PGS Lê Anh Vinh: Đào tạo đội tuyển Olympic Toán cần cách nhìn dài hạn

PGS Lê Anh Vinh cho rằng kết quả xếp hạng của đoàn Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2020 có điểm sáng, dù đội tuyển không lọt vào top 10.

Trao đổi với Zing, PGS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn Olympic Toán của Việt Nam, nói kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm nay đặc biệt.

"Khi công bố kết quả, có em vui, cũng có em buồn. Điều tôi tiếc nuối không phải kết quả của đội mà vì đã không thể bên cạnh học trò giây phút này để chia vui và động viên từng em", PGS Lê Anh Vinh tâm sự.

Thành tích của đội tuyển Việt Nam tại cuộc thi IMO 2020 không tốt như kỳ vọng nhưng với PGS Lê Anh Vinh, cả đoàn đã cố gắng, nỗ lực hết mình và có những điểm sáng để hy vọng xa hơn.

- Ông có thất vọng hay tiếc nuối với kết quả xếp 17 toàn đoàn?

- Trước hết phải khẳng định rằng việc thành lập đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế chỉ là một phần trong công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán của Việt Nam.

Đối với các bạn tham gia thi lần này, quá trình rèn luyện để được chọn vào đội tuyển và hai tháng bồi dưỡng tập trung trước kỳ thi đã là khoảng thời gian rất ý nghĩa và hữu ích cho sự phát triển sau này.

Chuyện thi cử phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đây là năm thứ tám tôi dẫn đoàn. Theo quan sát của tôi, năm nào cũng có những bạn đạt được phong độ tốt nhất trong những ngày thi, hay còn gọi là đúng điểm rơi phong độ. Nhưng ngược lại, một số bạn chưa thể hiện đúng sức mình. Năm nay, một số bạn làm bài dưới sức mình nhưng cũng có bạn làm rất tốt.

- Năm nay, chúng ta tụt hạng nhưng các nước trong top 10 vẫn duy trì được thành tích, trong đó có Thái Lan. Ông có băn khoăn về điều này?

- Thực ra năm nay, 2 bạn đoạt huy chương đồng chỉ thiếu một điểm là có thể đổi màu huy chương. Đáng tiếc là một bạn làm bài không tốt nên không được huy chương. Nhưng đã là thi cử thì luôn có yếu tố may rủi và mình cũng không nên đặt áp lực quá lớn lên các bạn.

Ở góc độ là người dẫn đoàn, tôi nghĩ chúng ta phải đầu tư hơn nữa cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và tầm nhìn dài hạn hơn cho đội tuyển.

- Các thành viên của đội tuyển được chọn lựa thế nào?

- Đội tuyển học sinh giỏi của chúng ta được chọn lọc từ hệ thống trường chuyên. Ở các trường chuyên, các em được chọn vào đội tuyển cấp tỉnh để thi học sinh giỏi toàn quốc. Từ đó, chúng ta chọn ra 48 em để thi vòng 2.

Sau 2 ngày thi, 6 em được chọn sẽ đại diện Việt Nam đi thi đấu quốc tế. Lúc đó, chúng ta mới tập hợp 6 em để ôn thi trong vòng 2 tháng để dự thi.

Với lợi thế hệ thống trường chuyên trải dài khắp cả nước, chúng ta có thể tìm kiếm nhân tài ở địa phương. Cách làm của chúng ta đã thành công trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước có sự đầu tư quy mô và bài bản, cách làm hiện nay rất khó để ươm mầm và tạo điều kiện cho học sinh tiềm năng có thể phát triển tốt trong tương lai.

Hiện nay, phần lớn quốc gia đã cải tiến cách chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của họ. Chúng ta chọn được 6 em rồi mới bồi dưỡng. Trong khi đó, họ tổ chức hàng loạt cuộc thi tạo nguồn cho những năm sau.

Cụ thể, đến vòng 40 em, chúng ta sẽ chọn tiếp đến khi còn 6 em mới bồi dưỡng, còn họ tổ chức những đợt tập huấn cho cả 40 em này, sau đó chọn 6 em đi thi. Số còn lại là đội dự bị cho các năm tiếp theo.

Hơn nữa, các nước trên thế giới không hạn chế độ tuổi tham dự đội tuyển, trong khi, chúng ta vẫn giới hạn, chỉ học sinh THPT mới được dự thi.

