Palestine và đêm trường tị nạn trên mảnh đất quê hương

Hàng triệu người Palestine tại Bờ Tây đã sống hơn 50 năm như những công dân hạng hai trên mảnh đất quê hương của họ, dưới sự chiếm đóng, phân biệt đối xử của chính quyền Israel.

Đó là một đêm hè tháng 7, Ahmad Awad từ Việt Nam về nhà được 3 ngày. Anh vừa tiếp xong một người khách đến muộn và chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng Hebrew. Sau 5 năm học ở Việt Nam, Ahmad, một người Palestine nói tiếng Arab, đã lâu không nghe thấy ngôn ngữ của người Israel.

Anh nhìn từ cửa sổ xuống con đường bên dưới. Có 5 chiếc xe đậu phía bên nhà mình và một số khác bên kia đường. Vài chục người lính Israel xuất hiện ở cửa nhà hàng xóm. Những người Palestine đang định ngủ sau một ngày làm việc bỗng choàng tỉnh, trẻ em thức giấc giữa đêm vì tiếng ồn.

Từ căn nhà hàng xóm bị khám xét, phụ nữ bị dồn ra ngoài cửa, đàn ông bị giữ lại. Quân đội trao cho một người đàn ông tờ giấy triệu tập. Toán lính, khoảng 70 người tất cả, rời đi sau 2 giờ.

"Thường thì họ bắt người. Đó là lần đầu tôi chứng kiến họ không bắt người. Nhưng họ luôn đến vào nửa đêm", Ahmad kể với Zing.vn.

Ahmad Awad, 22 tuổi, đã sống ở Bờ Tây trong phần lớn đời mình. Nếu cần làm giấy tờ, chẳng hạn như đăng ký kết hôn, anh sẽ đến trụ sở chính quyền Palestine. Dù vậy, bất kỳ lúc nào quân đội Israel đều có thể ập đến nhà Ahmad, hoặc chặn anh lại để kiểm tra trên đường đi, hoặc bắt Ahmad và đưa anh ta ra tòa dưới luật pháp của Israel. Đó là cách những người Palestine tại Bờ Tây đã sống hơn 50 năm qua trên chính mảnh đất quê hương của họ, và dưới sự chiếm đóng, phân biệt đối xử của chính quyền Israel.

Vào một buổi tờ mờ sáng khác của mùa hè năm 2017, phóng viên Guardian có mặt tại đồn kiểm soát ở thành phố Bethlehem tại biên giới Palestine và Israel. Vào lúc 4h30, những người Palestine đã xếp thành hàng dài đợi để vượt qua trạm kiểm soát và vào làm việc tại Israel. Bên ngoài cửa vào, những người bán hàng rong mời chào các công nhân Palestine với cà phê, trà và thức ăn. Một số công nhân đã phải thức dậy từ 3h sáng và đến đây từ những ngôi làng cách biên giới hàng giờ đi lại.

Vào những ngày trạm kiểm soát đông người, một số người trèo cả lên thanh chắn 2 bên họ để giành lấy vị trí đầu hàng.

"Hôm nay là một ngày tốt trời", Murad Wash, 34 tuổi, nói với Guardian. "Hàng người đang di chuyển nhanh chóng. Vấn đề là có một chiếc xe đưa đón ở phía bên kia, nếu bạn ra trễ, bạn sẽ phải tự trả tiền taxi".

Murad làm nghề lắp trần nhà ở Jerusalem. Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế xem phía Đông Jerusalem là phần đất của người Palestine và bị Israel chiếm đóng phi pháp. Dù vậy, người Palestine muốn vào Jerusalem phải xin giấy phép của chính quyền Israel.

"Giống như một cái sở thú vậy", Murad nói về những thanh chắn và cửa xoay mà họ phải đi qua ở bốt kiểm soát. "Mọi người chỉ muốn được xem là con người và có một cuộc sống tốt, như mọi nơi khác".

