PAPI 2018: Kiểm soát tham nhũng tiếp tục đà cải thiện

Cảm nhận của người dân về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 (PAPI 2018) nhìn chung có cải thiện ở cả 6 chỉ số. Trong đó, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cho là yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng của người dân.

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phả biểu tại Lễ công bố PAPI 2018. Ảnh Bích Thủy

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phả biểu tại Lễ công bố PAPI 2018. Ảnh Bích Thủy

Đây là kết quả đo lường từ hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh, thành phố vừa được UNDP công bố sáng 2/4, tại Hà Nội.

Theo Báo cáo PAPI 2018, người dân cảm nhận tình trạng nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế (dịch vụ y tế tuyến quận/huyện) và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. Họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản.

Các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn. Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã, phường tăng lên.

Mặc dù vậy, cảm nhận tham nhũng ở mỗi cấp chính quyền lại có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã, phường giảm trong 3 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ này ở cấp quốc gia là thấp hơn (50%).

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân cho rằng vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Người dân phải “lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước. Do đó, tham nhũng vẫn là một trong 3 mối quan ngại hàng đầu của công chúng.

Mối quan ngại thứ hai là chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống và không khí nơi họ sinh sống kém hơn so với 3 năm trước.

Mối quan ngại thứ ba là nguy cơ đói nghèo, nhất là nguy cơ tái nghèo. Nguyên nhân dẫn tới mối lo ngại này, theo bà Caitlin Wiesen – quyền Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam là do sự bất bình đẳng về thu nhập. 90% người tham gia khảo sát có mức thu nhập là 20 triệu đồng/tháng trở xuống, 1,7% có thu nhập cao hơn 40 triệu đồng/tháng. Khoảng cách thu nhập giữa người Kinh với các nhóm dân tộc thiểu số là 3 triệu đồng. Từ lo ngại đó nên vấn đề việc làm được quan tâm nhiều nhất, cảm thấy sự bấp bênh trong việc làm.

Trần Nam

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/papi-2018-kiem-soat-tham-nhung-tiep-tuc-da-cai-thien-94429.html