Palmas Nguyễn đưa ảo thuật Việt ra thế giới

Lớn lên, học tập và biểu diễn ở Mỹ, nhưng ảo thuật gia Palmas Nguyễn đã chọn con đường trở về Việt Nam để phát triển bộ môn ảo thuật. Sự năng động, quyết liệt, chân tình của anh đã giúp ảo thuật TPHCM có những bước phát triển nhanh chóng.

Ảo thuật gia Palmas Nguyễn với tiết mục “Người bay”

Ảo thuật gia Palmas Nguyễn với tiết mục “Người bay”

Ði ngược gió

“Tôi lớn lên ở Mỹ và như mọi gia đình, bố mẹ mong tôi trở thành bác sĩ, kỹ sư để có cuộc sống ổn định. Khi tôi nói tôi sẽ theo nghề ảo thuật, cả nhà đều sốc, không ai ủng hộ” - Palmas Nguyễn tâm sự với phóng viên trong một quán cà phê ở quận 3, TPHCM. Ngoài đời, anh nom khá trẻ và thoải mái hơn nhiều so với lúc anh biểu diễn. Cuộc đời anh như một con chim luôn bay ngược chiều gió. Ảo thuật gia nổi tiếng kể: “Tôi biểu diễn và thành công ở trong cộng đồng người Mỹ trước. Tôi biểu diễn cho người Mỹ xem rất lâu, sau đó mọi người mời tôi diễn cho cho cộng đồng người Việt ở Mỹ xem trong các show của anh Vân Sơn. Từ đó người Việt mới biết đến tôi”.

Những năm Palmas Nguyễn vào nghề chưa có youtube, ảo thuật là một thế giới còn chìm trong bóng tối. Anh phải tự học, tìm các ảo thuật gia nổi tiếng để học. Mở một cửa hàng ảo thuật nhỏ tại Mỹ, anh cũng sản xuất các video dạy ảo thuật cho trẻ em Việt tại Mỹ.

Một tai nạn giao thông kinh khủng xảy ra khiến chàng trai trẻ nhiệt huyết tưởng như gục gã. Bằng ý chí phi thường, khó tin, anh quay trở lại với ảo thuật. Anh cũng tâm sự: “Tôi bỗng nhớ về quê hương Việt Nam của mình. Tôi muốn trở về cội nguồn”. Để lại bố mẹ tại Mỹ, Palmas Nguyễn khăn gói về Việt Nam cùng vợ và con nhỏ.

Palmas Nguyễn với một tiết mục ảo thuật đường phố. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Bảy năm sống ở Việt Nam, anh chứng minh cho gia đình thấy anh trở về đất nước không chỉ là một ham muốn nhất thời. “Sau tai nạn, tôi rất vất vả để tìm lại chính mình. Tôi tin vào cuộc sống tâm linh nhiều hơn. Tôi thường nghĩ về cái ảo, cái thật trong ảo thuật cũng như trong cuộc đời này. Rút cục, cái thật phải thắng cái ảo”.

Truyền tải thông điệp

“Tôi nhận ra rằng diễn ảo thuật đối với người Việt khác hẳn diễn cho người Mỹ. Ở Mỹ, họ đi xem ảo thuật để giải trí, một tiết mục không cần quá phức tạp, nhưng đem lại niềm vui, khán giả cũng hài lòng. Còn ở Việt Nam? Khán giả luôn tò mò, luôn muốn những tiết mục mới lạ, khó, khó hơn nữa. Mỗi khi diễn cho người Việt xem, tôi thường chọn những tiết mục có kỹ thuật rất cao mới thuyết phục được khán giả khó tính” - Ảo thuật gia tiết lộ.

Tiết mục ảo thuật mà Palmas Nguyễn được nhiều người khen ngợi thích thú là ảo thuật đổi người trong một cái thùng, lúc bước vào thùng là người Việt mà lúc mở thùng ra lại là một người xứ khác, hay tiết mục người bay lơ lửng trên không… Song điều căn bản mà anh thấy cần thay đổi tại Việt Nam, đó là đem đến những tác phẩm ảo thuật có thông điệp. “Người Việt Nam thường nghĩ ảo thuật là chiêu trò, nhanh mắt nhanh tay, đánh đố, làm người ta bất ngờ. Tất cả điều đó đều đúng. Nhưng tôi muốn ảo thuật còn kể cho mọi người những câu chuyện, đem đến những thông điệp nào đó, thay chỉ vì chiêu trò”, Anh nói. Ngoài những đêm diễn, anh tổ chức các đêm gây quỹ, ủng hộ đồng bào khó khăn tại miền Trung. “Các ảo thuật gia không thể đứng ngoài cuộc đời thực” - anh nói.

Năm 2018, Palmas Nguyễn được mời làm giám khảo cuộc thi trên truyền hình: “Ảo thuật siêu phàm” thu hút rất nhiều tài năng trẻ. Hầu hết các nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam đều biết đến vị giám khảo rất chuyên nghiệp này. Anh nói: “Bây giờ mở internet, mở youtube, thậm chí bỏ tiền ra mua các tiết mục, người ta đều có thể học và tự học ảo thuật bất cứ đâu. Cuộc sống công nghệ đưa ảo thuật đến từng nhà. Trong bối cảnh đó, các ảo thuật gia cần phải thay đổi, cần phải thực hiện những tiết mục khó và hay tới mức chính người trong nghề cũng không biết nghệ sĩ làm sao có thể diễn được như vậy, chứ không nói đến khán giả bình thường”.

