Paul Pogba được thổi phồng và bị coi thường ở MU

Khi Man United chuẩn bị cuộc chiến sống còn ở Leipzig, thì Mino Raiola, người đại diện của Paul Pogba, đã 'nổ súng' trên truyền thông Italy.

Nội dung ngắn gọn: Man United bán Pogba hè 2021, hoặc họ mất trắng anh vì Pogba không muốn ở lại Man United nữa.

Ngay sau tuyên bố được xem là không đúng thời điểm của Raiola, nhiều chuyên gia bóng đá Anh, vốn dĩ từng là cựu danh thủ Premier League, đã lên tiếng rất giận dữ. Gary Neville, một tượng đài của Man United, đã nói: “Chắc chắn Paul Pogba phải biết Raiola sẽ phát biểu như thế. Nếu không biết trước, chắc chắn cậu ta sẽ có phát biểu chỉnh lại người đại diện của mình”.

Trong khi đó, Jamie Carragher còn bực bội hơn. “Quên khẩn trương. Paul Pogba là cầu thủ được đánh giá quá mức mà tôi từng chứng kiến trong đời. 12 tháng nay, tôi đã ra rả nói điều đó rồi”. Đó là những gì mà Carragher trút ra, đầy phẫn nộ và nó lập tức tạo nên một làn sóng ủng hộ không hề nhỏ.

Những phát biểu xoay quanh chuyện Pogba muốn ra đi rõ ràng đều có lý cả. Cái lý lớn nhất chính là tính thời điểm. Ở lúc Man United đang cần nuôi dưỡng một động lực tích cực như hôm nay, rõ ràng tuyên bố của Raiola chẳng khác gì liều thuốc độc đối với cả một tập thể. Chính điều đó đã khiến một bộ phận không nhỏ CĐV Man United bày tỏ quan điểm cứng rắn. Họ muốn Solsa không cho anh đá ở Leipzig và đừng bao giờ để Pogba khoác màu áo Man United nữa.

 Paul Pogba có thể chia tay MU ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021. Ảnh: Getty Images.

Paul Pogba có thể chia tay MU ở kỳ chuyển nhượng mùa hè 2021. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, trong câu chuyện Pogba - Man United, có lẽ chúng ta nên thận trọng hơn trong đánh giá. Tất nhiên, một cách khách quan, trước tiên cùng phải đồng ý với nhau quan điểm cơ bản là Man United không nên tiếp tục với tuyển thủ Pháp nữa khi mà bản thân anh ta không cảm thấy hài lòng ở CLB. Với Pogba, Man United chỉ còn là một màu áo chứ không phải là tinh thần anh ta cần nâng niu trong trái tim mình.

Ở khía cạnh của người đại diện, khó có thể trách Raiola. Ông ta chỉ làm những việc cần làm, đúng trách nhiệm của mình. Khi thân chủ của Raiola không hạnh phúc ở CLB mà anh ta đang có hợp đồng, nhiệm vụ của Raiola là phải tìm bến đỗ mới. Và Raiola từng thực hiện thành công với nhiều thân chủ khác, điển hình là Ibrahimovic. Thay vì để Ibra chôn vùi sự nghiệp ở Barca trong sự ghẻ lạnh của Messi và Pep Guardiola, Raiola đã tìm cho Ibra một lối thoát, và bây giờ đến lượt Pogba.

Nếu chỉ nhìn vào khía cạnh kinh doanh, nhiều người trong chúng ta, dù có ghét cay ghét đắng Raiola đến đâu đi nữa, cũng phải thừa nhận đó là một doanh nhân thành đạt. Siêu xe, biệt thự, các món đồ xa xỉ của Raiola từ đâu mà ra? Nó đến từ chính những siêu sao tin tưởng vào ông. Và khi các siêu sao ấy cần “dọn một đống đồ nát”, Raiola phải thực hiện nhiệm vụ chu đáo nhất cho xứng đáng với những gì ông ta nhận được.

Nếu chúng ta làm việc ở vị thế của Raiola lúc này, có thể chính bản thân chúng ta còn nhiệt tình hơn trong các tuyên bố. Còn việc có thực hiện được như cái cách Raiola vẫn làm hay không lại là chuyện khác. Nó thuộc về năng lực cá nhân. Và một khi năng lực cá nhân, cùng hoàn cảnh công việc, hoàn toàn khác với người khác, chê trách họ là điều dễ nói nhưng khó rút lời.

Ở khía cạnh của cầu thủ, rõ ràng Pogba không cảm thấy hạnh phúc ở Man United. Đó là thực tế kéo dài kể từ ngày anh trở thành nhà vô địch World Cup. Một cầu thủ lớn bao giờ cũng có tham vọng lớn. Để đạt được tham vọng ấy, nó không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố khác. Một trong những yếu tố cộng hưởng quan trọng nhất: huấn luyện viên.

