PGS.TS Chu Hoàng Vân kể chuyện khám bệnh khách 'VIP': Bệnh nhân bao giờ cũng đúng

Với khách hàng VIP thì các bác sĩ sẽ thận trọng, dành nhiều thời gian tư vấn hơn. Câu 'thần chú' của ông là 'Bệnh nhân bao giờ cũng đúng, cũng có lý'.

Phòng làm việc của PGS.TS Chu Hoàng Vân có nhiều nét trang trí tương đối đặc biệt. Ông là bác sĩ đảm nhiệm việc khám bệnh tại khu “VIP” của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Dòng chữ “Alles wird gut” (Mọi chuyện sẽ ổn thôi) in trên chiếc cốc đựng bút luôn xoay về phía bệnh nhân. Đây là vật kỷ niệm ông mua từ nơi có 4 năm sinh sống, học tập và bảo vệ thành công học vị PTS chuyên ngành Nội khoa Tim mạch tại Viện Hàn Lâm Y học Quân sự, Cộng Hòa Dân Chủ Đức.

Bàn làm việc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Dòng khẩu hiệu “Work carefully and Patiently” được ông dán vào máy tính, nơi thường xuyên và cũng dễ nhìn thấy nhất.

Trên cửa sổ vào cuối chiều, chút nắng cuối chiều len qua tấm rèm cửa, đậu trên cây lan hạt dưa cẩm thạch được trồng trong vỏ ốc, ông tỉ mẩn gắn từng miếng băng dính để tạo hình vài nhánh dây leo. Ở bồn rửa tay, cũng có một chậu cây nhỏ được chăm chút cẩn thận. Ông cũng tận dụng chút nắng đầu hè để hong khô vài khay đựng đồ ăn, thức uống mà ông mang đi ăn sáng.

Gặp ông vào lúc 16 giờ chiều, cũng là lúc ông vừa kết thúc ca khám bệnh thứ 10 trong ngày làm việc.

Ngoài khám cố định theo lịch do bệnh viện sắp xếp, bệnh nhân “VIP” cũng có thể yêu cầu được lựa chọn bác sĩ. Ông là một trong số những người thường xuyên được yêu cầu.

Có những khách hàng ông không quen biết, sau lần tái khám đã nói: “Qua một người bạn, tôi biết tới ông. Tôi tới khám, thử xem ông như thế nào. Hôm nay, tôi phải nói với ông rằng, tôi đã nghĩ đúng về ông và cảm ơn ông đã điều trị cho tôi ổn định.”

Những phản hồi như vậy luôn khiến ông xúc động và thấy nghề y của mình thực sự có ý nghĩa.

Chia sẻ về việc chăm sóc, khám, điều trị bệnh cho một người bình thường khác gì một bệnh nhân “VIP”, PGS.TS Chu Hoàng Vân cho hay, về nguyên tắc thì không có gì khác nhau vì mục đích cuối cùng đều là chẩn đoán và điều trị bệnh. Tuy nhiên, với khách hàng VIP thì các bác sĩ ở đây sẽ thận trọng, dành nhiều thời gian tư vấn hơn.

Ông từng nghe đồng nghiệp của mình chia sẻ câu chuyện của họ về việc giao tiếp với bệnh nhân tại khu khám “VIP”. Trong một lần khám cho bệnh nhân, đồng nghiệp của ông hỏi bệnh nhân: “Xét nghiệm hết từng này tiền, anh có đồng ý không?”. Khách hàng coi đây là câu hỏi đụng chạm đến tự ái của họ và ngay lập tức phản ứng: “Tôi có tiền tôi mới vào đây chứ! Tại sao anh lại hỏi tôi điều đó?”.

Khi đó, ông khuyên đồng nghiệp của mình, thay vì nói như vậy thì chúng ta có thể cư xử khác đi. Chúng ta có thể nói xuống giọng một chút: “Anh ạ, tất cả xét nghiệm mà tôi chỉ định và anh yêu cầu hết từng này tiền… Anh có đồng ý không?”

