Palestine thúc đẩy nỗ lực ngoại giao ủng hộ cơ chế bảo trợ đàm phán với Israel

Ngày 17/2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm thuyết phục Berlin tham gia cơ chế quốc tế do ông đề xuất để bảo trợ cho các cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Abbas đã thông báo tóm tắt cho Thủ tướng Merkel về lý do Palestine bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ và giải thích sáng kiến thay thế mà ông đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để thành lập một cơ chế quốc tế đa phương. Đáp lại, bà Merkel khẳng định quan điểm nhất quán của Đức là ủng hộ tiến trình hòa bình dựa trên nguyên tắc hai nhà nước.

Trước đó, tờ Haaretz của Israel đưa tin, một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) do Luxembourg dẫn đầu có kế hoạch nhóm họp trong ngày 17/2 nhằm thúc đẩy một sáng kiến sẽ trình tại hội nghị ngoại trưởng EU để thông qua việc công nhận Nhà nước Palestine độc lập, nhằm đáp trả lại kế hoạch hòa bình của Mỹ. Các nước tham gia sáng kiến này gồm Luxembourg, Ireland, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Điển, Malta và Slovenia.

Tuy nhiên, sau hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên EU tại Brussels (Bỉ) trước đó cùng ngày, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết, EU chưa thông qua bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về tiến trình hòa bình Trung Đông… Chúng tôi đã thảo luận vắn tắt về cách thức tốt nhất để tái khởi động tiến trình chính trị có thể chấp nhận được cho cả hai bên và cách thức tốt nhất để bảo vệ các nghị quyết đã được quốc tế đồng thuận. Một số ngoại trưởng đã yêu cầu bổ sung vấn đề này và một vài nghị quyết vào chương trình nghị sự của hội nghị ngoại trưởng EU trong tháng 3 để thảo luận chi tiết… Chúng tôi sẽ thực hiện điều đó sau cuộc bầu cử tại Israel".

EU luôn kiên định lập trường giải quyết vấn đề Nhà nước Palestine thông qua đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine nhằm hướng tới giải pháp hai nhà nước. Trong EU, Thụy Điển đã công nhận Nhà nước Palestine từ năm 2014, Malta cũng đã có quan hệ ngoại giao với Palestine. Cyprus, gia nhập EU năm 2004, cũng đã công nhận Palestine từ năm 1988, nhưng không phải là một bên trong sáng kiến của một số nước EU nói trên vì có quan hệ gần gũi với Israel.

Sau khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, EU đã ra thông cáo cho biết sẽ kiểm tra và đánh giá kế hoạch của Mỹ. Trong chuyến thăm tới Jordan, ông Borrel đã tuyên bố rõ EU ủng hộ giải pháp hai nhà nước và luật pháp quốc tế, cũng như cho rằng kế hoạch này "thách thức nhiều quyết định đã được đồng thuận trên tầm quốc tế".

Trước đó, ngày 28/1 vừa qua, Tổng thống Trump công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà ông cho rằng đó là một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Đông. Bản kế hoạch này đưa ra chi tiết về cách thức mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ giải quyết những thách thức chính trị kéo dài trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine.

Theo nội dung của kế hoạch hòa bình này, nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, tùy thuộc vào những bước đi mà người Palestine sẽ thực hiện để trở thành một chính quyền tự quản. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel.

Tuy nhiên, bản kế hoạch trên đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cũng như người dân Palestine khi cho rằng thỏa thuận trên sẽ hủy hoại triển vọng của một giải pháp đàm phán.

Công Đồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/palestine-thuc-day-no-luc-ngoai-giao-ung-ho-co-che-bao-tro-dam-phan-voi-israel-20200218101837374.htm