Chính Mourinho là người đã gọi điện thuyết phục Pogba đến với Man United cùng lời hứa “tôi sẽ xây dựng đội bóng xoay quanh cậu. Cậu sẽ trở thành người xuất sắc”. Tuy nhiên, câu chuyện ấy đã đi đến đâu và lời hứa kia kết cục như thế nào?

Biểu đồ nhiệt di chuyển của Pogba gần đây..

Ở ngay mùa giải đầu tiên, khi Pogba ra mắt trong màu áo Man United, chính Carragher đã chỉ trích Pogba là “thiếu kỷ luật chiến thuật”. Tuy nhiên, những bàn thắng sau đó anh ghi được đã khiến chỉ trích bị khóa lại. Đồng thời, Mourinho cũng đã lên tiếng bảo vệ học trò của mình khi cho rằng các nhận xét của giới bình luận viên Premier League theo kiểu “vội hơi não”. Đó chính là khoảng thời gian thực sự hạnh phúc với Man United của Pogba và chưa bao giờ anh có mảy may suy nghĩ về chuyện ra đi, bất chấp những tin đồn từ Real đã bắt đầu phát sinh.

Song, sau chức vô địch World Cup với ĐT Pháp, Pogba chắc chắn không ngờ Mourinho lại có nhận xét mang tính so sánh giữa phong độ đội tuyển với phong độ CLB của anh. Có thể, đó là một kiểu khích tướng của Mourinho, nhưng nó không mang lại hiệu quả. Đơn giản, khi Pogba vẫn ngày ngày bị giới chuyên gia ở Anh soi với ánh mắt thiếu thiện cảm, lời khích của Mourinho chẳng khác nào một sự đồng tình với các chỉ trích ấy.

Chúng ta cần nhìn vào lịch sử bóng đá Premier League để hiểu người Anh cực kỳ khó tính đối với các cầu thủ đến từ Pháp. Đó là sự khác biệt về văn hóa, về tính cách, về lịch sử dẫn tới giữa Anh và Pháp luôn có những ganh đua, tỵ hiềm ngấm ngầm. Bởi vậy, sự khắt khe dành cho một cầu thủ, hay một HLV Pháp bao giờ cũng lớn hơn. Ví dụ điển hình nhất “Wenger who?” (Gã Wenger nào nhỉ?) là cái tít mà báo chí Anh chào đón Arsene Wenger khi ông đến Arsenal. Cái câu hỏi ấy, không chỉ mỉa mai mà còn nặng tính miệt thị.

Hay một ví dụ khác nữa, mới gần đây thôi. Sterling đệm bóng cận thành trước Lyon không thành và Martial đệm bóng cận thành trước PSG cũng không thành. Tuy nhiên, cái cách người Anh nói về Martial nặng nề hơn với Sterling rất nhiều. Chơi bóng trong một môi trường như thế, không mất lửa mới là chuyện lạ.

Quay lại với Pogba, có lẽ chúng ta chưa thấy cầu thủ nào ở Premier League thời nay bị chỉ trích nhiều như anh ta cả. Và một chỉ trích thường gặp nhất, đến mức cũ rích, chính là việc cho rằng Pogba được đánh giá quá mức. Điều đó cứ lặp đi lặp lại, như thể có sự đồng thuận của cả làng chuyên gia Premier League rằng “Tay Pogba này dứt khoát không thể ở đẳng cấp thế giới”.

Biểu đồ nhiệt của Pogba trong các trận đấu hè 2020.

Trong làn sóng chỉ trích đó, Pogba khá đen đủi. Chủ quan, cái cách thay đổi màu tóc, biểu lộ bản thân mình đúng theo xu thế thời đại đã khiến anh ta càng bị ghét hơn. Khách quan, chấn thương, dính Covid-19 đã không cho Pogba được ra sân quá thường xuyên. Đúng vào khoảng thời gian ấy, Fernandes tỏa sáng và thành điểm so sánh. Trong khi ấy, Solskjaer đã ở đâu? Không một lời động viên hay bảo vệ. Có lẽ, nếu không vì chuyện tài chính, kinh tế, những thứ mà Solskjaer chẳng thể quyết định, ông cũng muốn tống khứ Pogba đi rồi.

Bàn thắng mà Pogba mới ghi được vô cùng quan trọng với Man United, và nó là bàn thắng đẹp. Đối chiếu với pha bắt volley ở trận PSG, nó cho thấy đó là bản lĩnh, năng lực và thói quen chứ không phải ăn may. Ở Juve, Pogba từng có nhiều cú ăn bàn từ cự ly như thế. Tại sao ở Man United nó lại trở nên hiếm hoi hơn? Cơ bản, Solskjaer không xây dựng một hệ thống để có thể sử dụng được Pogba hữu hiệu nhất.