Do đó, nguồn dự bị của họ mở rộng đến cả học sinh THCS. Học sinh lớp 7, 8, dù chưa vào đội tuyển thi quốc tế, đã trải qua các đợt tập huấn tập trung.

Khoảng 2, 3 năm sau khi tham gia tập huấn, năng lực toán học của các em đã đạt độ chín nhất định. Nếu lúc này, tham dự các kỳ thi dưới áp lực cao, tâm lý của các em cũng được rèn luyện vững vàng.

Học sinh Việt Nam không có những cơ hội đó. Học sinh chúng ta vượt qua các vòng tuyển chọn, chỉ có một, hai cơ hội đi thi quốc tế. Các em là học sinh lớp 11, 12 nên áp lực tâm lý rất lớn. Trong khi đó, học sinh nước bạn đã sớm tham gia hệ thống bồi dưỡng, việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn và đảm bảo tạo nguồn tốt hơn nhiều.

Các nước láng giềng của chúng ta cũng vậy. Thái Lan đầu tư rất bài bản. Họ có những quỹ chuyên cho các kỳ thi Toán và khoa học. Đội tuyển của họ cũng được tạo nguồn từ sớm.

- Như vậy, cách chọn lọc đội tuyển và bồi dưỡng của chúng ta đã lạc hậu và không còn hiệu quả?

- Thực ra, các nước khác không có hệ thống trường chuyên như chúng ta nên họ có muốn cũng không làm được theo cách này. Nhưng họ đầu tư tập trung hơn. Những bạn được tập trung liên tục trong 4, 5 năm ở cấp độ quốc gia thì sẽ "lên" rất nhanh. Chúng ta không có cơ hội như vậy.

Như tôi đã nói, cách làm của chúng ta đã thành công trong nhiều năm nhưng cần cải tiến trong bối cảnh mới. Phương pháp nào cũng có mặt ưu và nhược. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn, trong thời gian tới, Việt Nam phải có kế hoạch dài hơi hơn.

Cũng cần lưu ý, mục đích cuối cùng của việc tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển tham dự các kỳ thi quốc tế không chỉ dừng lại ở những tấm huy chương hay số điểm của bài thi cụ thể.

Dưới góc nhìn giáo dục, điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện sớm, khuyến khích, định hướng và tạo điều kiện cho các em nuôi dưỡng đam mê với môn học. Từ đó, các em có đà để rèn luyện, phấn đấu trong tương lai. Bởi, con đường của các em sau này còn rất dài.

Điều này sẽ khó thành hiện thực nếu chúng ta chỉ luôn nhìn vào con số huy chương và xếp hạng toàn đoàn rồi đặt kỳ vọng thành tích hay tạo áp lực lên các em ở mỗi kỳ thi.

Quay lại đội tuyển năm nay, tôi nhận thấy đã có dấu hiệu tích cực khi chúng ta có học sinh lớp 10 dự thi và đoạt huy chương vàng. Nếu không giới hạn độ tuổi, tạo cơ hội cho các em phát triển tối đa khả năng của mình, chúng ta hoàn toàn có thể có học sinh lớp 8, 9 trong đội tuyển thi quốc tế.

- Kỳ thi năm nay đã có lúc tưởng như phải hủy vì dịch Covid-19. Giữa tháng ba, Bộ GD&ĐT cho dừng việc thi để chọn đội tuyển, sau đó lại tổ chức. Những điều này có ảnh hưởng thành tích đội tuyển?

- Trong tháng ba năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định dừng kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic, vì lúc đó ban tổ chức không chắc chắn kỳ thi có được tổ chức không. Nhưng sau đó, khi Nga quyết định tổ chức thi, chúng ta đều có phương án chọn đội tuyển và tập huấn.

Đối với đội tuyển Toán, sau khi chọn được 6 bạn, chúng ta vẫn có thời gian tập huấn 2 tháng tại trường chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm nay, kỳ thi được tổ chức trực tuyến, thí sinh nước nào thi tại nước đó. Đây vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng có mặt bất lợi.

Các bạn được thi tại Việt Nam sẽ đỡ xa nhà, nhớ nhà, không lệch múi giờ, điều kiện sinh hoạt tốt.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới. Nước ta kiểm soát dịch tốt, đội tuyển còn có 2 tháng tập tuấn tập trung. Trong khi đó, nhiều nước không thể tập huấn trực tiếp, phải học online.

