Parkson đóng cửa trên cả hai miền Việt Nam: Đoán lý do

Parkson từng cay đắng thừa nhận: 'Môi trường bán lẻ ở Việt Nam đang hết sức khó khăn trong bối cảnh thị trường ngày càng chật chội'.

Sau 8 năm mở cửa hoạt động, Parkson Flemington ở TP.HCM vừa chính thức đóng cửa, nâng số trung tâm đã không còn hoạt động tại Việt Nam lên con số 4.

Theo thông báo của Công ty TNHH Thùy Dương - chủ quản lý trung tâm thương mại Parkson, Parkson Flemington Lê Đại Hành, ở quận 11, TP.HCM, ngưng hoạt động kinh doanh từ cuối tháng 1-2018.

Đại diện ban quản lý Parkson Flemington cũng thông báo đến các đối tác kinh doanh về kế hoạch đóng cửa và được chấp nhận.

Đơn vị này cũng thông tin hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại (TTTM) khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.

Từ năm 2014 trở đi, Parkson liên tiếp thua lỗ, phải đóng cửa một số trung tâm thương mại.

Tính đến nay Parkson đã đóng cửa 4 TTTM ở Việt Nam trên cả hai miền Nam, Bắc gồm Parkson Keangnam hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon tháng 5/2016, Parkson Viet Tower tháng 12/2016 và Parkson Lê Đại Hành nói trên.

Theo Parkson, các quyền lợi của chủ thẻ khách hàng thành viên sẽ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng trên toàn bộ hệ thống Parkson.

Hiện nay tại Việt Nam, Parkson còn duy trì 4 TTTM và các trung tâm này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ với những trung tâm đa chức năng ra đời sau này.

Parkson từng cay đắng thừa nhận: "Môi trường bán lẻ ở Việt Nam đang hết sức khó khăn trong bối cảnh thị trường ngày càng chật chội".

Trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, Parkson từng có những năm tháng cực kỳ thành công ở Việt Nam trong giai đoạn 2005 đến 2010.

Từng chia sẻ với báo chí về việc nhiều TTTM của Parkson đóng cửa, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trong cơ chế thị trường, việc đóng mở cửa là việc bình thường.

Việc một TTTM đóng cửa và những TTTM khác vẫn phát triển là việc không còn "ghê gớm", do nhiều nguyên ngân như cơ chế mỗi trung tâm mỗi khác, có thể do thua lỗ, cơ cấu, tái cơ cấu để co cụm vài điểm phát triển tốt lên hoặc chuyển sang một loại hình dịch vụ khác...

''Điều quan trọng, sức mua của nhóm ngành hàng mà Parkson kinh doanh không có xu hướng tăng.

Vì mặt hàng quá cao cấp, trong khi tỉ lệ người giàu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% - 20% có mức thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng, còn lại khoảng 80% là những người nghèo, người có mức thu nhập thấp đến trung bình.

Cho nên, xu hướng bây giờ là mua hàng bình dân. Có những trung tâm trường vốn vẫn cố gắng trụ vững để giữ thương hiệu nhưng hiệu quả thấp'', ông Phú nhận định.

Ngọc An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/parkson-dong-cua-tren-ca-hai-mien-viet-nam-doan-ly-do-3353473/