Peloponnese nơi lưu giữ các di sản thế giới

Tôi chọn Peloponnese (Hy Lạp) vì cái tên này gợi cho tôi nhiều ký ức.

Tôi chọn Peloponnese (Hy Lạp) vì cái tên này gợi cho tôi nhiều ký ức.

Một trong những loạt phim mà tôi yêu thích nhất là bộ ba phim độc lập của đạo diễn Richard Linklater: Before Sunrise, Before Sunset và Before Midnight. Phần Before Midnight lấy bối cảnh tại Peloponnese – một bán đảo rộng hơn 21.000 km2 phía Nam Athens. Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh gia đình hai nhân vật chính lái xe qua những miền đồi núi xanh mướt và có những cuộc trò chuyện bất tận dưới ánh nắng chan hòa. Lúc xem xong phim, tôi đã ghi nhớ cái tên Peloponenese và tự nhủ rằng sẽ có ngày mình đặt chân đến đó, và tôi đã thực hiện được điều này.

“Hòn đảo của Pelops”

Peloponnese và cả quần thể các thành phố thuộc bán đảo này như Olympia, Sparta, Corinth, Gytheio,… gợi lên một cảm giác thần thoại, bởi bán đảo này được đề cập đến trong thần thoại Hy Lạp như là mảnh đất của nhiều thành ban quyền lực, và là nơi diễn ra nhiều trận chiến đẫm máu. Peloponnese có nghĩa là “hòn đảo của Pelops”- tên vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp đã tổ chức những cuộc đua xe ngựa nhằm tạ ơn thần linh nhân chiến thắng trước vị vua đa nghi Oenomaus. Pelops sau đó đã thay Oenomaus lên ngôi vương và trở thành vị vua vĩ đại của Pisa – thành ban phía Tây bán đảo. Những cuộc đua xe ngựa của Pelops diễn ra tại Olympia và được xem là những cuộc tranh tài đầu tiên của Thế vận hội Olympic.

Kênh đào Corinth

Từ những thông tin có được, tôi và người bạn của mình đã quyết định đi Pelopponese bằng ô tô. Chúng tôi thuê xe ngay khi vừa đặt chân xuống Eleftherios Venizelos – tên chính thức của sân bay quốc tế Athens. Trong những chuyến đi trước đến châu Âu, tôi thích di chuyển bằng xe lửa hoặc xe buýt vì khá thuận tiện và tiết kiệm. Song, lần này tôi muốn thử một chút cảm giác phiêu lưu và muốn tự mình quyết định điểm dừng chân trên đường đi, và việc di chuyển bằng ô tô là giải pháp tốt nhất. Một lý do nữa là giá thuê xe ở Hy Lạp khá dễ chịu. Chúng tôi thuê chiếc Fiat Punto như ý cho trọn tám ngày với giá 278 euro (đã bao gồm thuế và bảo hiểm). Mức giá này tốt hơn rất nhiều so với giá thuê xe tại các nước châu Âu khác. Chúng tôi cũng không cần phải lo ngại về đường sá vì hạ tầng giao thông ở đây được kết nối khá tốt với các chỉ dẫn rõ ràng.

Từ Athens có thể đến Peloponnese bằng hướng đi qua cầu Isthmus theo phía kênh đào Corinth hoặc qua cầu Rio-Anttirio. Chúng tôi chọn hướng đi đầu tiên. Kênh đào Corinth có chiều dài 6,4km, chiều rộng 25 mét. Kênh được khởi công vào năm 1882 và được đưa vào sử dụng vào năm 1890, giúp rút ngắn đến 185 dặm hải trình cho tàu bè trong vùng biển Aegean đi vào biển Adriatic. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng hải, kênh đào này trở nên quá hẹp cho một tàu vận tải hiện đại nên không còn được sử dụng cho mục đích chở hàng nữa. Thay vào đó, con kênh đã trở thành một điểm tham quan thú vị, rất thuận lợi cho các chuyến du lịch trong ngày khởi hành từ Athens.

Hành trình khám phá di sản

Từ Corinth, chúng tôi có thể tới tham quan hai di sản thế giới đã được UNESCO công nhận: nhà hát cổ đại ngoài trời Epidavros và quần thể di tích Mycenae. Không giống như Athens, hầu hết các điểm tham quan ngoài trời trên bán đảo Peloponnese đều đóng cửa khá sớm, phổ biến là 15 giờ. Trong khi đó, tất cả các điểm đến không thể bỏ lỡ như Acrocorinth – tường thành vùng thượng Corinth, Lion Gate – Cổng sư tử ở Mycenae, biểu tượng của những trung tâm quyền lực thuộc nền văn minh Hy Lạp cổ xưa hoặc thị trấn pháo đài Mystras đều tọa lạc trên những ngọn đồi cao. Do vậy, du khách luôn phải sắp xếp thời gian hợp lý để kịp khám phá những điểm tọa lạc ở độ cao ít nhất là 500 mét so với mực nước biển, chưa kể họ rất dễ dàng bị những cảnh đẹp đến nghẹt thở níu chân trong suốt đoạn đường đi. Vì vậy, một lời khuyên cho những người đến đây lần đầu không phải đứng nuối tiếc dưới chân một khu di tích cửa đóng im ỉm là hãy thu xếp lịch trình và đừng quên mang một đôi giày tốt.

