Origami – Nghệ thuật gấp giấy độc đáo ở xứ sở Hoa Anh Đào

Origami là nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản bắt đầu xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ 1, thứ 2 ở Trung Hoa. Đến thế kỉ thứ 6, môn nghệ thuật này được phổ biến tại Nhật và dần trở thành một nét độc đáo của xứ Hoa Anh Đào.

Nghệ thuật gấp giấy độc đáo ở xứ sở Hoa Anh Đào.

Nghệ thuật gấp giấy độc đáo ở xứ sở Hoa Anh Đào.

Origami là một môn giải trí mang tính trí tuệ của người Nhật

Origami được người Nhật sáng tạo và cải biến từ các loại chất liệu giấy, biến nó thành một môn nghệ thuật độc đáo. Vào triều đại Muromachi 1392 -1573 những sản phẩm của nghệ thuật gấp xếp giấy đã được dùng để phục vụ lễ nghi.

Vì nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm là giấy, nên người Nhật đã áp dụng và biến đổi nhiều phương pháp chế tạo cũng như nguyên liệu chế tạo giấy. Người Nhật tự hào về công nghệ sản xuất giấy có chất lượng cao, với họa văn họa tiết trang nhã, gấp mở nhiều lần không rách, mềm, bền và đẹp…

Đây là loại giấy mà với người Nhật nó gắn liền với văn hóa của họ, là loại giấy đặc trưng có một không hai trên thế giới mà được nhiều người biết tới với cái tên Washi. Và cũng từ đây nghệ thuật xếp giấy Origami của người Nhật Bản chính thức được nâng lên xứng tầm là một loại hình nghệ thuật gắn liền với văn hóa truyền thống của người Nhật Bản.

Cố nghệ nhân Akira Yoshizawa (1911-2005).

Origami là sự kết hợp các phương thức gấp giấy đơn giản để tạo ra các hình 3 chiều phức tạp từ những miếng giấy hình vuông hay hình chữ nhật thông thường, mà không cần tới cắt dán. Tuy nhiên nguyên tắc không cắt dán và chỉ sử dụng hình vuông và hình chữ nhật này chỉ mới bắt đầu từ origami hiện đại. Vào thời kỳ Edo (1603-1867), các nguyên tắc trong origami cho phép sử dụng các hình trong, tam giác,… và cả cắt dán trong quá trình gấp.

Nghệ thuật gấp giấy Origami được chào đón nồng nhiệt và lan rộng ra toàn thế giới. Ban đầu nó được coi như trò chơi giải trí. Chỉ sử dụng những vật liệu đơn giản, mà người ta có thể sáng tạo và tưởng tượng ra những hình thù hay những hình ảnh con vật đẹp mắt.

Hơn nữa có thể biểu hiện được nhiều cảm xúc trên khuôn mặt đó cũng như đặc điểm các loài động thực vật. Các loại mặt nạ khác nhau chính là những nét tinh túy trong kho tàng nghệ thuật gấp giấy đặc sắc của Nhật bản. Trò chơi này kích thích khả năng sáng tạo nên nó rất hấp dẫn và là một môn được ưa thích của các tầng lớp dân chúng.

Sau này người ta phát hiện ra rằng, Origami không chỉ là một trò chơi tiêu khiển giải trí hay làm đồ trang trí thông thường. Mà nó là một loại hình nghệ thuật. Từ đó để kích thích sự sáng tạo và phóng tác của các nghệ sĩ người ta coi trọng những sản phẩm và bắt đầu biết thưởng thức hơn.

Gấp giấy chú cá Meno tuyệt mỹ của Nhật Bản.

Tại sao Origami lại cần tới trí tuệ? Bởi để tạo được một tác phẩm giấy đẹp mắt, đòi hỏi người ta phải có tinh thần tập trung cao độ, sự tỉ mỉ và chính xác tới từng nếp gấp, từng chi tiết xếp ghép. Mặt khác trí tưởng tưởng và kiến thức tạo hình khối, cũng như kiến thức về hình học không gian. Khả năng tuy duy hình ảnh trừu tượng hay không gian 3 chiều… Một tác phẩm càng khó thì càng kỳ công. Đây cũng là một thước đo để đánh giá về tinh thần kiên nhẫn và tính thẩm mĩ của người thực hiện.

Người được coi là sư tổ của nghệ thuật xếp giấy hiện đại là Akira Yoshizawa (1911-2005, Nhật). Những sáng tác của ông được thế giới biết đến vào khoảng 1950 là những sáng tác bắt đầu tách rời khỏi các mẫu và nguyên tắc xếp giấy cổ truyền.