Pogba chơi tốt trong sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm và hoàn toàn anh không hề dậm chân vào phần nhiệm vụ của Fernandes. Fernandes chơi hộ công là sở trường còn Pogba sở trường là một cầu thủ con thoi trong hàng tiền vệ. Tại sao Didier Deschamps sử dụng Pogba tốt như thế, Conte sử dụng Pogba tốt như thế còn Solskjaer thì không? Ngay cả ở mùa 2018/19, khi Pogba đụng chuyện với Mourinho, anh ta vẫn ghi 16 bàn cho Man United. Đó là những con số chúng ta phải suy ngẫm, vì chúng biết nói lên một sự thật: Pogba có trình độ nhưng đang không gặp đúng môi trường.

Nếu chúng ta từng rơi vào hoàn cảnh có năng lực để làm một việc gì đó, và tự tin với nó, nhưng lại gặp phải các đồng sự, lãnh đạo lúc nào cũng nói “Tay ấy thường thôi, toàn được thổi phồng lên quá mức”, chúng ta sẽ ứng xử thế nào? Một lần, hai lần, có thể tự ái để chứng minh mình. Tuy nhiên, nếu nó trở thành chuyện thường nhật, không ai còn hứng thú với công việc nữa.

Nhìn vào bản đồ nhiệt của Paul Pogba ở cả mùa 2019/20 và từ đầu mùa 2020/21 tới nay, chúng ta mới thấy rất rõ là Pogba không được phép chơi quá gần vòng cấm của đối phương đúng như tinh thần của một tiền vệ con thoi đúng nghĩa? Vậy thì Solskjaer đang muốn anh ta trở thành kiểu mẫu cầu thủ nào đây? Một tay chạy loanh quanh ở giữa sân để tranh chấp bóng ư? Giao việc ấy cho Fred, McTominay và Matic và bán quách Pogba đi còn hiệu dụng hơn.

Vấn đề của Man United là ở thời kinh tế khó khăn vì dịch bệnh này, không ai mua Pogba với cái giá Man United muốn cả. Vậy là Pogba cứ ở đó, chịu được chỉ trích để lấy lại phong độ thì tốt, không thì cũng có chỗ để CĐV trút giận. Và nếu như Man United thất bại ở chiến dịch Champions League 2020/21, rõ ràng Pogba đủ là cái bia đỡ đạn hoàn hảo. Rõ ràng, ở một góc độ nào đó, chính Pogba là người đang bị coi thường, bị đánh giá thấp hơn khả năng cùa mình chứ không phải được thổi phồng như 12 tháng nay Carragher vẫn rao giảng.

Được thổi phồng hay bị xem thường, thực tế vẫn là Pogba không nhận được điều mà Man United đã hứa khi đưa anh về: xây dựng đội bóng quanh anh. Việc mua Fernandes là bổ sung tuyệt vời nhưng việc mua Van de Beek lại là chuyện khác. Ngay ở thời điểm mua Van de Beek, nhiều người đã nói là để bán Pogba và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới tự trọng của cầu thủ Pháp. Hãy nhìn vào cách Pogba đã làm trong phòng thay đồ "Les Bleus" ở World Cup 2018 để thấy tố chất thủ lĩnh của anh ra sao? Và so sánh xem ở Man United, ai bây giờ đang thực sự là thủ lĩnh: gần như là không có một ai rõ ràng.

Trong bối cảnh như thế, Pogba chơi được bóng đá mới là lạ. Và tất nhiên, khi một ngôi sao được kỳ vọng không thể có hứng khởi để chơi bóng đúng với kỳ vọng ấy, chuyện họ không còn thuộc về nhau là rõ ràng. Chia tay là một tất nhiên phải xảy ra. Điều chờ đợi cuối cùng chỉ là các cuộc ngã giá mà thôi.

Tốt nhất cho Pogba là nên ra đi, và chứng minh mình đúng ở một CLB khác. Đó cũng là rủi ro cho chính bản thân anh, bởi nếu anh không chứng minh được, cười nhạo cho anh sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, quay lại với Man United, hãy nhìn xem bao lâu rồi các cầu thủ của họ chơi bóng với một nụ cười như thời các đàn anh đã có? Khi cả một tập thể hiếm vắng nụ cười, chắc chắn phải nhìn vào người dẫn dắt tập thể ấy.

Mà Solsa lừng danh với biệt danh “sát thủ có gương mặt trẻ thơ” và nụ cười rạng rỡ, sáng trưng cả sân đấu. Chính cái nụ cười ấy bây giờ cũng không còn. Đừng đổ tại nghề và sự căng thẳng của nghề, hãy nhìn vào không khí trong đội bóng để suy luận, chính Raiola đã nói về cái không khí ấy. Và nếu Pogba ra đi mà không khí ấy vẫn không thay đổi, chúng ta sẽ bắt đầu tìm ai để chỉ trích? Martial - một người Pháp khác hay chăng?

HLV tuyển Pháp giải thích phong độ của Pogba Trước trận gặp Bồ Đào Nha ở Nations League, HLV Didier Deschamps của tuyển Pháp cho rằng những vấn đề tại MU khiến Paul Pogba không có phong độ tốt nhất.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/paul-pogba-duoc-thoi-phong-va-bi-coi-thuong-o-mu-post1161017.html