Pakistan bầu cử trong bạo lực

Một kẻ đánh bom liều chết tấn công bên ngoài một trạm bỏ phiếu đông đúc ở thành phố Quetta, tây nam Pakistan, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang tổ chức tổng tuyển cử với an ninh được thắt chặt tuyệt đối.

Hiện trường vụ đánh bom liều chết ở thành phố Quetta. Ảnh: AP

Vụ tấn công ở Quetta, thủ phủ của tỉnh Baluchistan, cũng làm 35 người khác bị thương, trong đó một số người đang trong tình trạng nguy kịch, khiến số người chết có thể tăng thêm.

IS là chủ mưu

Một nhân chứng đang chờ đợi để bỏ phiếu, Abdul Haleem, cho biết, anh nhìn thấy một kẻ đi xe gắn máy vào đám đông cử tri chỉ vài giây trước khi vụ nổ xảy ra. Chú của Haleem bị giết trong vụ nổ. "Một tiếng nổ điếc tai, tiếp theo là khói bụi dày đặc và rất nhiều tiếng khóc", Haleem kể.

Cảnh sát trưởng thành phố Quetta cho biết, kẻ đánh bom đã kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong người khi bị lực lượng cảnh sát chặn lại bên ngoài điểm bỏ phiếu ở khu vực phía đông thành phố. Lực lượng an ninh, đội cứu hộ và cảnh sát ngay lập tức đã có mặt tại hiện trường và đưa những người bị thương đi cấp cứu. Ngay sau vụ tấn công, chính quyền thành phố ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại tất cả các bệnh viện ở Quetta. Truyền hình địa phương phát đi hình ảnh hiện trường cho thấy cảnh sát phong tỏa toàn bộ khu vực. Tổ chức IS tuyên bố chủ mưu vụ tấn công liều chết này.

Trong khi đó, tại Khyber Pakhtunkhwa, 1 người thiệt mạng và 3 người bị thương trong cuộc giao tranh bên ngoài một trạm bỏ phiếu giữa những người ủng hộ của đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Imran Khan và đảng Awami. Ủy ban bầu cử cho biết, dịch vụ internet và điện thoại di động tại một số huyện ở Baluchistan đã bị cắt. Vài giờ trước đó, các phiến quân đã ném lựu đạn và bắn vào một đoàn tàu vận tải quân sự hộ tống các nhân viên và tài liệu bầu cử ở quận Turbatistan, Turbat, khiến 4 người thiệt mạng.

An ninh được thắt chặt

Các vụ tấn công liều chết xảy ra đúng ngày cử tri Pakistan bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra chính quyền trung ương và địa phương.

Một hoạt động an ninh lớn được triển khai sau vụ đánh bom đẫm máu nhất nhằm vào một cuộc vận động bầu cử ở tỉnh Baluchistan, miền Tây Nam Pakistan ngày 13-7 vừa qua đã làm 150 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Đây là vụ tấn công có số người thiệt mạng lớn thứ 2 trong lịch sử Pakistan. Thống kê cho thấy, hơn 180 người, trong đó có 3 ứng cử viên, đã bị sát hại và hơn 200 người bị thương trong các vụ tấn công trong suốt một tháng tranh cử tại quốc gia này.

Các quan chức quân đội cho biết, hơn 370.000 binh sĩ được triển khai để đảm bảo một cuộc bầu cử "công bằng và tự do", trong khi cảnh sát nói rằng lực lượng an ninh gồm khoảng 800.000 nhân viên được điều động bảo vệ cuộc bầu cử. Cảnh sát và nhân viên quân sự có mặt tại 85.000 điểm bỏ phiếu trong cả nước, máy bay không người lái được sử dụng để giám sát tại thành phố Peshawar, tây bắc Pakisatn. Tại các thành phố lớn như Karachi, Quetta và Peshawar, các hàng dài cử tri xếp hàng đợi bỏ phiếu.

Cuộc đua khốc liệt

Gần 106 triệu người đăng ký đi bỏ phiếu cho các thành viên của Hạ viện và 4 hội đồng tỉnh. Cuộc bầu cử lần này chỉ là lần thứ hai trong lịch sử 71 năm của Pakistan mà đất nước này đã chứng kiến sự chuyển đổi quyền lực dân chủ.

Cuộc bầu cử căng thẳng vì cáo buộc, quân đội hùng mạnh của đất nước đã bí mật ủng hộ ông Khan, bằng cách đàn áp các phương tiện truyền thông và sự tham gia bầu cử của các nhóm dân quân. Quân đội đã cai trị Pakistan trong một thời gian dài và giữ quyền kiểm soát chặt chẽ đối với chính sách quốc phòng và đối ngoại, cũng như các đế chế kinh doanh riêng. Ông Khan đã nhiều lần phủ nhận tuyên bố rằng ông được quân đội ủng hộ và lên án việc các ứng cử viên bầu cử bị quấy rối.

Với Liên minh Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Sharif vẫn chưa thể vực dậy sau khi ông bị bỏ tù, cuộc bầu cử là cơ hội thực sự cho PTI của ông Khan. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng có thể buộc ứng viên chiến thắng phải đàm phán liên minh với đảng Nhân dân Pakistan (PPP), dẫn đầu là ông Bilawal Bhutto Zardari, 29 tuổi, con trai của cựu Tổng thống Asif Ali Zardari và Thủ tướng Benazir Bhutto.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_192867_.aspx