PAPI 2018: Cao nhất đạt 47,05/80 điểm

Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018, địa phương có điểm tổng hợp cao nhất là Bến Tre, Lạng Sơn với 47,05 điểm.

Lễ công bố báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam

Tuy nhiên, khoảng cách giữa điểm tổng hợp cao nhất cấp tỉnh là 47,05 điểm và điểm tối đa 80 điểm còn rất xa.

Trong đó, mỗi tỉnh/thành phố có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Không có tỉnh,thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung. Xu hướng tập trung theo miền khá rõ nét ở một số chỉ số nội dung mặc dù cấu trúc chỉ số có những chỉnh sửa, bổ sung năm 2018.

Các tỉnh, thành phố phía Bắc có xu hướng đạt điểm cao hơn ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Công khai, minh bạch’ và ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ khi so với các tỉnh phía Nam.

Ngược lại, các tỉnh,thành phố phía Nam đạt điểm cao hơn ở chỉ số nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’. Song, ở hai chỉ số nội dung mới, các tỉnh/thành phố phía Bắc có xu hướng đạt điểm cao hơn ở chỉ số nội dung ‘Quản trị điện tử’ nhưng thấp hơn ở chỉ số nội dung ‘Quản trị môi trường’ so với các tỉnh/thành phố phía Nam.

Do đó, kết quả Chỉ số tổng hợp PAPI 2018 cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần nỗ lực hơn trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước, cung ứng dịch vụ công tại địa phương để người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công ở những lĩnh vực nội dung PAPI đo lường.

Cải thiện dịch vụ hành chính công

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác kiểm tra dịch vụ hành chính công, thông qua bộ máy nhà nước, các ban ngành đoàn thể và cả báo chí, dư luận để kiểm soát lĩnh vực hành chính công, kết quả cho thấy trong mấy năm gần đây, dịch vụ hành chính công của Quảng Ninh đã cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu về chính quyền điện tử, hiện nay hệ thống công nghệ thông tin của Quảng Ninh đã đáp ứng được nhu cầu điều hành của chính quyền và giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Đặc biệt, "việc công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục đã giải quyết được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong dịch vụ hành chính công".

Nâng cao vai trò của người dân

Kết quả khảo sát PAPI 2018 cấp tỉnh cho thấy, người dân yêu cầu có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định ở địa phương. Ngoài ra, người dân cũng trông đợi các cấp chính quyền tăng cường công khai, minh bạch, tiếp tục chống tham nhũng trong khu vực công, tập trung quản lý môi trường, đồng thời triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để người dân có thể tương tác trực tuyến với chính quyền.

Để đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó của người dân cần nhiều giải pháp cụ thể, đó là chính quyền và các tổ chức xã hội tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở; chính quyền địa phương chủ động tiếp thu và phản hồi ý kiến của công dân; chính quyền các cấp xây dựng và thực hiện quy trình ban hành và thực thi chính sách có sự tham gia đầy đủ, rộng mở của mọi tầng lớp nhân dân. Chính phủ mở và chính quyền mở có lẽ là hướng đổi mới phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/papi-2018-cao-nhat-dat-470580-diem-3500667.html