Nhà hát ngoài trời Epidavros

Chúng tôi đã có một kỷ niệm đáng nhớ ở Acrocorinth. Đó là đã quá mê mẩn nhìm ngắm những cây cột kiểu Doric đầu tiên của thế giới Hy Lạp cổ đại tại đền thờ Apollo và tìm hiểu sự khác nhau giữa đường nét kiến trúc thuộc nền văn mình Hy Lạp với văn minh La Mã trong khu khảo cổ Corinth cách Acroconrinth chỉ vài cây số. Chúng tôi đến dưới chân tường thành Acroconrinth khi đồng hồ đã điểm gần 14 giờ 30 phút và do vậy chỉ còn đúng 30 phút để chinh phục độ cao 575 mét và đi xuống trước giờ đóng cửa. Tôi đã làm được điều gần như là sự bất khả thi đối với người chỉ giỏi đi bộ nhưng chưa rành việc leo đồi như tôi là nhờ những rặng hạnh nhân mọc trên núi đá đang nở hoa tươi và những cơn gió thổi lồng lộng trong một ngày nắng đẹp.

Một tàn tích ở Mystras

Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể vượt qua chính mình tại Mystras, dù có đến một tiếng rưỡi tại đây. Nguyên nhân chính là do sự vĩ đại của Mystras – thị trấn pháo đài tọa lạc trên dãy núi Taygetos thuộc Laconia, một vùng ở phía Đông Nam bán đảo Peloponnese. Mystras cũng là một quần thể di sản thế giới được UNESCO công nhận. Nơi đây đã từng là trung tâm quyền lực của đế chế Byzantine vào thế kỷ 13, trước khi rơi vào tay người Turks và người Venetians vào thế kỷ thứ 15. Mystras cho chúng tôi một câu chuyện sống động về sự sống được xây dựng xung quanh nguồn nước qua các dấu tích của những cung điện, nhà thờ, tu viện, phố phường, và các tiện ích công cộng. Mystras được xem là một ví dụ điển hình về văn hóa Byzantine – nền văn hóa đã có ảnh hưởng sâu rộng đến không chỉ là các quốc gia ven bờ Đia Trung Hải.

Một cổng vòm trên đường trekking tại Monemvasia

Với một điểm đến “dễ bị phân tâm” như thế, chúng tôi đã không thể tiến một mạch đến mục tiêu là tường thành với độ cao hơn 600 mét nên đành phải dừng chân để tham quan tu viện Pantanassa nằm ở lưng chừng đồi như một niềm an ủi. Nhưng Pantanassa còn hơn là một niềm an ủi. Giữa một Mystras chỉ còn là tàn tích, tu viện là nơi duy nhất luôn có người sinh sống trong gần 800 năm qua. Nơi đây hiện có khoảng sáu nữ tu sống trong một dãy nhà ngăn nắp nằm bên dưới nhà thờ. Đến với nhà thờ trong tu viện Pantanassa, du khách hẳn không thế nào không đắm mình mình giữa không gian dày đặc những bức tranh tường thể hiện sinh động truyền thống nghệ thuật của gia tộc Palaiologos – gia tộc thống trị cuối cùng của đế chế Byzantine tại Hy Lạp.

Những điều lưu ý khi đi du lịch Peloponnese

Du khách có thể thuê xe ô tô trên mạng, tại sân bay hay tại trung tâm Athens để lái đến Peloponnese. Du khách cần có giấy phép lái xe quốc tế mới được phép thuê xe. Ngoài tiền xăng, người thuê xe phải chịu thêm phí đường bộ (nếu có) với phí mỗi trạm dao động từ 1,8-2,5 euro.

Từ Việt Nam, du khách có thể mua vé máy bay của các hãng Turkish Airlines, Qatar Aiways, Etihad Airways, Singapore Airlines… để đến Athens qua một điểm quá cảnh (tùy hãng).

Các điểm du lịch tại Peloponnese thường đóng cửa phổ biến lúc 15 giờ. Du khách cần mang một đôi giày tốt khi đi tham quan những địa danh ở đây.

Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần 2: Những sự bất ngờ thú vị trên SGTT phát hành ngày 10-5

Trần Hằng

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: http://www.sgtiepthi.vn/peloponnese-noi-luu-giu-cac-di-san-the-gioi/