Panorama thế nào sau một tuần bị đình chỉ hoạt động

Dù trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, dịp cuối tuần, hàng nghìn du khách khắp nơi dồn về điểm dừng Panorama (Mèo Vạc, Hà Giang) khiến đèo Mã Pì Lèng thường xuyên ùn ứ.

Nhà hàng Panorama chật cứng ngày cuối tuần. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Nhà hàng Panorama chật cứng ngày cuối tuần. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Ngày 20/10, một tuần sau khi chính quyền tạm đình chỉ, tổ hợp khách sạn, nhà hàng Panorama - Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) nhộn nhịp trở lại. Dù không còn nhận khách nghỉ qua đêm hay bán đồ ăn thức uống, nhưng vẫn có hàng nghìn lượt khách tới ngắm cảnh.

Đặc biệt, thời điểm sáng và trưa 19, 20/10, điểm dừng chân này luôn có hàng trăm người xếp hàng chật kín cổng, chen nhau ra vào tầng 6 để chụp ảnh, nơi có thể ngắm núi đá và quang cảnh núi đá tai mèo và dòng sông Nho Quế. Việc khách dừng chân khiến hàng trăm ô tô, xe máy không có điểm đỗ, nối đuôi nhau gây ra cảnh ùn ứ dài hàng trăm mét. Thậm chí, cách nhà hàng này 5-7km tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn Đồng Văn và đèo Mã Pì Lèng thường xuyên xảy ra ùn tắc do quá tải phương tiện.

Theo ghi nhận của phóng viên, tòa nhà vẫn đang hiện diện 2 màu sơn xanh và xám. Hàng ngày, có khoảng 2-3 nhân viên duy trì mở cửa để hướng dẫn du khách các vị trí có thể thăm quan, ngắm cảnh, chụp hình tại tầng 6. Các tầng từ 1-5 và tầng 7 đóng cửa. Toàn bộ người dừng chân tại đây đều là khách du lịch từ khắp các tỉnh, thành.

Chị Phượng (28 tuổi, TPHCM) chia sẻ, chị mới biết điểm dừng chân Panorama thông qua báo chí, mạng xã hội. Nhân dịp du lịch ở Hà Giang, chị và đoàn 15 người khác mua thêm tour từ TP Hà Giang về Đồng Văn và Mã Pì Lèng ngắm cảnh. Dù không cà phê, không được ăn uống nhưng chị vẫn thích thú vì được nhìn tận mắt sông núi và chụp ảnh với bạn bè.

Còn anh Chiến (Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên đi phượt cùng nhóm bạn. Dịp này, nhóm anh cùng nhau đi chơi tại vườn hoa tam giác mạch, tiện đường tạt vào Panorama chơi xem có “hot” như trên mạng xã hội không.

“Tôi được biết, công trình này đã bị đình chỉ vì xây dựng trái phép trong vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Nếu công trình này được cấp phép và tổ chức giao thông tốt thì khu vực này khá lý tưởng để vãn cảnh, ngắm cao nguyên đá”, anh Chiến nói.

Một nhân viên quán Đong Van Bar, cách nhà hàng Panorama vài trăm mét cho biết, tổ hợp nhà hàng này đi vào hoạt động khoảng 4-5 tháng nay. Từ khi Panorama xuất hiện, lượng khách du lịch dừng chân tại Mã Pì Lèng tăng nhiều, đặc biệt đoàn tuor từ Hà Nội, Sài Gòn và khách nước ngoài. Thời điểm cuối tuần, dòng xe xếp hàng dài hàng trăm mét dọc lưng đèo. Sau vụ việc báo chí phản ánh và nhóm phượt nam bán nude chụp ảnh, xuất hiện thêm nhiều đoàn, tour di chuyển bằng xe khách, limousine.

“Đa số khách dừng chân thời gian ngắn để ngắm cảnh, chụp ảnh. Một số đoàn khách phượt người nước ngoài, các tỉnh miền Nam ngủ lại buổi tối tụ tập nghe nhạc, ăn uống tại quán bar. Sau Panorama, một số quán khác được xây làm nơi ăn nghỉ cho du khách giữa đèo. Chủ các nhà hàng này là người từ TP Hà Giang, thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc. Còn người dân bản địa cuộc sống không thay đổi, hàng ngày vẫn lên nương trồng ngô”, nữ nhân viên Dong Van Bar nói.

Công trình Panorama vi phạm vẫn hoạt động Ảnh: Nguyễn Hoàn

Một nhân viên quán Đong Van Bar, cách nhà hàng Panorama vài trăm mét cho biết, tổ hợp nhà hàng này đi vào hoạt động khoảng 4-5 tháng nay. Từ khi Panorama xuất hiện, lượng khách du lịch dừng chân tại Mã Pì Lèng tăng nhiều, đặc biệt đoàn tour từ Hà Nội, Sài Gòn và khách nước ngoài.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/panorama-the-nao-sau-mot-tuan-bi-dinh-chi-hoat-dong-1477376.tpo