Ôtô lắp ráp tại Việt Nam có đáng bị chê bai như trước?

Các thương hiệu lắp ráp ôtô tại Việt Nam đang nỗ lực giúp xe lắp ráp có chất lượng tốt hơn nhờ vào robot và tự động hóa. Mọi quy trình đều do hãng mẹ kiểm soát chặt chẽ.

Ôtô là thị trường tiềm năng tại Việt Nam với dân số 90 triệu dân, trong khi doanh số trung bình mỗi năm đạt hơn 300.000 chiếc, tỷ lệ người sở hữu ôtô của người Việt mới chỉ chạm mức 33 xe/1.000 dân, theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố năm 2017.

Lắp ráp là cách các hãng xe tận dụng chính sách, mở rộng thị phần ở Việt Nam như Toyota, Honda, Ford, Mitsubishi... Thaco và Hyundai Thành Công quyết tâm hơn, đẩy mạnh lắp ráp, dồn sức trở thành công xưởng sản xuất Mazda và Hyundai, xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

 Xe lắp ráp trong nước đang cải thiện mạnh mẽ về chất lượng.

Xe lắp ráp trong nước đang cải thiện mạnh mẽ về chất lượng.

Thực tế, xe lắp ráp đến nay vẫn khiến người dùng hoài nghi về chất lượng nếu so với xe nhập khẩu. Cảm quan về xe nhập khẩu của người dùng thường là cách âm tốt hơn, vỏ dày hơn, nước sơn và cảm giác lái tốt hơn xe lắp ráp trong nước. Sự khác biệt được lý giải là tay nghề của thợ lắp ráp còn hạn chế, tiêu chuẩn an toàn thấp hay cơ sở vật chất nhà máy vẫn còn thô sơ.

Các loại hình lắp ráp ở Việt Nam

Năm 2003, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy định phân loại sản xuất, lắp ráp ôtô. Theo đó, sản xuất, lắp ráp ôtô ở Việt Nam có 2 dạng là CKD và IKD.

CKD - Completely Knocked Down được quy định rõ ràng. Thân ôtô rời từng mảnh, chưa hàn, tán, chưa sơn tĩnh điện. Phần khung đã liên kết với nhau và chưa sơn tĩnh điện. Động cơ hoàn chỉnh và có thể lắp liền với bộ ly hợp và hộp số. Hệ truyền động đã hoặc chưa lắp cùng hệ thống phanh. Hệ thống dây điện, bảng điện, đèn và tiện nghi trong ôtô để rời.

Sau khi nhập khẩu những bộ phận đó, nhà máy ở Việt Nam sẽ hàn, sơn, lắp ráp các linh kiện, bộ phận lại với nhau, kiểm định và cuối cùng là chạy thử.

Hyundai Accent là mẫu xe lắp ráp dạng IKD, tỷ lệ nội địa hóa 12%. Ảnh: HTC.

IKD - Incompletely Knocked Down là loại hình lắp ráp ôtô có mức độ rời rạc linh kiện giống như loại hình lắp ráp CKD nhưng có một phần linh kiện nội địa hóa.

IKD là loại hình lắp ráp phổ biến tại Việt Nam, vì nếu cứ lắp ráp theo dạng CKD thì ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô không thể phát triển, mãi nhập khẩu linh kiện sản xuất ở nước ngoài về nước lắp ráp. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ôtô ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, trung bình khoảng 18%, chủ yếu là các linh kiện dễ sản xuất.

Ví dụ như mẫu xe Hyundai Accent vừa ra mắt có tỷ lệ nội địa hóa 12%, các linh kiện sản xuất trong nước chỉ bao gồm còi, đèn, lốp, ắc quy, gạt mưa, thảm trải sàn và một phần liên quan đến hệ thống dây điện…

Hầu hết bộ phận quan trọng của xe lắp ráp trong nước đều nhập khẩu. Chỉ riêng Innova có tỷ lệ nội địa hóa 37% do Toyota Việt Nam có thể làm phần thân vỏ. Còn đối với Mazda CX-5, các bộ phận quan trọng đều nhập khẩu từ nước ngoài.

Để được chấp nhận sử dụng, tất cả linh kiện sản xuất trong nước đều có bản quyền và kiểm tra theo tiêu chuẩn theo yêu cầu của hãng xe. Chưa kể đa phần linh kiện sản xuất trong nước là doanh nghiệp đối tác của hãng mẹ đặt chi nhánh tại Việt Nam.

Trong buổi họp báo ra mắt Hyundai Accent, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc của Hyundai Thành Công cho biết: "Rất nhiều nhà sản xuất phụ trợ OEM trong mạng lưới của Hyundai toàn cầu đã sang Việt Nam nghiên cứu và đầu tư. Hiện có khoảng 20 doanh nghiệp tiến hành đầu tư và xây dựng nhà máy, đang trong quá trình hoàn thiện".

