PCTN: Nhiều cá nhân, tổ chức sai phạm nhưng không chịu hình thức kỷ luật nào!

Theo bà Lê Thị Nga, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được 'phê bình nghiêm khắc', 'kiểm điểm rút kinh nghiệm'.

Đây là ý kiến của đại diện Ủy ban Tư pháp trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Phát hiện xử lý 5 trường hợp vi phạm kê khai tài sản

Sáng 6/11, trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, năm 2017, công tác này đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Báo cáo cho thấy, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập năm 2016 đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.

Qua xác minh phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Cùng kỳ, năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm.

Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016).

Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can so với cùng kỳ năm 2016).

Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý 415 việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền là 6.051,4 tỷ; đã giải quyết xong 117 vụ việc với số tiền 1.154,5 tỷ đồng (tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2016).

Ngoài kết quả đạt được, ông Lê Minh Khái chỉ ra việc ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. “Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm”, ông nói.

Khẩn trương vào cuộc những vụ việc gây bức xúc

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga nhận thấy, Báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ các mặt về công tác PCTN; nêu những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, UBTP cũng chỉ ra một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Đặc biệt, việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị , được coi là “giải pháp của mọi giải pháp” để phòng ngừa tham nhũng vẫn còn hạn chế.

"Về kê khai tài sản thu nhập, kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận…" - bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP nêu.

Cũng theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, kết quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng còn chưa tương xứng với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn. “Đáng lưu ý, vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, một số vụ có dấu hiệu tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng PCTN”, bà Nga nói

Việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay. Việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

"Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm". Thậm chí có cá nhân để xảy ra sai phạm, tiêu cực nhưng vẫn được đơn vị xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” – bà Nga nêu.

Trên cơ sở đó, UBTP đưa ra kiến nghị, đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng để sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời cũng kịp thời bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/pctn-nhieu-ca-nhan-to-chuc-sai-pham-nhung-khong-chiu-hinh-thuc-ky-luat-nao-post243506.info