Cùng với Samuel Randlett (Mỹ) Yoshizawa đã phát minh ra hệ thống ký hiệu để vẽ các sơ đồ chỉ dẫn trong sách dạy xếy giấy, trở thành ký hiệu quốc tế trong các sách Origami cho đến ngày nay. Yoshizawa được cả thế giới coi như đại sư phụ của nghệ thuật xếp giấy với hơn 50.000 tác phẩm và vô số các cuộc triển lãm trên toàn thế giới.

Một môn giáo dục con người và giúp cân bằng tâm lý

Trước tiên người ta nhận thấy được rằng, tính kiên nhẫn của một con người là sự rèn giũa ngay từ khi còn nhỏ. Và họ nhận định, một con người thiếu kiên nhẫn từ việc nhỏ thì sẽ không làm được việc lớn. Do đó ngay từ trong giáo dục mẫu giáo, đứa trẻ đã được ngồi học tỉ mỉ từng chút một để gấp được giấy. Hơn nữa nó kích thích khả năng sáng tạo và tư duy, nên việc lồng môn nghệ thuật này vào trường học được Nhật Bản lựa chọn.

Mặt khác, Origami là một môn nghệ thuật nhẹ nhàng, có tác dụng làm êm dịu thần kinh, cân bằng lại trí não, chữa bệnh mất ngủ và giảm thiểu căng thẳng do áp lực từ cuộc sống. Vì vậy, nhiều bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu đã dùng origami như một liệu pháp bổ ích vật lý và tinh thần. Bác sĩ Ronald S. Levy, tại Hội Thảo Quốc Tế lần thứ nhì về origami đối với giáo dục và trị liệu, đã kêu gọi dùng origami để phục hồi chức năng và trị liệu về tay.

Trong y học cổ truyển Trung Quốc cho rằng, 10 đầu ngón tay là những đầu mối của những dây thần kinh tập trung trên não. Việc hoạt động thường xuyên các ngón tay chính là làm tăng khả năng làm việc của trí não, kích thích việc ghi nhớ chống lãng quên ở người già. Chính vì vậy ngay từ thời sơ khai của nghệ thuật gấp giấy ở Trung Hoa, người ta đã khuyến khích sử dụng loại hình nghệ thuật này.

Nên khi nó được lan truyền sang Nhật Bản, thì người Nhật lại thấy được sự tích cực của nó trong việc duy trì và phát triển trí não sáng suốt minh mẫn qua hoạt động đôi tay. Nên đã biến nó từ một môn mang tính giải trí trở thành một môn nghệ thuật rồi nâng tầm lên thành tính giáo dục.

Nghệ thuật Origami giúp con người phát triển tư duy hình học. Có rất nhiều cao thủ Origami sáng tác được những tác phẩm có độ khó và mang theo hình mẫu phức tạp. Họ có phương châm: “Bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được.”

Vào thời Minh Trị (Meiji), Origami được đưa vào các trường mẫu giáo thành một môn học dưới ảnh hưởng về phương pháp giáo dục của nhà giáo dục học người Đức Frebel (1782-1852). Các phương pháp xếp giấy của châu Âu cùng sự phát triển theo nhiều hướng khác nhau đã khiên cho nghệ thuật xếp giấy ngày càng phong phú.

Chỉ ở thời Meiji đã có rất nhiều những tác giả vô danh tạo ra nhiều mẫu hình mới. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng chỉ gấp theo những mẫu có sẵn không không mang tính sáng tạo nên vào thời Đại chính(Taisho) khi giáo dục đưọc đưa theo hướng sáng tạo thì Origami bị bỏ rơi.

Tuy nhiên lật lại bề dày lịch sử của Origami, cùng với hiện tại,với không ít những tác phẩm mới, tính chất giáo dục của Origami cũng đã được xem xét lại và được công nhận về khả năng phát triển một cách đa dạng. Và ngày nay origami đang mở rộng tầm ảnh hưởng ra tầm thế giới, không chỉ giới hạn là một thú vui mà còn được nghiên cứu phục vụ cho các mục đích khoa học khác bởi nhiều tổ chức và cá nhân.

Có thể nói Origami cũng như nhiều từ tiếng Nhật khác như Sake, Shushi, Kimono… đã được quốc tế hóa để khi nhắc đến ai cũng hiểu đó là một đặc trưng của văn hóa Nhật. Và dù bây giờ nghệ thuật xếp giấy đã phát triển vượt biên giới, mang lại niềm say mê cho biết bao nhiêu người trên toàn thế giới, nhưng người ta vẫn trân trọng gọi nó bằng cái tên giản dị Origami như một sự tưởng nhớ đến cái nôi cho một sự hình thành và phát triển một môn nghệ thuật độc đáo.

Thành Trung

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/origami-nghe-thuat-gap-giay-doc-dao-o-xu-so-hoa-anh-dao-d132404.html