“Mình sẽ làm được gì cho họ đây?” là câu hỏi thường trực ông đặt ra khi tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhân nào.

Chính ông cũng đã từng gặp trường hợp phải kiên nhẫn với bệnh nhân, giải thích cặn kẽ đến khi họ hiểu về lợi ích của họ mới thôi.

Ông kể, có đôi vợ chồng 2 năm vừa rồi đều mua gói Vin Diamond trị giá trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi họ bày tỏ ý định mua gói khám này trong năm tiếp theo, dựa vào tính cần thiết, thời gian theo dõi sức khỏe, ông khuyên họ không nên khám gói đó nữa.

- Chúng em không có chuyên môn nên chúng em rất sợ và lo lắng.

- Tôi xin lỗi! Nếu các bạn nói vậy thì tôi thấy bản thân mình có lỗi. Nhưng tôi khuyên các bạn hãy tham khảo ý kiến của tôi. Các bạn đã sử dụng gói khám này trong 2 năm liên tiếp thì không nên dùng nữa. Chứ tôi hoàn toàn không có ý các bạn không có tiền.

Sau khi nghe ông phân thích, cuối cùng, hai vợ chồng vui vẻ đồng ý nghe theo ông vì lợi ích của chính họ.

Tại khu khám “VIP”, có những người ông chỉ mới tiếp xúc, đã đưa ra phản biện không hoàn toàn logic. Tuy nhiên ông vẫn tập trung lắng nghe họ và kiên nhẫn giải thích để họ hiểu.

Ông cho rằng, là người bệnh, họ nên lắng nghe ý kiến của bác sĩ. Trong trường hợp ảnh hưởng tới giờ khám cho các bệnh nhân khác thì ông nói với họ: “Xin lỗi, đây là số máy của tôi. Anh có thể gọi cho tôi bất kỳ lúc nào…”. Mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân như thế này, là một lần ông ông rèn luyện thêm sự kiên nhẫn.

Ông vừa căn dặn chính mình và thường xuyên nói với đồng nghiệp rằng: “Bệnh nhân bao giờ cũng đúng, cũng có lý” để an ủi bản thân và phần nào giảm bớt căng thẳng.

Theo ông, y bác sĩ cần tạo được niềm tin nơi bệnh nhân thì họ mới thoải mái bộc bạch, chia sẻ suy nghĩ của mình.

Còn nhớ cách đây khoảng 4 năm, có một đồng nghiệp nói: “Anh Vân ơi, giúp em một trường hợp này. Bệnh nhân đã được khám chuyên khoa và khám nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm ra bệnh…”

Ông đồng ý gặp bệnh nhân đó ngay. Đó là một phụ nữ tuổi ngoài 40 xinh đẹp và tự tin. Nhìn vào tập hồ sơ dày dặn của bệnh nhân,bằng nhạy cảm nghề nghiệp, ông biết đây là một ca bệnh đáng lưu tâm.

- Chị thấy khó chịu như thế nào?

Ông bắt đầu cuộc nói chuyện, chăm chú lắng nghe bệnh nhân kể hàng loạt triệu chứng và những lần đi khám:

- Em chỉ sốt, khó thở, không ăn uống được, ăn vào là nôn. Hôm qua, em vừa phải cấp cứu vì mệt mỏi.

- Câu chuyện của chị không đơn giản. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể giúp chị được. Tôi đưa đơn thuốc điều chỉnh lại tất cả những gì khiến chị khó chịu. Đây là số điện thoại của tôi, chị hãy gọi điện cho tôi bất kỳ lúc nào và quay lại đây bất kể khi nào.

- Vâng, em nghe bác sĩ!

Chỉ sau 2 ngày, người phụ nữ ấy gọi điện cho ông:

- Em chỉ khỏe được 1 ngày thôi, ngày hôm nay em lại bị mệt, lại lên cơn sốt…

- Chị hãy quay lại viện, gặp tôi ngay lập tức!