Vào tháng 6/1967, cuộc chiến 6 ngày ở Trung Đông đã kết thúc bằng việc Israel chiếm Bờ Tây của người Palestine. 50 năm sau đó, 2,5 triệu người Palestine tiếp tục sống dưới sự kiểm soát của Israel lên lãnh thổ của họ, dù vẫn tồn tại một chính quyền Palestine song song. Những người Palestine không được xem là công dân Israel, họ chịu sự đối xử khác biệt so với những người Israel đang sống trên cùng mảnh đất đó. Họ sống giữa những bốt kiểm soát, bức tường ngăn cách, những người lính tuần tra, bộ luật quân sự và sự hạn chế đi lại ngặt nghèo.

Những người đàn ông ngái ngủ ở đồn kiểm soát 300 của thành phố Bethlehem nằm trong số 60.000 người Palestine được cấp giấy phép làm việc tại Israel. Họ vào Israel thông qua 11 đồn kiểm soát.

50 năm sau khi Israel xâm chiếm Bờ Tây, những chỉ dấu của sự chiếm đóng vẫn hiển hiện rõ ràng trên phần lớn vùng đất này. Đối với những người Palestine, dù cho họ sống ở Thành cổ Jerusalem, những khu đồi của núi Hebron hay thành phố Nablus và thung lũng Jordan ở phía bắc Bờ Tây, cuộc sống hàng ngày bị bao phủ bởi những khu định cư của người Do Thái.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Israel bắt đầu chiếm đóng Bờ Tây, phóng viên Guardian ABC đã ghi lại cuộc sống của những người Palestine mỗi ngày đối diện với những sự kiềm tỏa và luật lệ do phía Israel đặt ra.

Vào 9h sáng, một người đàn ông tên Ayman Abdullah đang gặp rắc rối với trạm kiểm soát "lưu động" vừa mọc lên ngay lối vào làng. Ayman có thể trễ làm vì nó.

Một mạng lưới phức tạp các đồn kiểm soát đã được thiết lập ở khắp Bờ Tây trong 50 năm qua. Dù vậy, thứ làm khó Ayman vào buổi sáng hôm đó là một trạm kiểm soát lưu động. Nó có thể xuất hiện hôm nay và biến mất vào ngày mai.

Chính quyền Israel nói rằng các trạm kiểm soát này được thiết lập vì lý do an ninh. "Chúng tôi tìm súng", một viên lính trẻ nói.

Ayman tiếp tục gặp chốt kiểm soát này trên đường đi làm về và nó lấy của anh nửa giờ đồng hồ.

Tại một ngôi làng khác, thường được gọi là "trại Aroub" do nó khởi phát là một khu trại dành cho người Palestine chạy đến đây sau khi nhà nước Israel thành lập vào năm 1948, một đài kiểm soát của Israel mọc lên ngay cổng ra vào "trại" và người ta phải đi bộ để vào được cổng. Một trong hai cổng đã bị Israel đóng cửa vĩnh viễn suốt 15 năm qua.

"Quân đội Israel vào làng của chúng tôi mỗi ngày", Salah, 26 tuổi, cho biết. "Họ câu lưu. Họ bắt những đứa trẻ", cô nói nhưng từ chối cho phóng viên ABC chụp ảnh.

Công trình, vừa thực tế và mang tính biểu tượng, cho sự hạn chế đi lại mà người Palestine phải chịu đựng là bức tường ngăn cách Bờ Tây và lãnh thổ Israel. Hàng dài người lao động Palestine đứng chờ ở những điểm kiểm soát và sớm tinh mơ là để được vượt qua bức tường dài 670 km này.

Tòa án Công lý Quốc tế cho rằng bức tường ngăn cách là bất hợp pháp trong khi Israel biện hộ rằng mục đích của họ là ngăn chặn những vụ đánh bom liều chết của người Palestine nhằm vào Israel.

