Ôtô điện made in Cambodia chưa thể lăn bánh

Sau 5 năm ra mắt hoành tráng, vẫn chưa có chiếc Angkor EV nào lăn bánh trên đường phố Campuchia do gặp nhiều trục trặc trong quá trình sản xuất.

Chiếc ô tô điện Angkor EV "made in Cambodia" do nhà sáng chế Nhean Phaloek tự mày mò thiết kế, mua phụ tùng và chế tạo.

Với mong muốn đưa chiếc xe tới mọi người dân trong nước, Phaloek tuyên bố sẵn sàng bán công nghệ chế tạo xe cho bất cứ công ty nào, miễn là phải xây dựng nhà máy sản xuất tại Campuchia.

Heng Development Company - một công ty của Campuchia đã quyết định đầu tư hợp tác và cho ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên, chiếc xe điện Angkor EV 2013.

Với thiết kế nhỏ gọn, có 2 chỗ ngồi, cánh cửa mở dạng cắt kéo, chiếc xe điện Angkor EV 2013 có khả năng đi được 300 km chỉ trong một lần sạc. Công ty Heng Development Company tuyên bố giá của chiếc xe sẽ không vượt quá 10 nghìn USD.

Vào thời điểm ra mắt, chiếc Angkor EV 2013 đã tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế cũng như các nước ASEAN.

Chiếc Angkor EV 2013 từng được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho ngành sản xuất xe hơi của Campuchia. Ảnh: zeraauto

Tuy nhiên, sau màn ra mắt hoành tráng tại thủ đô Phnom Penh, đã qua 5 năm mà vẫn chưa có chiếc Angkor EV nào lăn bánh trên đường. Có nhiều trục trặc lớn trong quá trình sản xuất khiến chiếc xe vẫn chưa tới được tay người dân.

Ban đầu, nhà sản xuất Heng Development Company, Campuchia đã công bố một thỏa thuận trị giá 20 triệu USD của Chau Leong Enterprise Group, một công ty có trụ sở tại Hong Kong về việc giúp sản xuất các thiết bị lắp ráp dành cho xe Angkor EV. Nhưng sau khi tới Hong Kong, bà Seang Chan - giám đốc của Heng Development Company rất thất vọng vì công ty Hong Kong không có một nhà máy nào.

Không nhận được sự giúp đỡ từ đối tác Hong Kong, Heng Development Company phải tự đặt hàng các linh kiện lắp ráp từ Đức và Trung Quốc. Cuối cùng, dự án vẫn bị đình trệ do thiếu nguồn vốn tài trợ.

Bên cạnh đó, giám đốc Heng Development Company liên tục vướng vào các kiện cáo liên quan tới việc tranh chấp đất đai trên khắp Campuchia. Hiện tại nữ doanh nhân này còn bị hủy thị thực tại Mỹ vì một rắc rối pháp lý nghiêm trọng.

Không chỉ gặp khó khăn về tài chính, chiếc Angkor EV còn gặp phải nhiều lỗi cơ khí trong quá trình sản xuất.

Chia sẻ về điều này, nhà sáng chế Nhean Phaloek phát biểu: "Ngay cả các công ty lớn như Toyota và Honda còn gặp phải các lỗi sản xuất và phải mở các đợt triệu hồi xe, chúng ta chỉ mới bắt đầu nên gặp khó khăn là điều đương nhiên. Đừng quan tâm về điều đó mà hãy chú tâm vào công việc".

Tại Việt Nam, ông Trần Minh Tâm (huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng ôm giấc mơ tạo ra chiếc ô tô điện "made in Vietnam" giá rẻ cho người Việt sử dụng. Chiếc ô tô điện mang tên CITY 18 của ông Tâm đã được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 14 về ô tô, xe máy, xe đạp điện và công nghiệp phụ trợ (Saigon Autotech & Accessories 2018) hồi tháng 5/2018, thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan triển lãm với thiết kế nhỏ gọn, có 4 chỗ ngồi với chiều dài 3m, cao 1,6m và rộng 1,4m.

Xe có vận tốc tối đa 50km/h và khi sạc đầy có thể chạy được 160km mới phải sạc lại. Trên xe có cả máy lạnh và hệ thống karaoke kết nối với điện thoại qua mạng bluetooth.

Đặc biệt, hai cửa xe CITY 18 không mở ra hai bên như ô tô thông thường mà được thiết kế dạng cánh gấp, khi mở được nâng thẳng lên trên giống hình ảnh đại bàng tung cánh nhờ hệ thống thủy lực.

Ông Tâm đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp và mong muốn kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn hợp tác nhưng không đi đến đâu của các nhà đầu tư, hiện ông Tâm đã tạm dừng việc viết tiếp giấc mơ chế tạo ô tô điện "made in Vietnam" để lo việc mưu sinh.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/oto-dien-made-in-cambodia-chua-the-lan-banh-3369936/