Thông thường, kỳ thi diễn ra vào tháng 7, năm nay đến tháng 9 mới thi. Khi chờ đợi một thời gian quá dài, tâm lý của các em khó có thể giữ ổn định và không đạt phong độ tốt nhất.

Thi Toán Olympic cũng giống thi đấu thể thao, phải đúng điểm rơi phong độ, các em mới thể hiện tốt nhất. Thời gian chờ đợi quá lâu, các em sinh ra sức ì cho chính mình. Ngoài ra, đi thi xa nhà cũng là cú hích tinh thần cho thí sinh. Khi thi ngay trong nước, có thể các em thiếu sự hứng khởi nhất định.

Dù vậy, tôi cũng không nghĩ đây là những lý do chính tác động đến thành tích của đội tuyển.

- Thí sinh được thi ngay tại nước mình, ông có lo lắng về yếu tố trung thực?

- Dù thi online, ban tổ chức cố gắng giữ chất lượng của kỳ thi không đổi. Kỳ thi năm nay chỉ khác một điểm là các trưởng đoàn không cùng chọn đề thi mà nhóm chuyên gia của ban tổ chức tại Nga sẽ chọn đề và gửi cho các đoàn.

Trước thời gian thi 3 giờ, ban tổ chức gửi đề về cho trưởng đoàn mỗi nước để dịch. Trưởng đoàn phải dịch đề dưới sự giám sát của người nước ngoài. Dịch xong, tôi phải đăng đề lên trang web của ban tổ chức. Họ duyệt và gửi cho người giám sát. Người giám sát sẽ in và phát cho thí sinh làm bài.

Phòng làm bài thi của thí sinh có 2 camera. Một camera tầm trung để giám sát thí sinh, một camera giám sát các thầy trong đoàn và có thêm các giám sát viên quốc tế. Sau khi thi xong, giám sát viên scan bài thi, gửi ngay về cho ban tổ chức. Tất cả quy trình đều phải làm theo yêu cầu của ban tổ chức.

Đối với học sinh giỏi toán quốc tế, các em đi thi đều vì đam mê, khao khát vượt qua bản thân mình và chinh phục những bài toán khó. Do đó, các em rất mong được thi tài trong môi trường trung thực.

Cá nhân tôi tin kết quả năm nay và tin các nước khác cũng trung thực như Việt Nam. Ban tổ chức đề cao tính tự giác nhưng họ cũng kiểm soát rất chặt.

- Một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay không thuộc phần thế mạnh của đội tuyển Việt Nam nên kết quả của chúng ta không tốt. Ông đánh giá như thế nào về đề thi năm nay?

- Theo tôi, đề thi năm nay rất hay nhưng lại hơi nặng về tổ hợp. 6 bài thi thì có đến 3 bài tổ hợp. Hai bài khó nhất của đề cũng là toán tổ hợp. Trong khi mọi năm, thông thường 2 bài khó nhất là một bài hình học và một bài tổ hợp.

Lợi thế của đoàn Việt Nam nhiều năm nay là các bài toán hình học. Nếu câu khó rơi vào bài hình học, các em có thể giải quyết tốt. Cộng thêm những bài dễ và trung bình khác, kết quả chúng ta sẽ vượt lên ngay.

Riêng về toán tổ hợp, đây không phải điểm yếu nhưng cũng chưa là thế mạnh của các thí sinh Việt Nam. Khi 2 bài toán khó rơi vào toán tổ hợp, chúng ta không làm tốt lắm và ảnh hưởng kết quả chung.

- Năm nay chúng ta có bạn Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 10 nhưng đoạt huy chương vàng có điểm thi xếp thứ 4 thế giới. Ông có kỳ vọng nhiều về Quý Đăng?

- Ngô Quý Đăng là trường hợp rất đặc biệt. Tôi có dịp tiếp xúc và dạy một số buổi cho Đăng khi em ấy học lớp 7. Lúc đó, tôi đã nhận thấy Đăng rất xuất sắc và luôn đặt niềm tin em sẽ đi thi Toán quốc tế năm lớp 10. Khi Đăng có mặt trong đội tuyển và giành huy chương, cá nhân tôi không bất ngờ.