Ông khám lại cho phụ nữ ấy:

- Chị phải kết hợp với tôi trong vấn đề điều trị. Chị hãy thử xét nghiệm HIV đi!

Bệnh nhân sững người, nhìn ông:

- Bác sĩ nghĩ thế à?!

- Chị hãy bình tĩnh! Chị cần xét nghiệm để loại trừ khả năng này. Tôi đã nghĩ tới việc này ngay từ đầu nhưng chưa đủ bằng chứng để kết luận. Đến hôm nay, tôi khuyên chị nên thử HIV.

Bệnh nhân đồng ý ký giấy xét nghiệm HIV. Xét nghiệm xong, ông nói bệnh nhân cứ về và sẽ chủ động gọi điện. Khoảng thời gian chờ đợi kết quả, ông hồi hộp tới mức cứ 2 tiếng lại gọi điện xuống phòng xét nghiệm hỏi kết quả một lần.

Ông gọi điện hẹn gặp bệnh nhân vào buổi sáng hôm sau. Kết quả: HIV dương tính. Ông đã giúp bệnh nhân liên hệ cơ sở để được điều trị. Với ông, chẩn đoán hay điều trị thì phải có chứng cứ rõ ràng mới đưa ra được kết luận đúng và thuyết phục được người bệnh.

Hai năm sau, đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ông nhận được tin nhắn: “Em luôn nhớ và biết ơn các bác sĩ – người đã đi qua cuộc đời em. Xin gửi lời chúc mừng bác sĩ nhân ngày này!”

Nhận được tin nhắn, ông vui mừng xúc động gọi lại ngay cho người phụ nữ đó và biết sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân đều ổn.

Ông có một thói quen khác là ngoài đưa cardvisit cho bệnh nhân, ông còn chủ động xin số điện thoại của họ, cẩn thận lưu tên họ kèm điểm cần lưu ý trong điện thoại nếu đó những ca bệnh cần phải chú ý theo dõi.

Có thời điểm, gia đình ông luôn thắc mắc: “Tại sao tôi cứ phải gọi điện cho bệnh nhân mà không phải ngược lại?”, thậm chí hiểu nhầm ông khi ông liên lạc với bệnh nhân nữ. Ông phải giải thích với người nhà: “Tôi chủ động gọi điện thoại cho người bệnh vì điều này không chỉ giúp tôi có thể hỏi han, tư vấn vì tôi hiểu đó là những ca khó, cần được theo dõi dùng thuốc mà còn cho tôi thêm kinh nghiệm lâm sàng”.

Thật may, với kinh nghiệm 40 năm làm việc trong chuyên ngành Tim mạch và Đa khoa Nội chung, ông hoàn toàn tự tin khi tiếp xúc với bệnh nhân. “Tôi nghĩ là tôi có thể làm cho họ hài lòng”, ông thổ lộ.

Rời Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về nghỉ hưu, với nhiều người, nó đồng nghĩa với an hưởng, nghỉ dưỡng hoặc vui thú điền viên.

Còn với ông, ngày nào ông cũng thức dậy từ 5 giờ, tự tay chuẩn bị bữa sáng kiểu Âu, 6 giờ rời nhà tới bệnh viện, ông bơi độ 30 phút rồi lên phòng làm việc, 7 giờ hơn ông ngồi vào bàn lướt web, đọc báo, suy nghĩ xem ngày làm việc hôm nay sẽ thế nào, đúng 8 giờ ông bắt đầu ngày làm việc. Giờ làm việc của ông kết thúc lúc 17 giờ.

