Oppo Reno4 Pro - bản sao Find X2, giá tầm trung

Đầu năm, Oppo ra mắt Find X2 và đặt viên đá tảng cho những khái niệm về 'chất Oppo'. Khi khách hàng chờ đợi một sản phẩm tinh giản và vừa tầm hơn, họ trả lời với Reno series mới.

Đầu năm, Oppo ra mắt Find X2 và đặt một viên đá tảng cho những khái niệm về “chất Oppo”. Khi khách hàng chờ đợi một sản phẩm Oppo tinh giản và vừa tầm hơn, họ trả lời với Reno Series mới.

Sau thời thoái trào của xu hướng mỏng nhẹ, điện thoại ngày càng to và nặng hơn. Dường như đây là một điều khó chấp nhận với Oppo và đó là lý do họ có Reno4 Pro.

Kế nhiệm con đường của Reno3 series, Oppo đã mạnh tay cắt giảm khối lượng chiếc smartphone của mình, mặt khác kiểm soát độ dày của nó. Trong một thị trường mà các sản phẩm to, nặng đang dần thành chuẩn, lợi thế về ngoại hình của Reno4 Pro ngày càng rõ nét.

Reno4 Pro chỉ dày 7,7 mm, con số cho phép nó đứng đầu về độ mỏng nhẹ trong thị trường. Reno4 Pro gợi nhớ tôi về một cảm giác quen thuộc, cảm giác cầm một chiếc điện thoại mà không căng cơ cổ tay, điều gần như đã biến mất vài năm về trước. Với cân nặng chỉ 161g, bạn không mỏi kể cả khi dùng một tay trong thời gian dài.

Cảm giác cầm tay cũng là thứ đầu tiên gây ấn tượng cho tôi về mặt lưng điện thoại. Lần đầu tôi nhìn nó là bằng lòng bàn tay. Nó không lạnh lẽo như kính/kim loại, cũng không dính tay hay khô cứng như với mặt lưng nhựa cứng. Lớp phủ matte cộng với các “hạt” li ti bám tay tốt, cho cảm giác gần với chất liệu fiber và cũng đỡ lo lắng về trầy xước khi đặt điện thoại xuống bàn.

Ngoài sướng tay, mặt lưng này cũng được xử lý theo một quy trình đặc biệt, cho độ phản chiếu ánh sáng “ánh kim” như mặt lưng nhôm matte cao cấp. Nó không thể tạo sự cao cấp như các thiết bị flagship, nhưng rõ ràng đã tiêu biến hoàn toàn cảm giác rẻ tiền khi nhìn vào. Và không bám vân tay, một điểm cộng lớn.

Nói về camera sau, Reno4 Pro vẫn trung thành với phong cách cổ điển của Reno Series. Thiết kế “ma trận” ở góc trái với 4 camera xếp dọc. Toàn bộ module dùng chất liệu nhựa giả kính, tiệp màu hoàn toàn với mặt lưng. Ở các phiên bản màu sắc khác, tôi gần như không nhận ra một sự sai khác nào của màu sắc ở các mối chuyển tiếp từ vỏ sang camera.

Màn hình Reno4 Pro có kích thước 6,55 inch Full HD+. Khi đọc thông tin về con số này, tôi khá nghi ngờ về thiết kế thực tế. Oppo làm khá tốt phần này khi dùng tấm nền AMOLED tràn viền, kiểm soát tốt viền đen 4 cạnh cũng như lỗ camera trước chỉ gần 4 mm. Với tỷ lệ màn hình lên đến 92%, mặt trước nhìn và cho cảm giác nhìn xuất sắc.

Cảm giác nhìn đó đến một phần khá lớn từ tần số làm mới 90 Hz của màn hình, kèm với tần số quét cảm ứng đến 180 Hz, tôi dễ thấy độ sắc nét của hình ảnh và cảm giác “bén” khi thao tác, một trải nghiệm vốn chỉ tồn tại trên chế độ nhà phát triển với thiết bị Android trước đây.