Thời gian rảnh rỗi, anh thường đi xem các chương trình ảo thuật của các ảo thuật gia hàng đầu thế giới: “Họ luôn khiến chính những ảo thuật gia chúng tôi bất ngờ, thích thú và không muốn bỏ buổi diễn nào của họ thì làm sao khán giả không say mê?”- Anh nói về màn ảo thuật kinh điển làm biến mất tượng Nữ thần Tự do của David Copperfield. “Ảo thuật khiến người ta phải thay đổi suy nghĩ, rằng mọi thứ trên cuộc đời này đều có thể xảy ra và không phải cái gì người ta cũng có thể hiểu. Cuộc sống luôn có những thứ khiến người ta phải tìm hiểu nó”, Palmas Nguyễn nói. Theo anh, ảo thuật là một môn nghệ thuật và chúng tôi muốn làm việc tốt, chúng tôi còn phải nghiên cứu cả về triết học nữa. Đó là triết học về cái thực, cái ảo, về những cái vĩnh hằng và những cái vô thường, không ngừng biến đổi.

Kết nối Việt Nam và thế giới

Ảo thuật Việt Nam tựa như nàng công chúa ngủ trong rừng. Hàng trăm ảo thuật gia và nhiều câu lạc bộ, rất nhiều bạn thích ảo thuật. Song phần nhiều các ảo thuật gia Việt Nam chưa bao giờ tham gia các liên hoan trên thế giới, chưa phải là hội viên các hiệp hội quốc tế, nhiều người thậm chí không biết ngoại ngữ. “Tôi đang dự kiến sẽ mở một trường vừa dạy về ảo thuật, vừa dạy về tiếng Anh để các ảo thuật gia trẻ Việt Nam có thể lưu diễn khắp các nước trên thế giới”, anh nói.

Palmas Nguyễn không chỉ là ảo thuật gia chuyên nghiệp, anh còn là thành viên của Hội Ảo thuật gia quốc tế và The Magic Castle (Hollywood). Hiện anh là Chủ tịch Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế Mỹ I.B.M và Hiệp hội Ảo thuật quốc tế I.M.S tại Việt Nam. Theo anh, các ảo thuật gia thế giới quy tụ trong các hiệp hội, họ thường xuyên tổ chức các festival, biểu diễn, trao đổi kinh nghiệm. Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới, không thể cứ mạnh ai nấy rạng, giấu nghề… như xưa. Cần phải mạnh dạn bước ra thế giới.

Cuối tháng 4/2019, Palmas Nguyễn đã đứng ra tổ chức festival giao lưu ảo thuật quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam Magic Fest Vietnam International với danh nghĩa Hiệp hội ảo thuật IBM RING 397 (International Brotherhood Of Magicians) và IMS Ring 327 (International Magicians Society) khởi xướng. Festival quy tụ nhiều ảo thuật gia hàng đầu thế giới như: Tony Hassimi - Chủ tịch Hội ảo thuật IMS Mỹ, Tony Hassimi, Robert Sode, Palmas Nguyen (Mỹ), Shoot Ogawa, Syouma, Tanba (Nhật Bản), Tora (Iran), Mamada (Thái Lan), Wilson Lai, Jacky Yang (Trung Quốc), Cassidy Lee (Singapore).

Palmas Nguyễn vui vẻ nói: “Thực tế, chúng tôi chỉ mời khoảng 25 ảo thuật gia, nhưng có tới 100 ảo thuật gia nổi tiếng trên thế giới biết đến sự kiện và tự bỏ kinh phí tới tham dự. Các khách sạn ở gần nơi biểu diễn đều kín hết cả. Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam có dịp tận mắt nhìn thấy các tiết mục, các phong cách biểu diễn ảo thuật khác nhau”.

Trong năm 2019, anh sẽ trở lại Mỹ tham gia một chương trình tìm kiếm tài năng nổi tiếng của Mỹ với một tiết mục ảo thuật đầy tính tâm linh, cùng với các ảo thuật gia trẻ Việt Nam tham gia một số liên hoan ảo thuật ở các nước. “Ảo thuật Việt Nam đang phát triển và chúng tôi muốn cho các bạn thế giới thấy điều đó”, anh nói.

6/2019

Ảo thuật gia Nguyễn Ngọc Thành (sinh năm 1990) cho hay: “Ảo thuật Việt Nam chỉ phát triển khoảng chục năm trở lại đây, với hàng trăm ảo thuật gia trẻ. Một trong những người có công lớn phát triển ảo thuật hiện đại chính là Palmas Nguyễn, anh đã đem đến tính chuyên nghiệp, tính quốc tế trong biểu diễn ảo thuật. Tôi vinh dự được theo anh tham dự festival ảo thuật tại các nước và kể cả tại Việt Nam. Chúng tôi học hỏi được từ anh Palmas Nguyễn không chỉ kỹ năng biểu diễn mà còn là tấm lòng khát khao muốn phát triển ảo thuật Việt Nam vươn tầm thế giới”.

Trần Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/palmas-nguyen-dua-ao-thuat-viet-ra-the-gioi-1429235.tpo