“Bình thường là vậy, nhưng chẳng lúc nào tôi về đúng giờ, đột xuất có ca bệnh phải kịp thời hội chẩn, điều trị thì bất kể giờ nào tôi cũng phải có mặt”, ông chia sẻ. Nhịp sinh hoạt đều đặn này đã theo ông hơn 5 năm qua, kể từ khi ông làm việc tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hỏi nghề y có điều gì khiến ông vẫn đau đáu cống hiến dù đã nghỉ hưu, ông bảo: “Tôi cho rằng nghề y có ý nghĩa trong cuộc sống và cũng là nghề đòi hỏi chúng tôi phải chịu được áp lực và rủi ro lớn. Bệnh nhân đến với chúng tôi ở mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng mệt mỏi nhất là khi họ ở giai đoạn cuối hoặc mắc bệnh ác tính”.

Ông tâm sự: “Mỗi khi thông báo với gia đình bệnh nhân về chẩn đoán ung thư, hay kết luận bệnh nhân nhiễm HIV… tôi thấy mình phải có trách nhiệm san sẻ với bệnh nhân và gia đình họ. Nên dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn muốn được cống hiến, phục vụ người bệnh.”

Hơn 40 năm làm bác sĩ, không phải lúc nào ông cũng thành công trong việc chẩn đoán và điều trị. "Làm nghề không ai có thể biết được hết tất cả, nhất là nghề y. Điều khiến tôi vui nhất là bệnh nhân đáp ứng được điều trị tôi chỉ định. Tôi cũng từng thất bại, nên buồn chứ. Nhưng hơn hết tôi có thêm kinh nghiệm để chữa trị tốt hơn cho các bệnh nhân khác...", ông chia sẻ.

Với ông, nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai của mình nên ông rất chăm chút cho nó. Tuy quỹ thời gian ông dành cho công việc đã giảm phần nào nhưng không bớt đi sự cần mẫn của một người bác sĩ từng hơn 10 năm là chủ nhiệm khoa Nội chung (Khoa Điều trị theo yêu cầu), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cuộc trò chuyện kết thúc cũng là lúc ông đến giờ chuẩn bị bắt đầu cuộc họp đột xuất cuối giờ chiều. Công việc của một bác sĩ luôn bận rộn như vậy nhưng ông đã quá quen với nó.

Đặt ống nghe y tế xuống bàn làm việc, đóng cửa, ông nhanh nhẹn đi về phía phòng họp, không quên nở một nụ cười thường trực để chào PV, như cái cách mà ông đã làm với hàng vạn bệnh nhân trong cuộc đời làm nghề của mình.

PGS.TS Chu Hoàng Vân đã có 40 năm làm việc trong chuyên ngành Tim mạch và đa khoa Nội chung; chuyên sâu về bệnh lý mạch Nội khoa và các bệnh liên quan (Bệnh lý tim, bệnh lý chuyển hóa, nội tiết và thần kinh mạch).

Bác sĩ được đào tạo chuyên môn sâu :

Bảo vệ học vị Phó tiến sĩ chuyên ngành Nội khoa Tim mạch tại Viện Hàn Lâm Y học Quân sự, Cộng Hòa Dân Chủ Đức (1984 - 1988);

Bác sĩ chuyên khoa cấp 2 Chuyên ngành Nội chung (Học viện Quân Y, 1993);

Bác sĩ cao cấp về chuyên ngành Tim Mạch (Hội đồng y học Bộ Quốc Phòng, 1999);

Được công nhận Thầy Thuốc ưu tú (năm 2003);

Nguyên Chủ nhiệm khoa Nội chung (Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 1997 - 2009);

Các đề tài nghiên cứu khoa học về Siêu âm DOPPLER trong bệnh lý rối loạn mạch máu ngoại biên đã được ứng dụng, đào tạo và công bố trong các tạp chí y học trong nước;

Trưởng đoàn chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tại Bệnh viện Trung ương Quân Đội nhân dân Lào (Vientiane 2003 - 2004).

Tú Anh - Ái Linh - Mai Hoa

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/pgsts-chu-hoang-van-ke-chuyen-kham-benh-khach-vip-benh-nhan-bao-gio-cung-dung-d6660.html