PAN Group tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm được đánh giá đầy triển vọng trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng cao. Đón đầu xu thế, PAN Group đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ hiện đại.

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đầy hấp dẫn

Tại Hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm (CNTP) thuộc khuôn khổ Triển lãm Vietnam Foodexpo 2017, các đại biểu đều thống nhất rằng Việt Nam có đầy đủ các cơ hội đầu tư tốt, thể hiện ở nhiều khía cạnh như vùng nguyên liệu chất lượng cao, thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn và tiềm năng, xu hướng gia tăng các sản phẩm chế biến tiện lợi và sự hỗ trợ của thủ tục pháp lý.

Trong thời gian qua, ngành CNTP có sự tăng trưởng đều đặn, mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình từ năm 2012 - 2016 đạt 6,94%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,48% đối với đồ uống. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm ước tính khoảng 15% GDP. Trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trung bình gần 10%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình gần 7%/năm.

Tổ chức nghiên cứu Bussiness Monitor International dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm 10,9% cho giai đoạn 2017 - 2019, ngành sữa khoảng 10%, bánh kẹo khoảng 10% và đồ uống có cồn 11,1%.

Ông Vũ Cường, thành viên HĐQT PAN Group (ngoài cùng bên phải) cùng các diễn giả trong buổi Hội thảo.

Theo ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, mức tăng trưởng của thị trường nội địa đến từ việc Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với dân số trên 90 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10 năm qua đạt 6,5%/năm. Hơn nữa, thời gian dành cho công việc nội trợ, tự chế biến thực phẩm tại nhà ngày càng giảm, thói quen sử dụng sản phẩm chế biến đã hình thành và phát triển nhanh. Đây chính là cơ hội cho ngành CNTP lên ngôi.

Về vùng nguyên liệu, Việt Nam có tiềm năng và diện tích lớn các vùng nguyên liệu nổi bật, trải dài khắp đất nước. Trong năm 2016, diện tích cà phê trên cả nước đạt gần 650.000 ha, chủ yếu là cà phê Robusta; có gần 100.000 ha hồ tiêu, 981.000 ha cao su với 600.000 ha khai thác thường xuyên. Việt Nam cũng là quê hương của lúa gạo với tổng diện tích gieo cấy vào khoảng 8 triệu ha.

Đặc biệt, với khí hậu nhiệt đới ôn hòa, Việt Nam có tới 887.000 ha rau quả các loại, sản lượng hàng năm khoảng 15 triệu tấn. Sản phẩm rau quả chế biến hiện nay gồm các loại đồ hộp, đông lạnh, cô đặc, nước hoa quả, chiên sấy, trong đó đồ hộp chiếm 50%.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản nhìn nhận sau những điều kiện thuận lợi về mặt tự nhiên, hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành cũng là yếu tố góp phần tạo ra hành lang pháp lý tốt, khuyến khích việc phát triển chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu, chế biến phục vụ xuất khẩu.

Chưa kể, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và ký nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển ngành và thị trường xuất khẩu.

PAN Group đón đầu cơ hội

Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự phiên thảo luận của Hội nghị, lãnh đạo PAN Group khẳng định rõ hai mảng kinh doanh chính của Tập đoàn gồm Farm và Food, với nhóm các công ty con Vinaseed, PAN - Saladbowl và Bibica, Lafooco, thủy sản 584 Nha Trang, Aquatex Bến Tre. PAN Group không ngừng củng cố và nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tham quan gian hàng trưng bày của PAN Group tại triển lãm Foodexpo 2017

Ông Vũ Cường, thành viên HĐQT Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Lafooco cho biết doanh số Lafooco hàng năm vào khoảng 1.200 tỷ đồng. Từ năm 2013, Lafooco chuyển hướng từ chế biến nguyên liệu thô sang đa dạng hình thức, gồm sản phẩm thô, chế biến hạt nhân xuất đi châu Âu, châu Mỹ và làm sản phẩm giá trị gia tăng. Hai mảng kinh doanh đầu tiên giúp duy trì nền tảng của Lafooco, mảng sản phẩm giá trị gia tăng nhằm đem lại lợi thế cạnh tranh lâu dài, với việc ứng dụng công nghệ tốt, ít đối thủ có thể đuổi kịp.

Cũng là câu chuyện về ứng dụng công nghệ vào sản xuất, ông Cường lấy ví dụ về việc sản xuất bánh bông lan ở Bibica. Bánh bông lan cũ có độ ẩm từ 15 - 16%, Bibica đã cải tiến tăng độ ẩm lên 23% như bánh tươi và có thể sử dụng trong 9 tháng. Sữa sử dụng thay vì là sữa bột hoàn nguyên, Bibica chuyển qua dùng sữa tuơi. Hơn thế nữa, sản xuất với quy mô lớn nên giá cả được giảm tối đa, chiếc bánh tươi sản xuất trên nền tảng công nghiệp, giá cả phù hợp nên được ưa chuộng.

Đi đầu trong việc sử dụng công nghệ, coi trọng chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng các giá trị thương hiệu, PAN Group đã nhận được sự quan tâm và đầu tư của khá nhiều quỹ ngoại.

Ở chiều ngược lại, PAN cũng đã đi đầu tư khá nhiều vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm thông qua việc sở hữu các công ty con như sở hữu hơn 50% vốn tại Bibica - công ty bánh kẹo thương hiệu Việt; nắm giữ 80% vốn Lafooco – công ty hàng đầu về xuất khẩu hạt điều, 61% vốn Vinaseed – công ty có sản phẩm dưa lưới hương vị ngon nhất thế giới hoặc 73% vốn Thủy sản Bến Tre...

Đến với triển lãm Vietnam Foodexpo 2017, PAN tiếp tục khẳng định giấc mơ gìn giữ thương hiệu Việt với sự góp mặt của 5 công ty con: Vinaseed, Bibica, PAN Food, Lafooco và Nước mắm 584 Nha Trang cùng hàng chục sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm cao cấp như Gạo tươi đóng gói Ban Mai, gạo Thơm RVT, dưa lưới Nhật Bản công nghệ cao, hạt điều xuất khẩu và các loại bánh kẹo dinh dưỡng ứng dụng công nghệ sinh học.

Các câu chuyện PAN kể là những chuyến đi vượt đại dương vươn xa thế giới của ngành điều; chuyện về quả dưa lưới Nhật Bản chiếm trọn trái tim các khách hàng sành ăn; vẻ đẹp của những bông cúc Việt Nam trong hành trình chinh phục đất nước mặt trời mọc...

Anh Thư

Nguồn NDH: http://ndh.vn/pan-group-tham-gia-sau-vao-nganh-cong-nghiep-che-bien-thuc-pham-20171116080235717p4c147.news