Pakistan chọn 'động cơ đầy lỗi' RD-93, dứt khoát loại bỏ WS-13

Không quân Pakistan vẫn quyết định sử dụng động cơ RD-93 do Nga sản xuất cho những chiếc tiêm kích JF-17 của mình chứ nhất định không chịu lắp WS-13 Trung Quốc.

Máy bay tiêm kích đa năng một chỗ ngồi thế hệ 4 JF-17 Thunder (FC-1) là sản phẩm hợp tác Trung Quốc - Pakistan, nó được thiết kế như một máy bay chiến đấu có chi phí thấp mà vẫn có thể đáp ứng được các yêu cầu tác chiến hiện đại.

Mục đích khi sản xuất JF-17 của Trung Quốc chủ yếu hướng vào thị trường nước ngoài để thay thế các phiên bản nâng cấp của J-7 (bản sao của MiG-21) về cơ bản đã không còn tiềm năng xuất khẩu.

Ngoài các trang thiết bị điện tử hàng không do Trung Quốc và Pakistan sản xuất thì tồn tại lớn nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp đối với chương trình JF-17 chính là động cơ, khi nó vẫn đang phải sử dụng loại RD-93 do Nga chế tạo.

Tiêm kích hạng nhẹ JF-17 Thunder của Không quân Pakistan

Được xem như một phiên bản sửa đổi từ động cơ RD-33 - loại lắp trên tiêm kích MiG-29 của Nga, RD-93 bị đánh giá có độ tin cậy không cao, thiếu an toàn, chỉ nên lắp cho máy bay 2 động cơ như MiG-29 để đề phòng sự cố bất chợt ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, hiệu suất của động cơ RD-93 cũng không thực sự cao, nó bị phàn nàn là vẫn gây ra những luồng khói đen như MiG-29 tuy rằng mức độ mù mịt đã được giảm bớt tương đối đáng kể.

Trước tình hình trên, Trung Quốc đã nghiên cứu và phát triển động cơ WS-13 nội địa mà họ quảng cáo là tính năng kỹ chiến thuật vượt trội RD-93, trên tất cả các tiêu chí cơ bản bao gồm hiệu suất, lực đẩy cũng như tuổi thọ.

Ngoài ra tự chế tạo động cơ WS-13 còn giúp Bắc Kinh tránh phải phụ thuộc vào Moskva, nguyên nhân chính là do Nga nhiều lần đe dọa sẽ ngừng cung cấp RD-93 khi nhận thấy thị phần của MiG-29 bị đe dọa nghiêm trọng.

Động cơ RD-93 tiếp tục được Nga sản xuất để cung cấp cho tiêm kích JF-17 Thunder của Không quân Pakistan

Vậy nhưng thật ngạc nhiên khi mới đây Kênh truyền hình Moskva 24 của Nga đã phát sóng phóng sự cho biết nước này vẫn là nhà cung cấp động cơ chính cho những lô tiêm kích JF-17 đang được sản xuất cho Pakistan cũng như nhiều khách hàng khác.

Lý do chính dẫn tới tình trạng trên là do Pakistan cảm thấy e ngại khi động cơ WS-13 chưa được Trung Quốc sử dụng cho một chiếc tiêm kích nào của mình (JF-17 chỉ sản xuất dành cho xuất khẩu), họ cảm thấy không vui khi phải đóng vai trò "chuột bạch thí nghiệm".

Thực trạng trên cho thấy ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào Nga, đây cũng được xem là "có đi có lại" khi Moskva còn đang phải đặt hàng động cơ tàu thủy từ Bắc Kinh.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/pakistan-chon-dong-co-day-loi-rd-93-dut-khoat-loai-bo-ws-13-3367421/