Pakistan: Các bé gái khó tiếp cận giáo dục

Hơn 22 triệu trẻ em ở Pakistan thất học, đa số là trẻ em gái. Chính phủ Pakistan nên làm nhiều hơn nữa để cung cấp cho tất cả trẻ em cơ hội tiếp cận với GD, đặc biệt là với các bé gái - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 12/11.

Một người mẹ đưa con gái đến trường ở Islamabad

Quá nhiều rào cản

Báo cáo dày 111 trang, mang tiêu đề: “Tôi có nên nuôi con gái hay GD cho con không?”: Báo cáo nêu những rào cản đối với GD nữ sinh ở Pakistan, kết luận rằng, nhiều bé gái đơn giản không được tiếp cận GD, trong đó có nguyên nhân thiếu các trường công lập. Gần 22,5 triệu trẻ em Pakistan - ở một đất nước có dân số hơn 200 triệu - đang ở ngoài trường học, phần lớn trong số họ là nữ. Có chừng 32% các bé gái tuổi tiểu học đang đi học ở Pakistan, so với 21% các bé trai. Thế nhưng đến lớp 9, chỉ có 13% các bé gái vẫn còn đang đi học.

Liesl Gerntholtz, Giám đốc quyền phụ nữ tại HRW cho rằng, sự thất bại của chính phủ Pakistan đối với việc GD trẻ em đang có tác động tiêu cực đến hàng triệu trẻ em gái và hủy hoại tương lai của các em.

Tổ chức này đã phỏng vấn 209 người cho báo cáo - hầu hết trong số họ đại diện cho những gia đình có con gái chưa bao giờ đi học hoặc không thể hoàn thành việc học - tại tất cả bốn tỉnh của Pakistan: Balochistan, Khyber Pakhtunkhwa, Punjab và Sindh. HRW cũng đã phỏng vấn phụ huynh, các nhà GD, chuyên gia và các nhà hoạt động, cũng như đến thăm các trường học.

Trong số các yếu tố khiến các bé gái không được tiếp cận GD, HRW chỉ ra những yếu tố quan trọng nhất: Khoản đầu tư hạn chế của chính phủ vào các trường học, sự thiếu thốn về trường học, gánh nặng học phí và các chi phí liên quan, sự phân biệt đối xử ở trường học và sự thất bại trong việc thực thi GD bắt buộc…

Ngoài những yếu tố này trong hệ thống GD, trẻ em gái cũng bị cấm đi học bởi các yếu tố bên ngoài, bao gồm lao động trẻ em, phân biệt đối xử giới tính, hôn nhân trẻ em, quấy rối tình dục, bất an và bạo lực học đường.

Sự thất bại của cả hệ thống

Trong một thời gian dài, chính phủ Pakistan đã liên tục cắt giảm đầu tư vào GD, bỏ mặc những khuyến cáo của các tiêu chuẩn quốc tế. Tính đến năm 2017, Pakistan đã chi tiêu ít hơn 2,8% tổng sản phẩm quốc nội của mình cho GD, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị từ 4 - 6%, khiến cả hệ thống GD bị thiếu kinh phí hoạt động.

Ngay tại những thành phố lớn, nhiều trẻ em cũng bị cắt giảm thời gian học do nhà trường không đủ tiền. Tình hình còn tồi tệ hơn ở các vùng nông thôn. Và có nhiều trường học dành cho con trai hơn là con gái, hoặc trường cho con trai tốt và thuận lợi hơn hẳn trường dành cho con gái.

HS đang xếp hàng vào lớp tại Trường Trung học Nữ sinh công lập Behar Colony, ở vùng lân cận Lyari của Karachi, Pakistan. Những trường học công lập như thế này thường miễn học phí, nhưng các gia đình vẫn phải trả tiền cho đồng phục, đồ dùng học tập và lệ phí thi. Nhiều gia đình nghèo phải cho con nghỉ học vì các khoản phí đó.

Vợ chồng chị Aisha, dù mới ngoài 30 nhưng có tới 6 đứa con, sinh sống trong một khu vực của Peshawar, nơi trường học chính phủ gần nhất dành cho con trai, cung cấp trường mẫu giáo đến lớp 10, cách đó chưa đến năm phút đi bộ.

Trường chính phủ gần nhất dành cho nữ là 30 phút đi bộ và chỉ đi đến lớp 5. Con gái đầu của Aisha đã bỏ học sau khi hết lớp 5 vì việc học hành quá bất tiện và bố mẹ bé lo lắng cho an toàn của con khi đi học.

“Ngay cả cha mẹ không được GD đầy đủ cũng hiểu được rằng tương lai của con gái họ phụ thuộc vào việc được đến trường. Thế nhưng, chính phủ đang từ bỏ những gia đình này” - Gerntholtz nói - “Tương lai của Pakistan phụ thuộc vào việc cung cấp GD đầy đủ cho thế hệ trẻ, bao gồm cả các bé gái”.

Một “nút thắt cổ chai” luôn được đặt ra để ngăn chặn việc học của các bé gái, trong khi các trẻ em nam cũng không lấy gì làm thuận lợi. Các trường trung học cung cấp điều kiện học tập còn ít hơn so với các trường tiểu học, còn các trường CĐ thậm chí còn có ít năng lực hơn, đặc biệt là cho các em gái.

Nhiều cô gái hoàn thành cấp độ cao nhất tại một trường không thể truy cập vào một trường học mà họ có thể tiếp tục lên cấp độ tiếp theo.

Trong trường hợp không có một hệ thống đầy đủ của các trường công lập, đã có sự tăng trưởng lớn về số lượng trường tư, nhiều trường trong số đó có chi phí thấp.

Nhưng các gia đình nghèo thường không có khả năng trả học phí tại đây. Cùng với đó, sự thất bại gần như hoàn toàn của chính phủ trong việc quản lý và theo dõi các trường này, đồng nghĩa với việc chất lượng của nó cũng rất tệ hại. Chưa kể, tệ tham nhũng và quan liêu cũng khiến các trường tư này hoạt động chật vật.

Kỳ vọng vào chính phủ mới

Tuyên bố từ đảng cầm quyền của tân Thủ tướng Imran Khan (đắc cử hồi cuối tháng 8 vừa qua) hứa hẹn những cải cách lớn đối với hệ thống GD, bao gồm cả GD cho bé gái.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên thành lập, nâng cấp các trường nữ sinh, cung cấp các khoản phụ cấp cho các em gái và phụ nữ để họ tiếp tục học tập” - tuyên bố nêu rõ, đồng thời cam kết “đưa ra chương trình GD đầy tham vọng nhất trong lịch sử Pakistan, mở rộng cải cách GD tiểu học, trung học, ĐH, dạy nghề và GD đặc biệt”.

“Chính phủ thừa nhận rằng, cải cách GD là hết sức cần thiết và hứa hẹn sẽ làm cho điều này trở thành một ưu tiên, đặc biệt là đối với các bé gái - một bước đi tích cực” - Gerntholtz nhận xét - “Chúng tôi hy vọng rằng những phát hiện từ báo cáo của chúng tôi sẽ giúp chính phủ chẩn đoán các vấn đề và xác định các giải pháp sẽ cung cấp cho mỗi cô gái Pakistan một tương lai tươi sáng, thông qua GD”.

Theo An Thạnh -hrw.org

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/pakistan-cac-be-gai-kho-tiep-can-giao-duc-3963945-b.html