PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chọn sai cán bộ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Tăng vai trò tổ chức Đảng, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá cán bộ thật sự khách quan, công tâm. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị về những giải pháp trong công tác cán bộ thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Ông đánh giá thế nào về quyết tâm trong công tác xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm của Đảng thời gian qua, có lẽ đã không còn có vùng cấm?

- Một số cán bộ, kể cả cấp cao bị xử lý kỷ luật thời gian qua được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao, cho thấy không còn bất cứ vùng cấm nào. Tuy nhiên, xử lý cán bộ không phải là “đập” cho cán bộ đó tơi bời. Chúng ta kỷ luật để củng cố, đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nói như Tổng Bí thư, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, để người ta thấy được sai lầm mà sửa chữa, khắc phục, để Đảng được mạnh hơn.
Theo tôi, công tác xử lý cán bộ vi phạm là việc làm cụ thể, cần thiết để siết chặt kỷ luật của Đảng. Đây cũng là yêu cầu từ thực tiễn, khách quan vì trong quá trình xây dựng Đảng, không thể tránh khỏi có bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải đưa ra những hình thức kỷ luật thích đáng. Trong quá trình xử lý sẽ dựa vào những căn cứ quan trọng là Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; Quy định về 19 điều đảng viên không được làm; mới đây là Quy định 102 về kỷ luật Đảng. Rồi những quy định về quản lý cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hết sức cụ thể. Trước kia, ta hay nói chung chung là tăng cường kỷ luật Đảng, nên hiệu quả chưa cao, bây giờ đã đưa ra được “khung” tương đối chi tiết, từ đó soi chiếu và đưa ra các hình thức phù hợp.
Cũng lại nói chuyện trước kia, cùng một vi phạm, nhưng thường ở cấp dưới lại bị xử lý nặng hơn, gây dư luận không tốt. Bây giờ, T.Ư đã quyết tâm với tinh thần “không được nhẹ trên, nặng dưới", bất kỳ ai nếu có khuyết điểm, sai phạm đều sẽ bị “phạt” như nhau. Bên cạnh đó, vừa qua, việc xử lý các tổ chức Đảng “có vấn đề” cũng được chú trọng hơn. Tổ chức Đảng mà buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, không nêu cao vai trò tự phê bình, phê bình, thấy đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh sẽ trong diện phải kỷ luật. Một số vụ việc gần đây cho thấy, một số cấp ủy rất kém như Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí, hay Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã bị xử lý rất nghiêm khắc. Đi kèm theo đó là trách nhiệm người đứng đầu được chỉ rõ, không còn tình trạng chung chung. Tinh thần ấy đã được T.Ư thực hiện với quyết tâm cao, dù là ai, ở cương vị nào, không có bất cứ vùng cấm trong xử lý cán bộ.
Tuy nhiên, theo tôi việc kỷ luật Đảng cần chú ý đến nhiều lĩnh vực khác hơn, chứ không nên chỉ tập trung vào tham nhũng. Bởi nếu phai nhạt lý tưởng, quan liêu xa rời thực tế, xa rời dân đưa đến những quyết định thiếu chính xác, nhất là những cơ chế, chính sách ảnh hưởng lớn đến cái chung cũng sẽ rất nguy hiểm. Rồi phải xem xét cả mối quan hệ của cán bộ lãnh đạo với dân thế nào, nhất là những người có “điều tiếng” không hay trong dư luận xã hội. Do đó, chúng ta cần chú ý đến suy thoái về tư tưởng phẩm chất, tự diễn biến, tự chuyển biết. Không ít cán bộ cũng tham vọng ghê gớm lắm chứ, nếu không kiểm tra, giám sát, thậm chí xử lý thì hậu quả thật khó lường.
Trở lại câu chuyện chống tham nhũng thời gian qua, tôi cho rằng cần làm tốt hơn việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt ở bộ máy quản lý và cơ sở kinh tế của Nhà nước. Cán bộ có chức có quyền mà không trong sạch, móc ngoặc với nhau để hình thành lợi ích nhóm sẽ gây thiệt hại lớn cho đất nước. Một số sai phạm về kinh tế của các Tập đoàn, Tổng Công ty thời gian qua là ví dụ điển hình, thất thoát, lãng phí tài sản ghê gớm. Vì vậy, các cơ quan kiểm soát như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải vận hành tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Đại hội XII mới chưa được nửa nhiệm kỳ, tuy nhiên số lượng cán bộ bị xử lý không phải là ít. Có ý kiến cho rằng, phải chăng công tác chuẩn bị nhân sự làm chưa tốt?
