'Origami hình học không gian'

Chiều ngày 16-12, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (số 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã tổ chức triển lãm các tác phẩm 'Origami Hình học không gian'. GS Mitani Jun đã giới thiệu phương pháp gấp giấy độc đáo sử dụng phần mềm máy tính của ông.

Một tác phẩm Origami của Nguyễn Hùng Cường (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Origami Việt Nam).

Một tác phẩm Origami của Nguyễn Hùng Cường (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Origami Việt Nam).

NDĐT - Chiều ngày 16-12, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (số 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã tổ chức triển lãm các tác phẩm “Origami Hình học không gian”. GS Mitani Jun đã giới thiệu phương pháp gấp giấy độc đáo sử dụng phần mềm máy tính của ông.

Trong tiếng Nhật, chữ Origami được tạo nên từ hai chữ: Oru là gấp hay xếp, Kami là giấy. Tên Origami được dùng từ năm 1880, trước đó, người Nhật dùng chữ orikata. Cũng có ý kiến cho rằng, nghệ thuật xếp giấy đã có từ khoảng thế kỷ thứ 1 hay thứ 2 ở Trung Hoa, sau đó mới lan sang Nhật vào thế kỷ thứ 6 và trở thành một hình thức nghệ thuật, một phần văn hóa truyền thống của xứ sở mặt trời mọc. Nhưng từ lâu, những người yêu thích Origami đã coi Nhật Bản là quê hương của loại hình nghệ thuật độc đáo này và đến nay, Origami đã trở thành môn nghệ thuật mang tính toàn cầu. Từ “Origami” đã được quốc tế hóa để gọi tên nghệ thuật gấp giấy.

Môn nghệ thuật “gấp nên những khát vọng”

Origami kích thích trí tưởng tượng, óc quan sát và tư duy về không gian, phát huy trí sáng tạo của người chơi trên những cảm xúc về hình khối và màu sắc. Tác phẩm Origami là những mẫu gấp từ đơn giản đến phức tạp như hình các con vật, đồ dùng, hoa lá, cỏ cây, hình người và cả những gì chỉ có trong tưởng tượng. Không cắt dán trong quá trình gấp, các tác phẩm Origami được tạo nên chỉ từ những tờ giấy đơn giản, gần gũi. Thông qua những thao tác gấp giấy, Origami rèn luyện cho con người sự tỉ mỉ, khéo léo, tính cẩn thận và kiên trì, giúp người chơi tìm thấy sự thanh thản và cân bằng trong tâm hồn. Y học đã chứng minh trong nhiều trường hợp, Origami có tác dụng làm dịu thần kinh, chữa bệnh mất ngủ và chống stress. Nhiều nơi trên thế giới đã dùng Origami để phục hồi chức năng và trị liệu về tay.

Từ Origami, người ta không những rèn luyện được nhiều kỹ năng sống mà qua đó, họ còn có thể gửi gắm cho nhau sự yêu thương, tin tưởng và mơ ước, dành tặng cho nhau những món quà giản dị từ cuộc sống nhưng ấp ủ nhiều thông điệp tình cảm lãng mạn. Chàng thanh niên Nhật Bản Akira Yoshizawa nhờ sự khéo léo và quyết tâm đã gấp giấy để mưu sinh và sau này trở thành sư tổ của Origami hiện đại để lại một câu chuyện cảm động. Ước mơ của em bé Sadako Sasachi gấp được một ngàn con hạc giấy để khỏi bệnh bạch cầu do ảnh hưởng của quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945 đã làm rung động bao người có trái tim yêu thương trên toàn thế giới. Những con hạc giấy do em gấp đã trở thành một biểu tượng của hòa bình.

Sự sáng tạo không có biên giới

“Mọi người đều có thể tự mình tạo ra những sản phẩm khác nhau bằng tất cả khả năng và tâm hồn của mình” - với thông điệp như vậy, Origami được coi là môn nghệ thuật của số đông, có khả năng kết nối không phụ thuộc vào ngôn ngữ giao tiếp. Origami giúp mọi người, đặc biệt là trẻ em biết yêu và sống hòa mình với thiên nhiên. Các đề tài của Origami khá phong phú, song hình thù các con vật ngộ nghĩnh, cây cỏ, hoa lá... được trẻ em yêu thích hơn cả.

Tác phẩm Origami đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa riêng biệt của nơi nó được sinh ra và từng nơi mà nó đến. Người Nhật coi hạc giấy như điềm tốt lành trong cuộc sống. Người Trung Quốc, thường ưa thích các mẫu gấp được lấy cảm hứng từ thần thoại, những vị thần, những con vật trong tứ linh: long, ly, quy, phượng. Tác phẩm người châu Âu là những hình vị thần đầy sức mạnh cơ bắp và quyền lực, với đặc trưng là mặt nạ, đường nét cong, xoắn. Còn ở Việt Nam, các mẫu gấp giấy lại là những hình tượng bình dị, những con vật gắn bó với cuộc sống người cư dân nông nghiệp như con trâu, con gà, hoa lá, cỏ cây.... Các mẫu Origami hiện đại đã có thay đổi nhiều so với Origami truyền thống. Không nhất thiết là một tờ giấy, tác phẩm Origami hiện đại có thể được tạo thành từ một tấm lá kim loại mỏng hoặc có thể được gấp khi còn ướt (gấp ướt).

Origami đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu. Từ năm 2004, những bạn trẻ yêu thích Origami ở Việt Nam đã thành lập các diễn đàn trên internet để chia sẻ với nhau tâm sự và tài liệu về môn nghệ thuật này và họ đã thực hiện ý tưởng thành lập Hội những người yêu thích Origami Việt Nam (VOG). Những thành viên của Origami Việt Nam như Nguyễn Hùng Cường, Hoàng Trung Thành, Đinh Trường Giang, Nguyễn Võ Hiến Chương... đang tìm tòi sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm Origami mang phong cách Việt Nam.

Tiếp cận nghệ thuật cổ truyền bằng phần mềm hiện đại

GS Mittani Jun (Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Tsukuba) đã tạo nên một phương pháp mới - “Origami hình học không gian” với không gian ba chiều và các mặt cong. Người gấp sẽ dùng phần mềm máy tính để thiết kể hình dáng hoàn chỉnh và quy trình gấp của mình thay cho cách gấp theo phương pháp cổ truyền. Phương pháp mới không dễ và đòi hỏi người “chơi” phải có một trình độ nhất định về hình học không gian và lập trình máy tính nhưng khi thành công sẽ cho ra đời những hình khối ba chiều kỳ ảo.

GS Mitani cùng các cộng sự đã ứng dụng phương pháp mới của mình để tạo ra những tác phẩm Origami quy mô lớn tại những không gian công cộng, ứng dụng trong các sản phẩm thời trang, các sản phẩm lưu niệm... Ông cũng sáng tạo Origami trên những chất liệu mới và là tác giả hai cuốn sách “Nghệ thuật Origami 3D” và “Thiết kế Origami uốn lượn”. Ông đã được Đại sứ quán Nhật Bản chọn là “Đại sứ văn hóa” để giới thiệu phương pháp origami của mình tới các quốc gia khác. Việt Nam là điểm đến thứ 7 trong hành trình của ông. Triển lãm “Origami Hình học không gian” kéo dài từ ngày 16 đến hết ngày 20-12 tại Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản. Ngày 21-12, GS Mitani sẽ có buổi tọa đàm giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam yêu thích môn nghệ thuật này.

NGỮ THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/42610202-%E2%80%9Corigami-hinh-hoc-khong-gian%E2%80%9D.html