PGS Trần Đình Thiên: Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu đột phá nhưng chưa thay đổi thực chất

Năm 2017, nền kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu báo hiệu cho sự thay đổi sắp tới. Động cơ yếu do thiếu tư duy thị trường và giải pháp đột phá.

Tại “Hội nghị đầu tư 2017: Đột phá tư duy kinh doanh” diễn ra sáng ngày 21/11, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra quan điểm rằng có lẽ chúng ta quá quan trọng về con số tăng trưởng GDP thay vì nhìn nhận về thực chất.

Câu chuyện được bàn luận gần đây là “tại sao tăng trưởng nền kinh tế có tính bất thường?”. Tăng trưởng GDP quý I chỉ 5,15% nhưng quý III tăng vọt ước tính đạt 7,46%, tăng 45%. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, con số tăng trưởng này không có gì đột biến. Quy mô Việt Nam quá nhỏ nên dễ tạo nên sự biến động lớn về con số.

“Dẫu vậy, năm 2017 vẫn là năm có những dấu hiệu để tạo nên sự đột phá về kinh tế vĩ mô. Song đây chỉ là dấu hiệu chứ chưa phải sự thay đổi, nó chỉ báo hiệu cho sự thay đổi sắp tới mà thôi”, ông Thiên nói.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam qua các quý

Trước tiên là có sự dịch chuyển trong cấu trúc ngành nghề. Nhiều năm nay, nền kinh tế Việt Nam dựa vào những ngành như dầu thô, khí đốt, các ngành khai thác tài nguyên nhiều, nhưng thời gian gần đây, các ngành này đều tăng trưởng âm và được bù lại bằng ngành công nghiệp chế biến, dẫu rằng ngành công nghiệp chế biến cũng chỉ ở giai đoạn thô, gia công chủ yếu.

Yếu tố tiếp theo là 2 năm gần đây khu vực kinh tế tư nhân tăng mạnh nhưng tỷ trọng quá nhỏ nên chưa gây được sự chú ý và cũng chưa thay đổi được diện mạo nền kinh tế. 10 tháng năm 2017, đã có 100.000 doanh nghiệp mới thành lập và kỳ vọng hết năm là 130.000 đơn vị. Hơn nữa, vốn đầu tư từng doanh nghiệp đã tăng lên nhiều không còn tăng thấp, lác đác như các năm trước.

Ông Trần Đình Thiên

Ông Thiên cho rằng sự thay đổi tuy có ý nghĩa nhưng vẫn chưa đạt đến “đẳng cấp”. Việt Nam vẫn bị hạn chế bởi tư duy “tháo gỡ” và “cơi nới” chi phối, thiếu tư duy thị trường và giải pháp đột phá; ưu tiên, ưu đãi DNNN, “sân sau”, cơ chế ngân sách “mềm”, xin - cho thay vì cơ chế cạnh tranh; phân cấp nhưng ít phân quyền, không khuyến khích chủ động, sáng tạo...

Do vậy, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, tập trung giải tỏa các vấn đề căn bản – dài hạn là cơ cấu và cơ chế, tập trung tối đa cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Căn cứ vào các cam kết hội nhập cao nhất (CPTPP, VEFTA, v.v.) để thay đổi cấu trúc thể chế và phát triển năng lực cho Nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải thay cách làm. Thời đại biến đổi nhanh, điều kiện, xu hướng, tình thế và công cụ phát triển mới, đòi hỏi những động lực mới (kết nối số, tự động hóa, kinh tế chia sẻ, tiền kỹ thuật số toàn cầu, thanh toán trực tuyến, fintech, v.v.).

Ngoài ra, chúng ta cũng cần chấp nhận trả giá chuyển đổi hay còn gọi là chi phí chuyển đổi thời đại. Chú trọng xây dựng hệ thống thể chế và phát triển công nghệ phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn hệ thống.

Theo ông Thiên, Việt Nam nên chuyển hướng chính sách tăng trưởng GDP từ quan điểm “kích cung” sang “trọng cầu”, hướng tới chất lượng tăng trưởng. Định hình du lịch là ngành mũi nhọn và đề cao vai trò của các đầu tàu, trung tâm tăng trưởng - các đô thị lớn, hiện đại.

Đối với ngành nông nghiệp, cần xác lập vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển nông nghiệp hiện đại. Ông Thiên cho rằng Nhà nước và nông dân cùng nhau làm nông nghiệp là không thể phát triển được, doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao. Điểm mấu chốt là làm sao để doanh nghiệp gia nhập vào nông nghiệp. Điều này đòi hỏi sự thay đổi về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp có đất làm và không để tiếp diễn tình trạng phát triển manh mún.

Ngọc Điểm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/pgs-tran-dinh-thien-kinh-te-viet-nam-co-dau-hieu-dot-pha-nhung-chua-thay-doi-thuc-chat-20171122062243811p145c151.news