Chất lượng xe lắp ráp sắp được nâng lên?

Cuối tháng 3 vừa qua, Thaco chính thức khánh thành nhà máy Mazda hiện đại ở Quảng Nam. Phía Hyundai Thành Công chuẩn bị xây thêm nhà máy mới, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, "để đảm bảo chất lượng hướng tới xuất khẩu" như cách ông Lê Ngọc Đức nói.

Chất lượng xe lắp ráp tại Việt Nam vì thế được hứa hẹn nâng cao hơn so với trước đây. Đầu tháng 4, ông Phan Trung, Giám đốc nhà máy Thaco Mazda, đã có những lý giải cụ thể về vấn đề này.

"Xe lắp ráp ở Việt Nam hay bị phàn nàn về độ ồn gầm là do có một số khe hở rất nhỏ mà trước đây con người không thể đưa tay tới được để bắn keo", anh Phan Trung cho biết. Cách giải quyết của Thaco là sử dụng robot bắn keo chống ồn và keo làm kín.

Một điểm khác ảnh hưởng đến độ ồn là hệ thống bắn keo dán kính. Thực tế, công nhân bắn keo bằng tay không thể chính xác lúc bấm cò, lượng keo sẽ ra nhiều hoặc ít, và chỉ cần một lỗi nhỏ như vậy cũng khiến kính bị xô lệch, ảnh hưởng đến tính khí động học, tạo ra tiếng ồn. "Đó là lý do vì sao chúng tôi sử dụng robot", anh Trung nói.

Tự động hóa giúp nâng cao chất lượng xe lắp ráp, vươn tới tham vọng xuất khẩu.

Chất lượng xe lắp ráp cũng cải thiện ở các công đoạn hàn. Các mối hàn trước đây do công nhân điều chỉnh bằng tay thì giờ ở nhà máy Thaco Mazda tự động hoàn toàn, robot tự động xác định điểm hàn lập trình sẵn sau khi có hệ thống khác định hình được kiểu dáng body.

Đối với dây chuyền sơn tĩnh điện bên trong nhà máy, anh Trung khẳng định đây là công nghệ sơn tĩnh điện mới nhất trong khu vực Đông Nam Á, và hiện vẫn sử dụng ở một số nhà máy trong khu vực châu Á.

Trong khi đó, hệ thống sơn màu sử dụng công nghệ wet on wet, hiện cũng sử dụng trên các mẫu xe sản xuất tại châu Âu. Công nghệ này không còn các công đoạn rườm rà như trước. Bề mặt sơn căng và có độ bóng, không xuất hiện lỗi da cam (bề mặt sần sùi như vỏ quả cam).

Từ xưởng hàn, xưởng sơn trước khi đến xưởng lắp ráp bên trong nhà máy Thaco Mazda hoàn toàn không có sự can thiệp của con người, toàn bộ thân xe đều trải qua các quy trình giống nhau, đảm bảo chất lượng đúng với thiết kế ban đầu. Mazda Nhật Bản còn đặt ra tiêu chí về hệ thống siết lực, nhà máy có thể siết bu-lông theo lực chuẩn của Mazda.

Toàn bộ xe lắp ráp tại Việt Nam trước khi đi vào sản xuất đều phải gửi xe sang hãng mẹ, nhằm kiểm tra và đánh giá bởi các chuyên gia. Ví dụ như Mitsubishi Việt Nam trước khi sản xuất, lắp ráp Outlander cũng phải đưa về hãng mẹ 5 chiếc để kiểm tra, thậm chí cắt nhỏ các mối hàn ở khung, hay nắp capo để đánh giá nước sơn có đúng với tiêu chuẩn.

Thậm chí đối với nhà máy Thaco Mazda, Mazda Nhật Bản kiểm soát bằng hệ thống EOL (End Of Line). Hệ thống này tự động gửi thông tin 2 giờ mỗi lần nhằm xác nhận tình trạng chất lượng xe xuất xưởng giống xe sản xuất tại nhà máy Mazda Nhật Bản.

Trong một lần trả lời báo chí, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco khẳng định khi xuất khẩu ôtô sang khu vực ASEAN, dĩ nhiên chúng ta phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn và chất lượng của khu vực ASEAN.

Việc áp dụng tự động hóa nói chung và robot nói riêng không phải mới mẻ, nhất là trong ngành công nghiệp ôtô. Động thái mới của các ông lớn như Thaco, Hyundai Thành Công chỉ hứa hẹn cải thiện chất lượng xe lắp ráp vốn đã dính thành kiến bấy lâu, và chưa có ngay kết quả rõ ràng. Để nói xe lắp ráp trong nước đã tiệm cận được với chất lượng xe nhập, hay đủ xuất khẩu hay chưa, câu trả lời còn phụ thuộc vào thời gian.

Thế Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/oto-lap-rap-tai-viet-nam-co-dang-bi-che-bai-nhu-truoc-post838553.html