luật quốc tế và 4 khóa Kinh tế quốc tế với 843 học viên đã tốt nghiệp.

Có được kết quả trên, Học viện đã tập trung vào một số dự án lớn nhằm nâng cao chất lượng dạy và học như: chương trình đào tạo đại học chất lượng cao; đổi mới mô hình lớp học; chỉnh sửa chương trình khung ngành Quan hệ quốc tế; cập nhật và hoàn thiện đề cương chi tiết cho các môn học; biên soạn giáo trình mới, xây dựng môn học mới; tăng cường hoạt động sinh viên phục vụ cộng đồng; đẩy mạnh công tác kết hợp đào tạo với nghiên cứu.

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Ngoại giao (FOSET) thuộc Học viện cũng được triển khai rất tích cực, hiệu quả. Xin ông cho biết kết quả mà FOSET đạt được trong thời gian qua cũng như như định hướng trong tương lai?

Từ năm 2011 đến nay, đặc biệt trong 2 năm gần đây, công tác bồi dưỡng cán bộ tại Trung tâm được triển khai rất tích cực, hiệu quả với kết quả cụ thể trong từng lĩnh vực. Các khóa bồi dưỡng được phủ sóng trên cả diện rộng và chiều sâu. Các chương trình được FOSET đầu tư có trọng điểm gồm khóa Tiền công vụ dành cho cán bộ trẻ mới vào ngành; khóa VK (do nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trực tiếp giảng dạy) dành cho cán bộ ngoại giao triển vọng; khóa Thủ trưởng đơn vị dành cho các đồng chí lãnh đạo các đơn vị; và các khóa bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ đi công tác nhiệm kỳ.

Đào tạo ra những thế hệ sinh viên là công dân toàn cầu, có trình độ chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, khả năng thích ứng tốt, và quan trọng là một trái tim đầy nhiệt huyết và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của ngành Ngoại giao nói riêng và của đất nước nói chung.

Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đều là các cán bộ ngoại giao giàu kinh nghiệm như Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các chuyên gia cao cấp như Trần Đình Thiên, Phạm Chi Lan, Vũ Trí Thành, các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như Vũ Khoan, Trương Đình Tuyển … Ngoài các giảng viên trong nước, các khóa học còn mời được các Đại sứ của các nước, các chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy.

Trong thời gian sắp tới, định hướng của FOSET là: (i) Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng được giao; (ii) Mở rộng quy mô, triển khai thêm các khóa học trong khuôn khổ Đề án Đối ngoại Nhân dân đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (iii) Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công tác đào tạo tại chỗ; (iv) Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thực tế công việc, tập trung vào cán bộ trẻ, xây dựng đội ngũ chuyên gia, chuyên sâu.

Không chỉ là địa chỉ đào tạo cán bộ cho Bộ Ngoại giao, trong những năm gần đây Học viện Ngoại giao còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế … Để đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng từ những khu vực này, Học viện đã có những thay đổi, điều chỉnh gì trong đào tạo, thưa ông?

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế của đất nước trong khu vực và quốc tế, Học viện Ngoại giao luôn chú trọng công tác đào tạo từ bậc Đại học tới Sau đại học. Trong những năm qua, các “sản phẩm” đào tạo của Học viện Ngoại giao được các Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế … đánh giá cao và tin tưởng lựa chọn.

Để đạt được kết quả đó, Học viện coi trọng việc bảo đảm các yêu cầu chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học đối với từng bậc học nhằm mục tiêu đào tạo nên những cán bộ đối ngoại có tầm nhìn và bản lĩnh, tính chủ động và linh hoạt trong nhiều môi trường công việc và cuộc sống. Một số thay đổi trong công tác giảng dạy gồm:

Thứ nhất, các chương trình đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực đối ngoại mà còn trang bị cho người học những kỹ năng thiết yếu cho công việc của cán bộ đối ngoại như kỹ năng phân tích sự kiện quốc tế, tổng hợp thông tin, kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm… và đặc biệt là thông thạo ít nhất một trong ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung.

Thứ hai, kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên là một trong những điểm cốt lõi của đổi mới công tác đào tạo tại Học viện trong thời gian vừa qua. Không chỉ chú trọng nâng cao năng lực cho các cán bộ, giảng viên qua các khóa học trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, Học viện luôn khuyến khích các thầy cô chủ động nghiên cứu khoa học, tăng cường xuất bản kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín trong lĩnh vực đối ngoại trong nước và quốc tế.

Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng (hàng ngồi, thứ hai từ phải) và một số diễn giả là Đại sứ nước ngoài trong buổi tòa đàm "Nghề Ngoại giao: Sứ mệnh và tâm huyết" do Học viện tổ chức, ngày 22/6/2018.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, đâu là những thách thức đối với Học viện Ngoại giao và Học viện có định hướng gì để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là “cái nôi” của ngành Ngoại giao Việt Nam?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và chuyên ngành Quan hệ quốc tế nói riêng. Người học, nhất là sinh viên, có nền tảng học vấn và kỹ năng công nghệ cao hơn; tính cạnh tranh từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước ngày càng lớn; và nhất là quan hệ quốc tế chuyển biến rất nhanh chóng, khó nắm bắt. Do đó, thách thức trực tiếp là nhu cầu đầu tư nâng cấp chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất ngày càng lớn. Thách thức bao trùm là việc phải khẳng định ngoại giao là một nghề hữu ích trong nhận thức xã hội.

Công nghệ thông tin và mạng Internet có thể thay đổi cách tiếp cận và cách giải quyết vấn đề. Nhưng những triết lý căn bản của giáo dục, đó là học để hiểu biết, để làm việc, để chung sống và để khẳng định bản thân, vẫn cần phải được đề cao. Riêng trong ngành đối ngoại, tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với nghề, sự đồng cảm với cộng đồng, khả năng giao tiếp vẫn cần phải liên tục trau dồi. Vì vậy, chúng tôi coi con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong tiến trình giáo dục mà máy móc không thể thay thế được. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ giảng dạy, trở thành chìa khóa quyết định thành công.

Do đó, Học viện sẽ ưu tiên một số định hướng phát triển trong thời gian tới như sau: (i) tiếp tục điều chỉnh chương trình đào tạo và phương thức đào tạo; (ii) tiếp tục đẩy mạnh chủ trương giảng dạy kết hợp với nghiên cứu – áp dụng đối với giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên; (iii) tăng cường đầu tư về ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng đào tạo.

Chúng tôi tiếp tục phấn đấu theo các định hướng trên và hy vọng Học viện Ngoại giao tiếp tục là nơi đào tạo ra những thế hệ sinh viên là công dân toàn cầu, có trình độ chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, khả năng thích ứng tốt, và quan trọng là một trái tim đầy nhiệt huyết và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của ngành Ngoại giao nói riêng và của đất nước nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Quang Chinh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/pgsts-nguyen-vu-tung-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-hoi-nhap-76142.html