Pacific Rim 2: Sự chiều lòng đất nước tỉ dân?

Sau năm năm công chiếu phần một, Pacific Rim phần 2 (Pacific Rim: Uprising) do Steven S. DeKnight làm đạo diễn đã ra mắt khán giả vào tháng 3 vừa qua. Nhưng có vẻ như 'sự trỗi dậy' (uprising) lần này của Pacific Rim đã không được công chúng hoan nghênh như bộ phim phần 1 ra mắt năm năm trước. Có những cơ sở cho thấy bộ phim lần này nhắm đến mục tiêu thâm nhập vào thị trường tỉ dân - Trung Quốc.

Từ lúc công chiếu, không ít khán giả nhận xét rằng có vẻ bộ phim đang “lấy lòng” Trung Quốc. Nhiều chi tiết của bộ phim đã củng cố cho nhận xét đó. Chẳng hạn, tiếng Trung xuất hiện thường xuyên trong phim, logo chim cánh cụt quấn khăn đỏ của Tencent - một tập đoàn truyền thông lớn của Trung Quốc - bay phấp phới qua một mô hình hologram (hình ảnh ba chiều), hay sự có mặt của hàng loạt diễn viên Trung Quốc, trong đó sức mạnh tài chính, công nghệ kinh người của nhân vật Shao LiWen (Cảnh Điềm đóng) giúp cứu thế giới...

Đây không phải lần đầu các yếu tố Trung Hoa được lồng vào một bộ phim Hollywood. Hẳn người hâm mộ vẫn chưa thể quên những nét Trung Hoa trong phần 1 của bộ phim bom tấn Hollywood này. Trong bốn con robot Jaeger cuối cùng của quân kháng chiến đứng ra “gánh thế giới” có một con được điều khiển bởi người Trung Quốc, một con bởi người Nga và hai con của người Mỹ. Hay việc cứ điểm của quân kháng chiến rút cục được đặt ở Hồng Kông - đặc khu kinh tế Trung Quốc - đã từng là cửa ngõ của các nguồn đầu tư chảy vào thị trường Trung Quốc. Thậm chí những dòng chữ tiếng Trung chi chít trên tường phòng nhân vật chính, cho đến cái chắp tay đầy hào hùng của robot Gipsy Danger đều gợi liên tưởng đến quốc gia này. Trung Hoa ở đó, người xem nhận diện và ghi nhớ, tuy nhiên không thấy sự nhồi nhét quá tay của đạo diễn như được thấy ở Pacific Rim 2 lần này.

Có ý kiến nhận định những yếu tố Trung Hoa sẽ ngày một nhiều hơn trong phim bom tấn Hollywood.

Lý do gì khiến những bộ phim từ kinh đô điện ảnh thế giới lại phải lấy lòng như thế trước Trung Quốc? Cuối năm 2016, đất nước đông dân nhất thế giới đã vượt mặt Mỹ về số lượng rạp chiếu. Việc Trung Quốc soán ngôi của Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh đứng đầu thế giới dường như chỉ là câu chuyện sớm chiều.

Theo The Wrap, giá trị phòng vé Bắc Mỹ dừng lại ở con số 11,1 tỉ đô la Mỹ năm 2017 (1) trong khi thị trường phương Đông mà đứng đầu là Trung Quốc không ngừng phát triển với tốc độ hai con số (13% năm 2016), đạt 8,6 tỉ đô la (2), và chưa hề có dấu hiệu dừng.

Mới đây nhất, Chiến Lang 2 (2017) - phim ăn khách nhất lịch sử Trung Quốc - đạt doanh thu nội địa lên tới 868 triệu đô la Mỹ, chiếm 99,7% doanh thu toàn cầu (3). Một con số khiến phòng vé Bắc Mỹ cũng phải kiêng dè bởi ngay cả siêu phẩm ăn khách nhất mọi thời đại là Avatar (2009) cũng chỉ đạt hơn 760 triệu đô la doanh thu nội địa (4), và chỉ duy nhất Star Wars: The Force Awakens (2015) với sự ủng hộ của cộng đồng người hâm mộ khổng lồ cùng lịch sử lâu đời mới vượt qua nổi.

