PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: 'Chuyển động' tư duy để phổi khỏe mạnh, chấm dứt bệnh lao

Nói về chương trình 'Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh' sắp diễn ra, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương nhấn mạnh đó không chỉ là sự chuyển động bình thường, mà là chuyển động về tư duy, về cách nghĩ, về cách làm để chấm dứt bệnh lao, để phổi khỏe cho mình và cho tất cả mọi người...

Phóng viên Báo suckhoedoisong.vn đã có cuộc trao đổi với vị chuyên gia đầu ngành về bệnh lao, bệnh phổi để thông tin đến độc giả rõ hơn về những hoạt động chống lao hết sức thiết thực được triển khai liên tục trong thời gian qua.

PV: Một chương trình “Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh” sắp được diễn ra tại Hà Nội? Ông có thể nói rõ thông điệp của chương trình muốn chuyển tải đến người dân là gì?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Đây là sáng kiến được bắt nguồn từ sự kiện chuyển động của Đại hội đồng Y tế thế giới vào ngày 19 tháng 5 năm 2018 tại Geneva do Tổng Giám đốc WHO Tedros phát động với tên gọi theo tiếng Anh là “Walk the Talk” mà tôi tạm dịch là “Nói đi đôi với Làm”. Ý tưởng cũng bắt nguồn từ việc vận động để có sức khỏe, có thể là chạy, nếu không chạy thì đi bộ, nếu không đi thì chỉ là cử động, miễn sao chuyển động lào quan trọng.

Về Việt Nam, chúng tôi đặt tên cho sự kiện này là “Ngày Hội Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh”. Đúng như vậy, lá phổi khỏe mạnh để cung cấp đầy đủ ôxy cho cơ thể, phổi có khỏe thì các cơ quan khác mới khỏe được.

Muốn phổi khỏe thì chúng ta phải chuyển động: Chuyển động để các cơ hô hấp được rèn luyện và phổi có thể cung cấp tối đa ôxy cho cơ thể trong những điều kiện gắng sức. Chuyển động để nở phổi và khỏe phổi. Phổi khỏe để không bị hen, bị COPD và đặc biệt không bị lao.

Điều quan trọng nữa đó là chuyển động về tư duy, về cách nghĩ, về cách làm để chấm dứt bệnh lao, để phổi khỏe cho mình và cho tất cả mọi người. Mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi nơi, mọi lúc cần sự chuyển động.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung.

PV: Ông vừa tham gia 2 sự kiện quan trọng về y tế trên phạm vi toàn cầu. Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng và nội dung thống nhất tại các cuộc họp này? Điều đó có ý nghĩa thế nào trong cuộc chiến chống lao ở VN thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Đúng là như vậy. Tôi vừa tham gia 2 sự kiện quan trọng về y tế trên phạm vi toàn cầu, đó là các phiên họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ và Hội nghị WHO STAG TB lần thứ 18 tại New York, trong đó có cuộc họp có tên gọi là lắng nghe các tổ chức xã hội trao đổi về chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trụ sở Liên hiệp Quốc ở New York.

Các sự kiện mang đến cho tôi một "làn gió mới" về tư duy, những điều chúng ta đang cần, đó là làm thế nào để cộng đồng chủ động tiếp cận với các dịch vụ phát hiện điều trị mà Chương trình chống lao của chúng đang sẵn có và làm thế nào sự sẵn có ấy được bền vững đến khi chấm dứt được bệnh lao.

Về ý thứ nhất, tôi rất ấn tượng bài phát biểu của một nghị sỹ Anh nói rằng, thế giới nên phải xấu hổ vì để nhiều người bị chết vì lao đến thế do sự thờ ơ vô cảm của mỗi chúng ta, thực chất không phải là việc quá khó, trong khi đã có phương tiện để chẩn đoán, có thuốc để điều trị và chi phí cho việc này không phải lớn, vậy tại sao người ta vẫn đang chết vì bệnh lao ở khắp mọi nơi trên thế giới?.

Hãy tưởng tượng xem, phụ nữ là người chăm sóc ban đầu tốt nhất của mọi gia đình, từ nấu ăn đến giặt rũ đến chăm sóc các thành viên lúc mệt mỏi ốm đau, vậy hãy để mỗi người phụ nữ hiểu biết về bệnh lao và tham gia tích cực vào việc phát hiện và điều trị bệnh lao cho chính mỗi người thân của họ. Mỗi người mắc lao đều là những câu chuyện nên được nói ra.