Trao đổi với Zing.vn, Ahmad, hiện là nhân viên hợp tác quốc tế ở một trường đại học của Palestine, nói rằng hàng rào và trạm kiểm soát của Israel "không chỉ vì an ninh và các mục tiêu quân sự, đó là một quy trình có hệ thống nhằm cướp bóc tinh thần của con người và ý nghĩa nhân văn của người Palestine". Ahmad thuê nhà ở gần chỗ làm với mục đích theo anh là để rút ngắn thời gian ở trên đường và hạn chế được càng nhiều trạm kiểm soát càng tốt.

"Các hàng rào và trạm kiểm soát của Israel không chỉ tạo ra sự khó khăn để vượt qua, chúng mang theo cả sự tuyệt vọng về hiện tại và tương lai", anh nói.

Những người Palestine ở Bờ Tây không những bị hạn chế quyền đi lại, cơ hội được xây dựng nhà cửa của họ cũng bị kiềm tỏa. Theo báo cáo về tình hình Palestine năm 2016 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong năm 2016, Israel tiếp tục cung cấp an ninh, dịch vụ hành chính, nhà ở, giáo dục và y tế cho 560.000 người tại các khu định cư bất hợp pháp của nước này ở Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Luật pháp quốc tế cấm việc một lực lượng chiếm đóng đưa thường dân đến vùng đất họ đang chiếm đóng.

Trong khi những khu định cư cho người Do Thái tiếp tục được xây lên, người Palestine nhìn thấy họ hầu như không có cơ hội nào xin được giấy phép xây dựng ở những khu vực Israel kiểm soát hoàn toàn ở Bờ Tây. Những khu vực này, gọi là Khu C, chiếm đến 60% diện tích Bờ Tây.

HRW cũng cáo buộc việc tiếp cận điện nước, trường học, các dịch vụ cơ bản đối với người Palestine cũng hạn chế hoặc đắt đỏ hơn so với cơ hội tiếp cận của những người Do Thái định cư ở đây.

Những cuộc đối đầu giữa người Palestine với lực lượng an ninh Israel đã quen thuộc như cơm bữa, đến nỗi đôi lúc nó là một trò chơi, hoặc một nghi thức không thể tránh khỏi, cho đến khi một viên đạn cao su hoặc đạn từ súng Ruger găm vào một cậu bé, hoặc khi những làn hơi ga bắt đầu trút xuống đầu chúng. Những hành động bạo lực từ phía người Palestine, chủ yếu là những cậu bé tuổi thiếu niên, bắt đầu diễn ra từ cuộc nổi dậy lần đầu tiên của người Palestine vào năm 1987 và đến ngày nay, những cuộc đụng độ quen thuộc đến mức báo đài không còn đưa tin về nó, cũng không ai nói về nó trong cuộc đàm phán hòa bình. Kết cục của rất nhiều đứa trẻ trong những vụ đụng độ trên đường phố ở Bờ Tây là nhà tù quân sự, và số phận của một đứa trẻ Palestine sẽ rất khác với một đứa trẻ Israel, ngay cả khi chúng bị cáo buộc cùng một tội và nhà của chúng ngay gần nhau. Tại Bờ Tây, người Palestine chịu sự kiểm soát của bộ luật quân sự Israel, trong khi những người Israel định cư tại đây được hưởng luật dân sự.

Theo luật quân sự áp dụng lên Bờ Tây, người Palestine có thể bị giam giữ 90 ngày mà không cần qua xét xử. Nếu các công tố viên cho rằng vụ án là đặc biệt nhạy cảm, thời gian giam giữ có thể lên đến vô tận.

Các số liệu cho thấy chỉ 53 thiếu niên Israel bị bắt vì ném đá trong 6 năm từ 2008-2014 và 89% trong số này được thả mà không bị truy tố. Trong cùng thời gian đó, 1.142 thiếu niên Palestine đã bị bắt và 528 người bị truy tố. Tất cả đều bị kết tội. Các luật sư cho biết mức phạt thường từ 3-8 tháng trong nhà tù quân sự. Bộ Tư pháp Israel nói rằng việc này chỉ chứng tỏ người Palestine phạm tội nhiều hơn.

