Pantsir-S1 Syria vô dụng nếu Mỹ phóng Tomahawk

Dù đã có trong tay hàng chục hệ thống phòng không Pantsir-S1 nhưng Syria vẫn không thể đánh chặn Tomahawk nếu không có sự trợ giúp của Nga.

Việc hệ thống Pantsir-S1 trong lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn loạt tên lửa hành trình Tomahawk hồi năm 2017 và đầu năm 2018 là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo nhận định của giời chuyên gia, vũ khí này không phải là cây đũa thần trị Tomahawk.

Nhưng để lập được chuỗi thành tích nói trên, những hệ thống Pantsir-S1 của Syria được sự hỗ trợ đắc lực của Nga. Nếu không có Nga thì dù Syria có sở hữu tới 400 hệ thống phòng không Pantsir-S1 và cả S-300/S-400, Syria cũng khó chống lại đòn tấn công của tên lửa Tomahawk của Hải quân Mỹ.

Hệ thống Pantsir-S1.

Thực tế này xuất phát từ nguyên nhân bản thân Pantsir-S1 là hệ thống phòng không tầm ngắn, thấp nên phạm vi hiệu dụng của radar của nó là rất thấp, không thể giúp các hệ thống này phát hiện sớm các vụ tấn công của tên lửa hành trình từ khi cuộc tấn công bắt đầu.

Các hệ thống phòng không khác có phạm vi quan sát xa hơn nhưng cũng vẫn chưa đủ xa để phát hiện ngay từ đầu các đợt phóng; hơn nữa, do điều kiện chiến trường Syria không thể kết nối chúng thành 1 mạng chia sẻ thông tin trinh sát theo thời gian thực; do đó, không thể tạo lập thế trận phòng thủ đủ vững chắc khi cuộc tấn công bắt đầu.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu làm nên thành công trong chiến dịch phòng thủ của Syria là các hệ thống trinh sát, giám sát, tác chiến điện tử của Nga đã phát hiện ngay lập tức thời điểm Mỹ và đồng minh tấn công, giúp Syria có thời gian chuẩn bị; hướng dẫn, chỉ điểm mục tiêu cho các hệ thống phòng không như Pantsir-S1 đánh chặn; song song với đó là triển khai chống chế áp điện tử để các hệ thống phòng không Syria có thể khai hỏa.

Đây là những điều kiện tối quan trọng để Pantsir-S1 có thể đánh chặn kịp thời những tên lửa phóng vào Sria. Có thể khẳng định rằng, Pantsir-S1 Syria chỉ có thể phát huy được hết vai trò của nó nếu nhận được sự hỗ trợ, bảo đảm của các phương tiện trinh sát và tác chiến điện tử của Nga.

Không có những điều kiện trên đây thì Pantsir-S1 không thể tồn tại chứ đừng nói là đánh chặn được các tên lửa hành trình này. Đặt trường hợp là Nga, nếu chỉ có Pantsir-S1 thì cũng sẽ tan nát trước đòn tấn công của Mỹ-Anh-Pháp.

Chình vì vậy, Pantsir-S1 Syria đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bắn hạ các tên lửa Tomahawk nhưng lại không phải là yếu tố quyết định đến thành công của chiến dịch chống tập kích đường không và tên lửa hành trình của Mỹ.

Hay nói cách khác, nó chỉ là một thành tố quan trọng trong tổng thể một thế trận phòng thủ chống tập kích đường không và tên lửa hành trình. Do đó, việc khẳng định Pantsir-S1 sẽ "cháy hàng" trên thị trường vũ khí là một nhân định hơi thái quá, "thần thánh hóa" vai trò của vũ khí này.

Các nước mua sắm các tổ hợp phòng không này nếu không có những phương tiện bảo đảm, phục vụ tác chiến hiện đại và xây dựng một thế trận phòng thủ chung vững chắc thì chắc chắn có mua về hàng trăm hệ thống cũng không phát huy được hết tác dụng của nó và vẫn dễ thất bại trước đòn đánh của tên lửa hành trình.

Và trong trường hợp Mỹ tiếp tục phát động một cuộc tấn công mới bằng tên lửa Tomahawk nhằm vào Syria, Pantsir-S1 sẽ không thể làm gì nếu không nhận được sự trợ giúp âm thầm từ phía Nga.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/pantsir-s1-syria-vo-dung-neu-my-phong-tomahawk-3364535/