PGS Đinh Trọng Thịnh: Cần quản lý chặt chẽ việc thu chi trong cơ sở tôn giáo

Sau những lùm xùm liên quan đến các cơ sở tôn giáo cũng như cá nhân người tu hành thời gian gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến vấn đề quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Kinh doanh tâm linh đang nở rộ - Ảnh: Internet

Kinh doanh tâm linh đang nở rộ - Ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, đối với quản lý dòng tiền cúng dường, đóng góp vào các cơ sở tôn giáo nói chung, chùa chiền hoặc nhà thờ thì từ trước đến nay cơ quan nhà nước vẫn coi là lĩnh vực nhạy cảm và để các cơ sở đó chủ động trong việc thu, chi, quản lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về tính minh bạch cũng như đường đi của dòng tiền tại các cơ sở tôn giáo, thờ tự.

Theo ông Thịnh, Bộ Tài chính cũng đã nhìn thấy vấn đề này từ mấy năm trước nhưng do tính nhạy cảm nên cũng đã có đề nghị phía Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xem xét cách thức quản lý cũng như tạo ra cơ chế chi tiêu dòng tiền cho hợp lý. Tuy nhiên, đã mấy năm qua nhưng việc này vẫn chưa có tiến triển.

Chuyên gia Thịnh cho rằng chính quyền địa phương phải kết hợp với các cơ sở tôn giáo cũng như giáo hội để quản lý vấn đề thu – chi. Ở địa phương cần có những người theo dõi các khâu này, cùng với đó, nên thành lập các hội đồng, như một đại diện của người dân ở các cơ sở tín ngưỡng để cùng tham gia việc kiểm đếm, tính toán dòng tiền đóng góp. Sau đó, có thể sẽ phân chia ra thành các nguồn thu để lại chi tại chỗ, hoặc chuyển vào một quỹ nào đó, thậm chí có thể san sẻ thêm cho các cơ sở thờ tự khác…

“Hiện nay cơ chế quản lý về “kinh doanh tâm linh” cũng chưa rõ. Nhà đầu tư xây dựng một cơ sở tâm linh nào đó thì được hưởng những tiền công đức, cúng dường. Tuy nhiên, cần phải có hạch toán một cách đầy đủ tiền nào là kinh doanh, tiền nào là công đức chứ không thể lẫn lộn. Ví dụ cơ sở tôn giáo mà bán đồ lưu niệm, kinh doanh liên quan đến tôn giáo đó thì cũng phải đóng thuế, vì có thu nhập”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh nhấn mạnh cần phải nghiên cứu kỹ để có cách thức quản lý nguồn thu chi tốt hơn hiện nay. Khi đó toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỷ lệ hợp lý. Trong đó, cụ thể tỷ lệ đóng góp cho ngân sách địa phương và trung ương; bao nhiêu tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu... Việc này sẽ tạo được niềm tin cũng như phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay những hoạt động giao dịch chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sử dụng nguồn tiền từ ngân quỹ của chùa và giấy chứng nhận cấp cho chùa thì đó là tài sản của nhà chùa. Mọi hoạt động giao dịch như trên sẽ phải chịu sự giám sát và cho phép của Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam.

Còn trong trường hợp các sư thầy mua bán, chuyển nhượng bất động sản bằng tài sản riêng, đứng trên danh nghĩa cá nhân thì đó là tài sản riêng của họ, không chịu sự giám sát của Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam.

“Đây là một thực tế nhiều người lợi dụng tôn giáo để trục lợi bất chính cho bản thân, đi ngược với giáo lý, triết lý nhà Phật. Cần phải tăng cường giám sát chặt chẽ tài chính của các cơ sở tôn giáo, tránh việc lợi dụng lòng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, kinh doanh tôn giáo”, ông Hùng nói.

Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc quản lý, sử dụng các khoản tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; theo đó, tại khoản 6 điều 19 Nghị định có quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính “hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”.

Bộ Tài chính cho rằng đây là lĩnh vực khó, nhạy cảm, có tính chất chuyên môn, chuyên ngành sâu thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, đề nghị nghiên cứu và có ý kiến đề xuất các nội dung chuyên môn có liên quan gửi Bộ Tài chính để có căn cứ tổng hợp, nghiên cứu hướng dẫn việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, đảm bảo phù hợp với hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội.

Cũng liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 6 vừa rồi, trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu 3 nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức. Trong đó, phí tham quan được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Riêng về tiền công đức, Bộ trưởng Văn hóa cho biết hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. Ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn quản lý tài chính tại các lễ hội và tiền công đức.

Cùng với giải pháp đó, Bộ Văn hóa đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và đề nghị UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích, gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/pgs-dinh-trong-thinh-can-quan-ly-chat-che-viec-thu-chi-trong-co-so-ton-giao-123375.html