Ngay từ cấp 2, Đăng đã hướng đến việc đi thi Toán toàn quốc hoặc quốc tế vào năm lớp 10 nên em đã tiếp cận kiến thức của cấp 3 ngay từ cấp 2.

Trường hợp của Đăng có thể trở thành động lực cho nhiều bạn học sinh khác. Học sinh cấp 2 có thể thấy mình hoàn toàn có thể học vượt ra khỏi chương trình nếu có khả năng và sớm chinh phục những thử thách mới, thay vì chỉ tập trung làm sao thi vào được trường chuyên, thi học sinh giỏi ở cấp THCS.

Nếu Đăng vẫn muốn đi thi Toán quốc tế các năm sau, em có cơ hội lập nên kỷ lục thí sinh Việt Nam 3 lần liên tiếp đi thi Toán quốc tế. Hoặc em ấy có thể thử sức ở lĩnh vực mới như đi thi Tin học, Vật lý quốc tế. Như thế, Việt Nam sẽ có thí sinh đầu tiên thi Oympic quốc tế ở hai môn khác nhau.

Thực ra, nhiều thí sinh trên thế giới đã làm được điều này. Thậm chí, có bạn còn thi hai môn khác nhau trong cùng một năm. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có trường hợp nào như thế. Đơn giản vì ngày thi chọn đội tuyển của các môn được tổ chức cùng một ngày. Mỗi thí sinh chỉ được thi vào một đội tuyển.

Tôi mong học sinh chúng ta có nhiều cơ hội hơn ở các môn học khác nhau. Nếu có năng lực và đam mê, các em càng cần được thử sức ở nhiều lĩnh vực để hình thành khát vọng, quyết tâm và sức bền phấn đấu. Điều quan trọng là chúng ta không quá đặt nặng vấn đề thành tích và tạo áp lực nặng nề cho các em từ quá sớm.

- Không đặt kỳ vọng, áp lực lên vai thí sinh nhưng kết quả thứ bậc, số huy chương của đội tuyển có phải là áp lực, KPI với những người dẫn đoàn như ông?

- Quan điểm của tôi khi làm việc gì cũng đặt trách nhiệm và mục tiêu cho công việc đó. Toàn bộ quá trình chọn lựa, tập huấn đã được làm nghiêm túc. Đến lúc thi cử thì chấp nhận những yếu tố thi cử như may rủi, các trường hợp không đạt được phong độ.

Mỗi mùa IMO, từ việc tuyển chọn, tập huấn đến công tác chuyên môn khi đưa đội đi thi, tôi đều cảm thấy rất nhẹ nhàng. Điều khó khăn nhất là chứng kiến những sự tiếc nuối của các em dù tất cả đều cố gắng hết sức mình. Nhưng, người đứng sau sẽ luôn có nhiều động lực để phấn đấu. Đội tuyển của chúng ta cũng vậy.

Thực ra chúng tôi không hề bị áp lực về thành tích. Quan trọng là trải nghiệm của các em trong quá trình rèn luyện và đam mê đối với bộ môn Toán được nuôi dưỡng.

Khi đã cố gắng hết sức, kết quả thế nào, các em đều xứng đáng nhận được những lời khen ngợi và khích lệ. Kết quả của một bài thi thực ra chỉ là thử thách ban đầu rất nhỏ trên chặng đường phát triển của các em sau này.

Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2020, đoàn Việt Nam giành được 2 huy chương vàng, một huy chương bạc, 2 huy chương đồng và một bằng khen.

Huy chương vàng thuộc về Trương Tuấn Nghĩa và Ngô Quý Đăng, cùng là học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong đó, Quý Đăng còn là học sinh lớp 10.

Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh lớp 12, trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), giành huy chương bạc.

Chu Thị Thanh, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và Trần Nhật Minh, học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cùng giành huy chương đồng.

Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận được bằng khen của ban tổ chức.

Năm nay, Trung Quốc đứng thứ nhất toàn đoàn, tiếp sau là Nga và đứng thứ ba là Mỹ. Việt Nam xếp thứ 17 toàn đoàn. Đây được xem như bước thụt lùi, vì từ năm 2012, Việt Nam đều có mặt trong top 10 nước có thành tích cao nhất (trừ năm 2018).

Minh Nhật thực hiện
Ảnh: Phạm ThắngĐồ họa: Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pgs-le-anh-vinh-dao-tao-doi-tuyen-olympic-toan-can-cach-nhin-dai-han-post1136508.html