Điều này khiến các hãng phim Hollywood đang quay cuồng với các phim sequel (phần tiếp theo) lại bắt đầu phải cạnh tranh khốc liệt với hình thức phim được đầu tư sản xuất đa dạng, phong phú và được làm với giá rẻ như Netflix hay Amazon Prime. Đồng thời, họ cũng nhận ra rằng còn một miếng bánh ngon lành ở bán cầu bên kia, vì thế việc hấp dẫn thị trường Trung Quốc trở thành mục tiêu của đa số phim bom tấn. Cán cân quyền lực trong thế giới điện ảnh có sự dịch chuyển gần như tất yếu.

Thực tế thì lịch sử phát hành phim Hollywood đã nhiều lần chứng kiến “cứu tinh” từ thị trường Trung Quốc. Nhiều phim bị xếp vào loại “bom xịt” ở khu vực Bắc Mỹ nhưng lại thắng lớn khi xuất khẩu sang đây. The Mummy và Transformers: The Last Knight là ví dụ điển hình cho trường hợp này.

Việc Warcraft: The Beginning (2016) hay Kong: Skull Island (2017) được đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ và được cứu trong gang tấc nhờ thị trường Trung Quốc; hoặc The Fate of furious (2017) phần 8 của series đình đám Fast & Furious mang về gần 200 triệu đô la chỉ trong ba ngày công chiếu tại xứ xở này đã cho thấy một điều rằng các phim bom tấn muốn thành công phải có được sự ủng hộ của thị trường đông dân nhất thế giới.

Việc đưa hàng loạt diễn viên Trung Quốc có danh tiếng vào phim (Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng, Cảnh Điềm, Ngô Diệc Phàm...), quay phim tại Trung Quốc, lồng ghép các yếu tố văn hóa Trung Quốc hay có poster, bản edit phim riêng cho thị trường này... là một trong những cách làm thường thấy dù chưa chắc mang lại hiệu quả như ý.

Đơn cử như Star wars: The last Jedi (2018) dù đã kéo thêm Chung Tử Đơn vẫn không thể nổi đình nổi đám ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Việc thâm nhập vào ngành phim ảnh Trung Quốc chưa bao giờ là điều đơn giản. Năm ngoái, Hollywood đã có một mùa hè thất thu khi việc lưu thông phim tại thị trường này liên tục gặp trở ngại. Nhiều phim bom tấn lúc ấy như Spider-Man: Homecoming, War for The Planet of the Apes, Valerian, Dunkirk bị trì hoãn đến qua hè. Năm 2012, ngành điện ảnh Trung - Mỹ ký kết thỏa thuận hợp tác, quy định mỗi năm Hollywood chỉ được xuất khẩu tối đa 34 phim sang Trung Quốc. Năm 2016, con số này tăng lên 38 phim, vẫn quá ít so với khoảng 250 phim Mỹ được phát hành hàng năm.

Dẫu vậy, những khó khăn này vẫn không ngăn được việc các nhà làm phim phương Tây ngưng hy vọng tìm cách kiếm lời ở bên kia bán cầu. Khán giả Việt Nam sẽ còn chứng kiến nhiều bộ phim mang tính dò dẫm tìm đường cạnh tranh với các sản phẩm nội địa Trung Quốc được bảo hộ kỹ lưỡng như Pacific Rim 2. Và cả những lời ca thán từ các khán giả Bắc Mỹ đang ngày một khó chịu với sự lấy lòng có phần thái quá của phim bom tấn Hollywood.

(1) https://www.thewrap.com/2017-box-office-review-domestic-total-hits-11-billion-for-third-straight-year/
(2) http://www.1905.com/special/s2017/moviereport/?fr=homepc_lbt_03#p2
(3) http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=wolfwarrior2.htm
(4) http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=avatar.htm

Nguyệt Lạc

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/271222/pacific-rim-2-s%E1%BB%A5-chi%C3%A8u-l%C3%B2ng-d%C3%A1t-nu%C3%B3c-t%E1%BB%89-dan.html