Theo số liệu thống kê vào năm 2013, khoảng 4.800 người Palestine bị giữ trong các nhà tù Israel. Israel cáo buộc đây hầu hết là những kẻ khủng bố với "bàn tay dính máu" và nhiều người đã nhận tội giết người hàng loạt đối với công dân Israel. Dù vậy, theo Reuters, những vụ bắt bớ này nhằm cả vào 15 thành viên nghị viện Palestine, một cầu thủ bóng đá, một người vẽ hoạt hình chính trị, hàng trăm thiếu niên ném đá và nhiều người được Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi là những người đấu tranh vì nhân quyền và tù nhân lương tâm.

Các vụ bắt giữ đã giúp chặn đứng các nhóm vũ trang từng tấn công người Israel, bao gồm những vụ tấn công diễn ra trong "cuộc nổi dậy thứ hai" của người Palestine trong giai đoạn 2000-2005.Reuters miêu tả một buổi xét xử diễn ra trong nhà tù Israel vào năm 2013 là cảnh bị cáo, một nhà hoạt động, ngồi nghe quan tòa phán xử bằng thứ ngôn ngữ anh ta không hiểu, dưới một chính quyền quân sự chiếm đóng mà anh ta và những người đồng bào từ chối công nhận.

Trong phiên tòa diễn ra tại một căn nhà tạm ở trại giam, người phiên dịch không buồn dịch lại lời của vị thẩm phán tòa án quân sự, trong khi đó bị cáo, cao và có râu, dành phần lớn thời gian của phiên tòa để thì thầm vào tai người thân hoặc hôn gió vị hôn phu của anh ta.

Phiên tòa trên kết thúc bằng việc nhà hoạt động lại bị giải đi, một mô tuýp quen thuộc và thường xuyên làm những người Palestine tức giận. Trong khi với những cậu bé ném đá trên đường phố, cuộc đời của nhiều đứa trẻ đã đi theo công thức vào tù, được thả, bỏ học và tiếp tục những cuộc chiến trên đường phố với lực lượng an ninh Israel.

Người Palestine không chỉ sống dưới sự phân biệt đối xử của chính quyền Palestine. Báo cáo năm 2016 của HRW cáo buộc chính quyền Palestine bắt giữ các nhà hoạt động dám chỉ trích chính quyền và đối xử tệ với họ trong quá trình giam giữ.

Vì sao dời ĐSQ Mỹ tới Jerusalem khiến hòa bình bị đe dọa? Palestine cho rằng Jerusalem là trọng tâm trong giải pháp hòa giải xung đột Palestine - Israel và việc Mỹ di dời đại sứ quán nước này ở Israel về Jerusalem sẽ phá hỏng mọi thứ.

Gần hai tuần sau quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhiều nhận định đang nghiêng về ý kiến mọi chuyện là một cuộc đổi chác tay 3 giữa Mỹ với Saudi Arabia và Israel trong khi Palestine trở thành "con dê tế thần". Các lãnh đạo Arab, đứng đầu là Saudi Arabia, có vẻ đã bắt đầu xem Palestine là một gánh nặng và quyết định đổi lợi ích của người Palestine để lấy cái bắt tay của Israel nhằm đối phó với Iran.Đầu tháng 12, New York Times tiết lộ về một cuộc gặp bí mật của lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas với Mohammed bin Salman, vị thái tử quyền lực của Saudi Arabia ở thủ đô Riyadh hồi tháng 11. Theo tiết lộ của những quan chức được biết về cuộc gặp đằng sau những cánh cửa đóng kín này, thái tử Saudi Arabia đã ép lãnh đạo Palestine chấp nhận một kế hoạch hòa bình với toàn bộ Jerusalem, bao gồm Đông Jerusalem, sẽ trở thành thủ đô của Israel trong khi nhà nước Palestine sẽ được thành lập nhưng sẽ bao gồm nhiều phần đất không liền kề nhau.