- Tôi đã được nghe thống kê, chỉ từ đầu năm đến nay, khoảng 20 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Tính đến hết năm 2015, khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI), trên 54.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý; năm 2016, “thêm” khoảng 20.000 trường hợp nữa. Rõ ràng sự suy thoái, tha hóa chưa bị chặn lại. Tôi nghĩ đây là bài học kinh nghiệm quan trọng, khi mà chưa được nửa nhiệm kỳ, dù công tác tổ chức cán bộ được làm khá chặt chẽ, nhưng vẫn để một số đối tượng không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng “chen” vào đội ngũ.
Bên cạnh đó, cũng cần có cái nhìn khách quan. Bởi cũng có thể lúc đầu khi lựa chọn, người cán bộ đó tốt, nhưng sau khi đã nắm giữ chức vụ mới tha hóa, biến chất.
Nhưng thực tế, không ít sai phạm của các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng một số lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã diễn ra khá lâu, nhưng không được phát hiện, nên dẫn đến việc cán bộ vẫn được bổ nhiệm, thăng tiến?
- Cái này thể hiện sự yếu kém của tổ chức Đảng cũng như công tác đánh giá cán bộ làm kiểu hời hợt, cho có. Dụng nhân như dụng mộc, muốn làm được công tác cán bộ tốt, tôi đề nghị phải làm các khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, luân chuyển, chính sách cán bộ thật bài bản, chặt chẽ. Muốn vậy, ngay từ công tác đánh giá cán bộ phải làm thế nào cho khách quan, công tâm về điểm mạnh, điểm yếu của cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Nếu bố trí đúng cán bộ, một địa phương được “nhờ” rất nhiều, còn nếu sai sẽ không chỉ dậm chân tại chỗ, mà còn tụt hậu, sa sút, thậm chí gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nhân chuyện công tác cán bộ, Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII) đang được tích cực triển khai. Vậy theo ông, chúng ta cần thực hiện thế nào để việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho thật sự tinh gọn, hiệu quả?
- Tôi nghĩ rằng, quan trọng là không được tách rời mối quan hệ giữa sắp xếp tổ chức bộ máy và lựa chọn cán bộ. Làm sao thông qua sắp xếp để rà soát chất lượng cán bộ thì mới hiệu quả được, chứ tổ chức bộ máy có hay đến mấy mà nhân sự không ra gì thì cải cách cũng chẳng đi đến đâu cả. Hiện chúng ta có khoảng 4 triệu biên chế khu vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập, hàng năm tiêu tốn bầu sữa ngân sách quá lớn. Người ta đã tính, cứ 23 người dân là có 1 công chức và trong 5 công chức lại có 1 cán bộ cấp trưởng, phó phòng trở lên. Những con số ấy thật đáng suy nghĩ.
Muốn thực tiễn tốt, bên cạnh các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, vai trò của tổ chức Đảng, đảng viên cũng rất quan trọng. Anh là đảng viên, lại là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, liệu anh có giảm ai không, có dám đụng chạm không. Hay lại cho rằng đội hình chỗ tôi đẹp lắm rồi, giảm là cần thiết, nhưng ở đâu cũng được, đừng ở chỗ tôi. Vì vậy, đừng kêu gọi chung chung, cần phát huy trách nhiệm, lựa chọn cán bộ có năng lực, phẩm chất để phục vụ.
Về việc này, tôi cứ tự hỏi, tại sao thu nhập trong các cơ quan Nhà nước luôn bị kêu là thấp, nhưng người ta vẫn đổ xô nhau xin vào như thế. Sau này, khi thực hiện cải cách tiền lương mạnh mẽ, một cán bộ có thể nuôi mấy người thì sức hút đó còn mạnh đến cỡ nào. Có thể mừng vì thấy nhiều người giỏi, người tài còn đắm đuối vào khu vực này, nhưng nếu không cẩn thận lại dẫn đến tiêu cực, chạy chọt. Phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể để gỡ ra nhiều vấn đề từ thực tiễn, mới mong có được bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu quả, hết lòng vì công việc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Toản (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pgsts-nguyen-trong-phuc-chon-sai-can-bo-hau-qua-se-rat-nghiem-trong-305550.html