Về ý thứ 2, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres đã cho tôi niềm tin, tại diễn đàn với các tổ chức xã hội, ông nói Chấm dứt bệnh lao là một việc không thể không làm, mặc dù còn nhiều thách thức, là trách nhiệm đa ngành không phải chỉ của ngành y tế, Liên hiệp quốc cam kết luôn ở sau các bạn và các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên sẽ họp vào 26 tháng 9 sẽ cam kết điều đó.

Trở về Việt Nam, tôi luôn mong rằng lãnh đạo Nhà nước và Bộ Y tế sẽ tham dự cuộc họp quan trọng này của Liên Hiệp quốc và sẽ có chỉ đạo toàn quốc chuyển động, thực hiện đúng nghị quyết Trung ương VI đó là đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, nhưng thực chất sự quyết liệt ấy mới chỉ là bắt đầu. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa và làm tốt hơn nữa.

Chuyển động để phổi khỏe cho mình và cho tất cả mọi người.

PV: Tôi được biết, ông là người sáng lập ra Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB, và phát động cộng đồng cùng chung tay nhắn tin ủng hộ cho bệnh nhân lao. Vậy sau hơn 1 tháng phát động nhắn tin ủng hộ, xin ông cho biết về những kết quả đạt được?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Đến cách đây 1 tuần mục tiêu cam kết với cổng thông tin điện tử nhân đạo là 300 triệu đã được cán đích và hôm nay đã có sự ủng hộ trên 350 triệu đồng qua nhăn tin tới tổng đài 1402.

Tôi rất vui vì đã cán đích, nhưng còn chưa vui vì con số đạt được vì có rất nhiều người nhắn nhiều tin nhắn, nghĩa là cộng đồng còn chưa lan tỏa được xa, chưa có nhiều người tham gia, nghĩa là chưa có nhiều ngưởi chuyển động hay nói một cách buồn hơn đó là vẫn còn thờ ơ, việc chống lao là của y tế của chương trình chống lao chứ không thực sự sát sườn với mọi người.

PV: Thời gian qua, bên cạnh những tin nhắn ủng hộ thì điều dư luận khá quan tâm đó là tính minh bạch hoạt động của Quỹ? Là người đứng đầu Quỹ, ông nói gì về việc này?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Tôi cũng đồng tình với ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân khiến nhiều người còn thờ ơ với việc mình nhắn tin ủng hộ, vậy thì phải đảm bảo tính minh bạch đó bằng nhiều hình thức khác nhau để chuyển tải đến cộng đồng.

Tôi cũng chia sẻ thêm, phải mất 1 năm chúng tôi mới có được quyết định thành lập quỹ và phải đợi thêm nhiều tháng mới có quyết định đủ điều kiện hoạt động. Chúng tôi sẽ làm tốt nhất có thể, nhất là tính minh bạch của quỹ sẽ đến tới người cần đó là người bệnh lao.

Mọi người có thể nhắn tin hỗ trợ chữa bệnh lao theo cú pháp TB gửi 1402.

PV: Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, trong khi những người mắc căn bệnh này họ khá e ngại, mặc cảm khó hòa nhập cộng đồng. Theo ông làm thế nào để phá bỏ rào cản ấy. Trong cuộc chiến phòng chống lao thời gian tới, cần làm gì để có thể chung tay chấm dứt bệnh lao?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Mặc dù chúng ta vẫn đang là một nước có gánh nặng bệnh lao cao nhưng chúng ta có quyền tự hào là một nước có một Chương trình chống lao mạnh, được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, hầu hết các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới đều được áp dụng ở Việt Nam, thuốc điều trị được miễn phí trong nhiều năm nay, vậy chỉ cần có “gió đông” sẽ thổi bùng ngọn lửa thiêu cháy bệnh lao. "Gió đông" đó chính là sự vào cuộc của nhân dân, của cộng đồng thấy rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, chủ động tiếp cận với dịch vụ phòng chống lao.

Các rào cản về kinh tế của mỗi người mắc lao được cộng đồng hỗ trợ thông quỹ PASTB sẽ là một giải pháp tốt trong thời gian tới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Viết Nhung!

Phạm Hiệp (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/pgsts-nguyen-viet-nhung-chuyen-dong-tu-duy-de-phoi-khoe-manh-cham-dut-benh-lao-n145540.html