Đó là một kế hoạch thiên vị cho Israel đến nỗi không người Palestine nào có thể chấp nhận. Nhà Trắng và chính quyền Saudi Arabia đều phủ nhận câu chuyện này. Tuy nhiên, theo lời tiết lộ của một quan chức Palestine, Mohammed bin Salman đã đe dọa rằng nếu ông Abbas không chấp nhận sự sắp xếp này, người Saudi có thể khiến ông phải ra đi và thế vào đó một người sẵn sàng chấp nhận "kế hoạch hòa bình" bên trên.

Trong cuộc trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Phương Mai, giảng viên Trung Đông học, tác giả cuốn Con đường Hồi giáo, cũng tin rằng quyết định của ông Trump bắt nguồn từ một thỏa thuận ngầm giữa Mỹ, Israel và Saudi Arabia, còn Palestine chỉ là "vật hy sinh".

TS Nguyễn Phương Mai cũng cho rằng rất lâu trước quyết định gây sóng gió của Tổng thống Trump, người Palestine đã là nạn nhân của sự phân chia do Liên Hợp Quốc cầm trịch. Theo bà, quyết định của Liên Hợp Quốc vào năm 1947 khá vội vàng, có phần cảm tính, không có tính toán kỹ đến lịch sử của vùng đất này.

"Vào thời điểm Liên Hợp Quốc chia Palestine, người Do Thái ở đây chủ yếu là dân di cư, lúc đó đã mua lại chừng 6% đất và có dân số khoảng 33%. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc lại chia cho 33% dân số một phần đất lớn hơn là 56%. Theo cách nhìn của người Palestine bản địa, Liên Hợp Quốc đã chia đất đai quê hương của họ, cho một nhóm người di cư có số dân nhỏ hơn một phần bánh lớn hơn. Với họ, đó là sự bất công không thể chấp nhận", TS Nguyễn Phương Mai nhận định.

Vào đầu năm nay, trong bài luận đăng trên Japan Post, sử gia, nhà nghiên cứu về xung đột ở Trung Đông, ông Ido Zelkovitz nói rằng chính quyền Palestine đã thôi sử dụng bạo lực trong người dân như một phương tiện chính trị, thay vào đó họ chuyển sang sử dụng các biện pháp ngoại giao để thay đổi hình ảnh người Palestine trong mắt phương Tây, trước đây vốn chỉ được nhớ đến bằng những cuộc biểu tình và ném đá. Dù vậy, chuyên gia này lo lắng chính quyền mới tại Mỹ sẽ là thách thức cho tham vọng này của người Palestine. Giờ thì nỗi lo lắng đó đã thành sự thật.

"Nếu lãnh đạo Palestine chấp nhận những điều khoản trên, người dân Palestine sẽ không cho họ trụ lại", New York Times dẫn lời Hassan Yousef, một lãnh đạo Hamas ở Bờ Tây và đồng thời là thành viên nghị viện Palestine. Hamas là nhóm vũ trang đang kiểm soát Dải Gaza, khu vực sinh sống của người Palestine và bị bao vây bởi lãnh thổ Israel.

Nếu câu chuyện của New York Times là thật, "kế hoạch hòa bình", "giải pháp 2 nhà nước" đang chờ đợi người Palestine lại là một kế hoạch đã hạ thấp lợi ích của họ trong mỗi ngày mỗi giờ ở mảnh đất quê hương của người Palestine, bạo lực vẫn đang bủa vây họ.

Saleh, người từng vào tù vì tội ném đá, nói rằng từ năm 12 tuổi đến nay, anh chưa từng trở lại được Jerusalem, dù thành phố chỉ cách đây 15 km. Anh mơ về nó nhưng không thể xin được giấy phép.

Awad thì ngược lại.

"Tôi không muốn đến nơi đáng ra thuộc về chúng tôi nhưng lại bị họ chiếm rồi", anh nói.

Phương Thảo - Vũ Mạnh
Đồ họa: Nhân Lê; Ảnh: AFP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/palestine-va-dem-truong-ti-nan-tren-manh-dat-que-huong-post804298.html