Pantsir-S: Lá chắn thép Nga hay lỗ thủng phòng không ở Syria?

Trong khi Nga tuyên bố về sự tuyệt vời của Pantsir-S thì một chuyên gia quân sự Nga khẳng định nó chính là một lỗ thủng chết người ở Syria.

Nga: Hiệu quả thực chiến của Pantsir-S là rất tuyệt vời

Pantsir-S (tên ký hiệu NATO SA-22 Greyhound) của KBP ở Tula, được phát triển nhằm thay thế cho tổ hợp 9M311 Tunguska (SA-19/SA-N-11). Nó được coi là hệ thống phòng không tầm ngắn/thấp tiên tiến nhất của Nga và cả trên tế giới vào thời điểm hiện nay.

Pantsir-S được cho là vô cùng phù hợp để đánh chặn các loại tên lửa hành trình, máy bay không người lái, các loại bom lượn, thậm chí là các loại đạn pháo, rocket phóng loạt - những mục tiêu nằm trong phạm vi nhiệm vụ mà nó được định hướng từ khi thiết kế.

Trong thời gian được triển khai ở Syria, Nga và Syria tuyên bố các hệ thống Pantsir-S (của Nga) và phiên bản xuất khẩu Pantsir-S1 (cho Syria) đã lập được vô số chiến công hiển hách, bắn hạ hàng loạt máy bay không người lái, khing khí cầu, đạn rocket phóng loạt…của các nhóm phiến quân.

Đơn cử ví dụ như giới chức lãnh đạo Nga tuyên bố, chỉ tính riêng năm 2017, các hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga ở Syria đã nhiều lần khai hỏa và bắn hạ 13 mục tiêu trên không mà Nga cảm thấy nguy hiểm đối với các căn cứ của mình, tất cả đều bằng tên lửa.

Hai trong số đó là những mục tiêu dạng như khinh khí cầu đều bị bắn hạ ở gần phạm vi tối đa của tên lửa, trong vòng vài ngày hồi tháng 6 năm 2017, ở không phận 2 căn cứ quân sự Nga ở Syria là căn cứ tác chiến hải quân Tartus và căn cứ không quân thường trực Hmeymim.

Hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S của Nga được coi là hiện đại nhất trên thế giới

Bốn trong số các mục tiêu bị Pantsir-S tiêu diệt là đạn pháo và pháo phản lực bị ở khu vực căn cứ Hmeymim và Masyaf ở tỉnh Hama, tất cả đều trong tháng 3.

Những mục tiêu còn lại bị tiêu diệt là 7 chiếc máy bay không người lái, bao gồm một chiếc UAV Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, bị bắn hạ gần căn cứ Tartus vào ngày 11 tháng 5; một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ không xác định của lực lượng nào bị bắn rơi ở khu vực Masyaf ngày 27/5.

Israel có tới bốn chiếc UAV trinh sát Heron bị bắn rơi gần căn cứ Tartus và Masyaf vào tháng 4, tháng 5 và tháng 7 năm nay và một chiếc UAV chưa xác định chủng loại vừa bị bắn rơi trong ngày 22/9, khi máy bay chiến đấu Israel không kích sân bay quốc tế Damascus.

Ngoài ra, còn có và một chiếc UAV RQ-21A Blackjack của Mỹ đã bị bắn rơi gần Tartus vào ngày 27 tháng 5 năm 2017.

Hôm 06/01/2018, sân bay quân sự Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous của Nga tỉnh Latakia, đã bị tấn công bằng chiến thuật “UAV bầy đàn”; trong đó, 10 chiếc máy bay không người lái tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim, 3 chiếc khác bay tới tập kích căn cứ Tartus.

Tuy nhiên, vụ tấn công đã thất bại, không gây ra thiệt hại gì đối với sân bay và quân cảng của Nga.

Nga tuyên bố, Pantsir-S đã tiêu diệt hầu hết các mục tiêu tấn công căn cứ quân sự Nga ở Hmeymim và Tartous

Các phương tiện tác chiến của Nga đã đánh chặn được hết 13 chiếc máy bay tấn công cảm tử mang thuốc nổ này; trong đó, 6 chiếc bị hạ bởi lực lượng tác chiến điện tử (ba chiếc rơi bên ngoài căn cứ, ba chiếc còn lại nổ tung khi lao xuống mặt đất), trong khi 7 chiếc UAV khác bị hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S bắn hạ.

Sự kiện này đã chứng tỏ hệ thống phòng không Pantsir-S của Nga quả thực là có sức mạnh đáng gờm. Tuy nhiên, uy danh của Pantsir-S thực sự lên đến đỉnh cao trong vụ đánh chặn đòn tấn công bằng tên lửa hành trình của Liên quân phương Tây (gồm Mỹ-Anh-Pháp) hôm 14/4/2018.

Trong sự kiện này, Nga tuyên bố các tổ hợp tên lửa sản xuất từ thời Liên Xô của Syria đã lập được chiến công rực rỡ, đánh chặn thành công 71/103 quả tên lửa hành trình của 3 “ông kẹ” NATO và cũng là 3 cường quốc quân sự lớn nhất trên toàn thế giới.

Hầu hết ý kiến cho rằng đây là chiến công của hệ thống phòng không tầm gần/thấp Pantsir-S1/S2 của Nga (phiên bản xuất khẩu của Pantsir-S) chứ không phải Pechora 2M, 2K12 Kub hay S-200 Angara. Thậm chí còn có ý kiến tán dương rằng, Pantsir-S1 đã một mình hạ gục uy thế của 3 cường quốc quân sự NATO.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/pantsir-s-la-chan-thep-nga-hay-lo-thung-phong-khong-o-syria-3368562/