Oxytocin có tiềm năng chữa trị Alzheimer

Ðược sản xuất từ vùng dưới đồi ở trung tâm bộ não, oxytocin được mệnh danh là 'hoóc-môn yêu thương' vì nó giúp gắn kết tình cảm giữa người với người. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Ðại học Khoa học Tokyo (Nhật Bản) phát hiện hoóc-môn còn có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh của những người mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer) giai đoạn đầu.

Những cái ôm yêu thương của người thân giúp não tiết ra hoóc-môn oxytocin, có thể giúp ích cho bệnh nhân Alzheimer. Ảnh: Shutterstock

Những cái ôm yêu thương của người thân giúp não tiết ra hoóc-môn oxytocin, có thể giúp ích cho bệnh nhân Alzheimer. Ảnh: Shutterstock

Ðược biết, Alzheimer - dạng phổ biến nhất của bệnh mất trí nhớ - khiến người bệnh bị suy giảm khả năng ghi nhớ và nhận thức theo thời gian. Theo các chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là do tình trạng tích tụ mảng bám prôtêin độc hại beta-amyloid trong não, làm chết tế bào thần kinh và dẫn đến mất trí nhớ. Thậm chí, việc tiếp xúc với mảng bám beta-amyloid trong thời gian ngắn cũng làm tổn hại sự linh hoạt của các khớp nối thần kinh - bộ phận rất quan trọng đối với khả năng học hỏi và ghi nhớ. Ở người mắc bệnh Alzheimer, vùng hồi hải mã - nơi phụ trách hình thành các ký ức mới - đặc biệt dễ tổn thương vì tiến triển của bệnh.

Trước đó, nhiều nghiên cứu trên động vật phát hiện oxytocin có khả năng tăng cường trí nhớ xã hội và trí nhớ không gian. Vì vậy trong nghiên cứu mới, các chuyên gia Nhật muốn tìm hiểu liệu oxytocin có thể bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi các mảng bám độc hại hay không. Theo đó, họ truyền beta-amyloid vào mô não chuột nhằm làm suy yếu các khớp nối thần kinh, trước khi tiến hành truyền đồng thời beta-amyloid và oxytocin. Nhóm nghiên cứu phát hiện oxytocin đã ức chế tác hại của beta-amyloid trên các khớp nối thần kinh.

Giáo sư Akiyoshi Saitoh, tác giả chính, cho biết: “Ðây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chỉ ra rằng oxytocin có thể đảo ngược thương tổn do beta-amyloid gây ra ở vùng hồi hải mã trên chuột”. Nhóm nghiên cứu tin tưởng việc bổ sung “hoóc-môn yêu thương” có triển vọng trở thành liệu pháp chữa trị tình trạng mất trí nhớ vì Alzheimer.

Xét nghiệm máu chẩn đoán sớm Alzheimer

Trong nỗ lực nâng cao hiệu quả tầm soát sớm bệnh Alzheimer, một nhóm nghiên cứu quốc tế vừa phát triển thành công phương pháp xét nghiệm máu mới giúp phát hiện bệnh với tỷ lệ chính xác tới 96%.

Thông thường, các chuyên gia thần kinh dùng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp (PET) để kiểm tra dấu hiệu tổn thương não liên quan đến Alzheimer, song các phương pháp này không giúp phân biệt giữa Alzheimer và các dạng mất trí nhớ khác. Trong khi đó, phương pháp mới dựa trên việc xác định nồng độ của một loại prôtêin tau đặc trưng ở bệnh nhân Alzheimer, gọi là p-tau217.

Thử nghiệm phương pháp chẩn đoán mới trên 1.400 tình nguyện viên từ 36-84 tuổi tại Thụy Ðiển, Colombia và Mỹ, các chuyên gia ghi nhận so với nhóm khỏe mạnh và nhóm bị các dạng mất trí nhớ khác, nhóm bị Alzheimer có nồng độ p-tau217 cao gấp 7 lần. Theo nhóm chuyên gia, xét nghiệm máu mới hứa hẹn mang đến một phương pháp chẩn đoán Alzheimer hiệu quả, dễ thực hiện, tiết kiệm và ít xâm lấn hơn so với các phương pháp hiện tại.

HƯƠNG THẢO (Theo MedicalNewsToday, UPI)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/oxytocin-co-tiem-nang-chua-tri-alzheimer-a123882.html