PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chỉ nên tăng lương tối thiểu 5-6%

Chiều nay 9.7, Hội đồng Tiền lương quốc gia nhóm họp phiên đầu tiên bàn thảo về mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Tuy nhiên, các bên lại có quan điểm trái chiều nhau trong vấn đề này.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần xem xét kỹ lương khi tăng lương tối thiểu - Ảnh minh họa

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần xem xét kỹ lương khi tăng lương tối thiểu - Ảnh minh họa

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là từ 7,5 - 8% (tương đương 190.000 - 300.000 đồng/tháng) so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018.

Trong khi đó, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ sử dụng lao động trong Hội đồng Tiền lương đưa ra quan điểm là năm tới chưa nên tăng lương tối thiểu. Lý do là doanh nghiệp còn khó khăn, lạm phát thấp, năng suất lao động chưa được cải thiện nhiều, nên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao tính cạnh tranh thì chưa nên tăng lương năm tới.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng mức lương hiện nay so với mặt bằng giá cả, nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người lao động đang rất thấp. Do đó, việc tăng lương tối thiểu cần được thực hiện nhưng cần phải xem xét mức tăng thế nào cho hợp lý.

Theo ông Thịnh, mức tăng phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động thì mới đảm bảo đươc thu nhập của các bên, nền kinh tế mới phát triển vững chắc. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua tương đối thấp cho nên các chủ sở hữu doanh nghiệp cũng đắn đo việc tăng lương.

“Tôi nghĩ mức tăng của năm 2019 chỉ nên nằm ở mức 5-6%, dù cho phía chủ sở hữu doanh nghiệp cũng thấy khó khăn khi tăng lương”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng mục đích của lương tối thiểu là quy định mức thấp nhất về mặt lương, để từ đó các chủ sở hữu doanh nghiệp có có sở trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu. “Tôi nghĩ trong thời gian dài nữa thì mức lương tối thiểu này chưa thể bỏ được vì thị trường lao động đang khó khăn, người lao động ở vào thế yếu nên nếu để đàm phán việc làm theo quy luật cung - cầu thì người lao động dễ bị o ép”.

Tuy nhiên, nếu tăng lương nhanh quá thì lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi, sẽ triệt tiêu động lực đầu tư sản xuất, sáng tạo của chủ doanh nghiệp. Do đó, cũng cần cân nhắc việc tăng lương không gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Trả lời báo chí, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng nhận định mức tăng lương năm tới chỉ 5-6%.

“Doanh nghiệp rất muốn tăng lương cho người lao động, nhưng tình hình hiện nay rất khó khăn. Nếu doanh nghiệp không có điều kiện tăng nhiều thì cũng nên tăng ở mức 5% đủ bù trượt giá, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Nghị quyết số 27-NQ/TW về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp vừa qua tiếp tục khẳng định, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp, để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”, ông Huân nói.

Tại một hội thảo mới đây, PGS-TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng lương tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn năng suất lao động (NSLĐ). Phân tích thực nghiệm cho thấy tốc độ tăng tiền lương có liên quan đến sự điều chỉnh tăng nhanh của lương tối thiểu. Điều này làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo đó, việc tăng lương tối thiểu nhìn chung dẫn đến tăng lương trung bình và giảm việc làm cũng như giảm tỷ suất lợi nhuận. Dù rằng những ảnh hưởng này có khác biệt đáng kể giữa các thành phần kinh tế. Khi lương tối thiểu tăng, khu vực tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó. Các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và đồ nội thất có xu hướng thay thế lao động bằng máy móc.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng điều đáng lo ngại là một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động khác như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư vào trang thiết bị, cho thấy có thể nhà đầu tư lo ngại giá lao động tăng trong dài hạn có thể khiến các ngành này mất sức cạnh tranh và do đó đã bắt đầu thoái lui đầu tư…

Theo ông Nguyễn Đức Thành, tốc độ tăng lương nhanh hơn tăng năng suất lao động sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích lũy tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động. Điều này theo ông Thành lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn.

Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn.

"Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn", nhóm tác giả báo cáo nhấn mạnh.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/pgs-ts-dinh-trong-thinh-chi-nen-tang-luong-toi-thieu-5-6-92088.html