PGS-TS Bùi Thanh Truyền: Nhà văn là một sinh thể của môi trường

Chưa bao giờ những vấn đề về tự nhiên, về môi trường lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Văn học sinh thái, phê bình sinh thái hiện đang là trào lưu trên thế giới, được xem như một tiếng nói đầy mạnh mẽ trước những tác động của con người đối với thiên nhiên. PV Báo SGGP có cuộc trò chuyện cùng PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, về những vấn đề liên quan.

PGS-TS Bùi Thanh Truyền. Ảnh: HÒA LONG

PGS-TS Bùi Thanh Truyền. Ảnh: HÒA LONG

PGS-TS Bùi Thanh Truyền là chủ biên đề tài Văn xuôi Nam bộ giai đoạn 1986-2015 từ góc nhìn phê bình sinh thái đã nghiệm thu thành công cấp bộ, được NXB Văn hóa - Văn nghệ xuất bản cuối năm 2018.

PHÓNG VIÊN: Gần đây ở Việt Nam, chúng ta nhắc nhiều đến khái niệm “văn học sinh thái”. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về khái niệm này?

PGS-TS BÙI THANH TRUYỀN: Văn học sinh thái (Ecoliterature) còn có nhiều tên gọi khác như: Văn học sinh thái học (Ecological literature), Văn học môi trường (Environmental literature), Văn học tự nhiên (Natural literature), Văn học xanh (Green literature), Lối viết/Văn bản tự nhiên (Nature writing)... Đây là loại văn học xuất phát từ tư tưởng sinh thái, góc nhìn sinh thái để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường sống của mình.

Theo anh, văn học sinh thái của Việt Nam đang vận động như thế nào, đã theo kịp với thế giới hay chưa? Đây đã phải là mối quan tâm hàng đầu của các tác giả trong nước?

So với các ngành khoa học xã hội khác, văn học được xem là “phản ứng chậm” trước những nguy cơ sinh thái nhãn tiền. Văn học sinh thái Việt Nam lại khởi động chậm hơn so với thế giới chừng 2 thập niên. Đầu thế kỷ 21, sinh thái với những biểu hiện đa dạng, mới mẻ của nó đã được đông đảo nhà văn, người giảng dạy, nghiên cứu, phê bình văn học nước ta quan tâm. Tất cả cùng lên tiếng trước sự lâm nguy của môi trường, qua đó đánh động lương tâm và ý thức trách nhiệm của bạn đọc.

Chúng ta từng xác tín một chức năng của văn chương, “văn học là nhân học” theo cách nói của M. Gorki. Ở khía cạnh sinh thái, văn học liệu có những tác động như thế nào đến công chúng?

Những kết quả bước đầu của văn học sinh thái trên thế giới và Việt Nam là minh chứng về sự nhạy cảm, bản lĩnh, cái tâm cùng trách nhiệm công dân của nghệ sĩ với thực trạng xã hội hôm nay. Nó góp phần kiến tạo một cuộc sống hòa ái, vững bền cho con người trên tinh thần bình đẳng, trân quý “cõi trọ” của mình. Đặc trưng và chức năng “nhân học” của văn học sinh thái là điều dễ nhận thấy và đáng được trân trọng.

Một trong những cuốn sách kinh điển, được xem như diễn ngôn về môi trường là Mùa xuân vắng lặng của Rachel Carson, xuất bản lần đầu vào tháng 9-1962. Ngay từ lúc ra đời, cuốn sách đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, như một hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường. Tại Việt Nam, đã có những tác phẩm cụ thể nào như vậy hay vẫn chỉ dừng lại ở mức độ giáo dục và tuyên truyền?

Như trên đã nói, văn học sinh thái Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, đã đi chậm hơn so với thế giới. Dù không có những kiệt tác xứng tầm nhân loại, nhưng tác phẩm của các nhà văn Lê Văn Thảo, Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tư… cũng đã tạo hiệu ứng tích cực, được độc giả trong và ngoài nước biết đến. Thông điệp môi trường từ những sáng tác này đã hòa kết cả giá trị văn học và nỗ lực thay đổi, điều chỉnh nhận thức, hành xử của cá nhân, cộng đồng đối với môi trường sống, chứ không chỉ là giáo dục, tuyên truyền sống sượng, gượng ép, theo mốt thời thượng.

Trong cuốn sách Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ, anh có dẫn ra trường hợp cố nhà văn Lê Văn Thảo với tập truyện ngắn Lên núi thả mây và nhận định: “Tuy không chủ đích đứng trên lập trường sinh thái nhưng ý nghĩa sinh thái hàm ẩn qua mỗi trang văn là một thực tế không thể phủ nhận”?

Người Việt chúng ta vốn quen hành động hơn là lập thuyết. Đặc tính này càng dễ thấy ở văn chương sinh thái. Mối quan hệ đa chiều giữa con người với tự nhiên, trong đó có nhà văn, là truyền thống của văn hóa, văn học Việt Nam. Nhà văn là một sinh thể của môi trường, cảm biết được những tổn thương mà con người, trong đó có chính họ, gây ra cho sinh thái. Tiếng nói của người viết cũng là phản ứng tự nhiên trước sự lâm nguy của môi trường, sự an lành của chính bản thân và đồng loại. Việc tác phẩm ra đời sau, thậm chí không cần đến hệ thống lý luận bài bản về sinh thái, văn học sinh thái cũng là điều dễ hiểu.

Trong thời đại mà sự khủng hoảng sinh thái trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu, theo anh, các nhà văn Việt Nam cần có sự nhập cuộc như thế nào?

Ngày nay, sinh thái không còn là chuyện của một quốc gia, một khu vực. Đó là vấn đề sống còn của toàn cầu. Đồng hành với nhân loại để cùng lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường là chuyện hiển nhiên của lương tâm, trách nhiệm nghệ sĩ. Trong giới văn chương, một thái độ không biết đến sinh thái, tư tưởng và lối viết sinh thái, là một thái độ bàng quan và không kém phần lạc hậu.

HỒ SƠN thực hiện

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/pgsts-bui-thanh-truyen-nha-van-la-mot-sinh-the-cua-moi-truong-658010.html