Parkson tiếp tục đóng cửa: Xu hướng bán lẻ đang thay đổi

Chuyện Parksong liên tục đóng cửa các trung tâm thương mại đã đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ tại Việt Nam, khi hành vi của người tiêu dùng mới là quyết định chính...

Nguồn ảnh: Okamura-tokyo.com.vn

Trung tâm thương mại Parkson Lê Đại Hành (Q.11, TP.HCM) đã chính thức đóng cửa vào ngày 26.2 vừa qua, sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng.

Đây là trung tâm thương mại thứ 2 tại TP.HCM của hệ thống này đóng cửa gần đây (hiện chỉ còn 4 nơi đang hoạt đông), trong khi toàn bộ địa điểm tại Hà Nội đã ngưng hoạt động trước đó gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1.2015, Parkson Paragon (Q.7, TP.HCM) đóng vào tháng 5.2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12.2016.

Không chỉ tại Việt Nam, liên tiếp nhiều năm nay các trung tâm thương mại của Parkson khắp Đông Nam Á cũng liên tục bị đóng cửa. Trong năm 2017, Parkson Retail Asia đóng cửa 1 trung tâm thương mại tại Việt Nam và mở thêm 2 địa điểm tại Malaysia, Indonesia. Tổng số diện tích sàn bán lẻ của họ hiện đạt 708.500m2, giảm 113.000m2 so với diện tích năm 2016.

Tình hình kinh doanh của tập đoàn bán lẻ này nhiều năm nay không mấy thuận lợi. Chẳng hạn từ năm 2016, mặc dù các cửa hàng tại Parkson Lê Đại Hành đã liên tiếp áp dụng chương trình khuyến mại nhưng sức mua không hề cải thiện. Đại diện một thương hiệu giày dép, túi xách tại TP.HCM chia sẻ có nhiều tháng cửa hàng đặt tại Parkson không bán được sản phẩm nào nên họ đã đóng cửa, thanh lý mặt bằng từ cuối năm 2016.

Việc trung tâm thương mại Parkson Lê Đại Hành đóng cửa thu hút sự quan tâm của giới bán lẻ tại Việt Nam. Trưởng bộ phận Bán lẻ thuộc Savills TP.HCM ông Phạm Thái Bình nhận định trên Vietnam+ rằng câu chuyện của Parkson đã đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, khi mô hình được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng.

Ông Phạm Thái Bình phân tích, nếu chỉ xét trường hợp của Parkson thì đúng là họ đã có những “tháng năm rực rỡ” tại Việt Nam trong giai đoạn 2005-2010. Tuy nhiên từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh theo hướng Department Store (bách hóa tổng hợp) bắt đầu bộc lộ vài nhược điểm, nhất là khi hình thức Shopping Mall (trung tâm mua sắm) xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí.

Hành vi, thói quen lẫn năng lực, sở thích tiêu dùng của khách hàng tại các khu vực đều khác nhau và điều này ảnh hưởng mạnh đến việc vận hành của Department Store, vốn tuân thủ những nguyên tắc nhất định, khó thay đổi.

Sự giới hạn về diện tích (thường dưới 20.000m2) cũng là một điểm khó của mô hình Department Store do không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm… Với diện tích từ 45.000m2 đến hơn 60.000m2, mô hình Shopping Mall (hay complex center - khu phức hợp với định nghĩa one-stop shopping - trải nghiệm mua sắm cộng thêm khu vực ăn uống, làm đẹp, siêu thị thậm chí cả trường học, ngân hàng…) trở thành lựa chọn của không chỉ riêng tín đồ mua sắm mà còn thỏa mãn các nhu cầu giải trí của các gia đình, từ trẻ em đến người lớn tuổi.

Ngoài ra, các trung tâm thương mại vẫn còn phải đối diện với thị phần hàng xách tay "từ những kẽ hở mang tính cục bộ” mà ông Phạm Thái Bình gọi chung là "không chính ngạch".

Những nguyên nhân trên đã góp phần tạo nên sự dịch chuyển rõ rệt của người tiêu dùng từ Department Store sang Shopping Mall. Không chỉ tại Việt Nam, mô hình Department Store cũng đang trở nên yếu thế tại các thị trường khác ở châu Á và cả thế giới.

Cũng theo Vietnam+, có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của e-commerce (thương mại điện tử) cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến mô hình bán lẻ truyền thống. Điều này là đúng thực tế nhưng tại Việt Nam, mức độ tác động e-commerce mới ở mức tương đối, chưa có nhiều đột phá. Những dịch vụ và tiện ích của thương mại điện tử mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu mua sắm tối thiểu, làm phong phú thị trường và vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn so với các nước phát triển.

A.Thư

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/parkson-tiep-tuc-dong-cua-xu-huong-ban-le-dang-thay-doi-82808.html