Với công việc cần xem hình ảnh và video đến 70% thời gian trong ngày, Reno4 Pro đáp ứng đủ các tiêu chí về hiển thị trực quan. Màn hình thể hiện chính xác màu sắc với các video HRD, tôi thường dùng độ sáng khoảng 50% (tương đương gần 500 nits), và kèm với tần số làm mới ổn định, màn hình Oppo không gây cảm giác mỏi mắt quá nhiều sau khi dùng. Khi cần xem hình ảnh, video ngoài trời, nắng gắt, độ sáng full 1.100 nits cho phép tôi xem được màu sắc, độ chi tiết đầy đủ của hình ảnh.

Thời đại quay, chụp trên smartphone đang biến đổi rất nhanh, khi mọi ứng dụng trendy nhất đều xoay quanh camera điện thoại. Xu hướng của các camera hiện tại thường cần: 1, tính toán về lượng của camera, tối ưu từ nhà sản xuất phần cứng; 2, cá nhân hóa cảm biến, tạo nên “chất ảnh” thương hiệu từ bên trong; 3, áp dụng thuật toán vào xử lý hình ảnh trên máy, với các đối tác camera có tiếng tăm.

3 xu hướng nghe phức tạp đó nhằm tập trung nâng cao khả năng chụp đêm, xóa phông khi chụp, cũng như xóa phông real-time khi quay video. Thường được dành riêng cho dòng điện thoại cao cấp, những tính năng này ít khi xuất hiện trên sản phẩm tầm trung hay cận cao cấp.

Reno4 Pro thì khác, nó gây chú ý cho tôi bởi độ cân bằng sáng tối và “chất ảnh” riêng biệt khi quay video ban đêm.

Nói trước về thông số, Reno4 Pro đã có một bước tinh gọn sức mạnh khá hiệu quả: một camera chính 48 MP, một ống kính góc siêu rộng 8 MP, một camera macro 2 MP và ống kính mono 2 MP. Một phương án an toàn, phù hợp với gần như mọi nhu cầu sử dụng hiện tại.

Tôi không có nhiều nhu cầu với ống tele, nên tập trung khá nhiều vào camera góc rộng. Góc “siêu rộng” ở đây là 120 độ, với cảm biến kích thước 1/4 inch và quay được camera 16:9.

Với ảnh đơn, chất lượng của Oppo Reno4 Pro có thể được đánh giá bởi từ “ổn định”: màu sắc được cân bằng tốt với các độ sáng khác nhau, độ tương phản ở mức vừa phải, chi tiết hình ảnh được xử lý tốt.

Trong các thể loại ảnh mà tôi chụp thử, Reno4 Pro thực sự tỏa sáng khi chụp ảnh phong cảnh, nhất là với ảnh thành phố nhiều “lớp” hình ở trung cảnh.

Có thể thấy Oppo đã bắt đầu quen thuộc với cảm biến Sony IMX586 trên thiết bị của mình, mà Reno4 Pro cho thấy quá trình làm quen đã đến ngày hái quả.

Nếu đã dùng qua dòng Reno Series, bạn sẽ dễ dàng nhận ra mức nâng cấp rõ rệt của chi tiết ảnh trên camera chính, dù là chụp chủ thể di chuyển trên phố, cây cối hoặc tòa nhà, độ chi tiết ảnh đều được xử lý chính xác, sắc bén ở viền chủ thể. Ngay cả ở chế độ 12 MP, bạn cũng có thể zoom mà vẫn giữ được nhiều chi tiết.

Tôi thường gọi nó là tính năng “làm nổi người”, khi máy nhận diện khuôn mặt bạn và đổi hết phông cảnh, quần áo thành màu trắng đen, tạo hiệu ứng khá art. Tính năng này không mới, nhưng điều làm tôi bất ngờ là độ “thấu hiểu” của AI trên Reno4 Pro.

Với các smartphone khác, máy thường nhận diện 1 vùng khá cục bộ, và chỉ làm nổi màu của khuôn mặt; Reno4 Pro làm khá tốt khi nhận diện được vùng da tay, chân, thậm chí khi bạn mặc quần dài và các vùng da nằm khá xa “vòng phủ” của thân trên.

Tính năng Video chân dung màu AI cũng hoạt động khá tốt với video, phù hợp với những người thích dùng story trên mạng xã hội.

Còn nếu giống tôi, bạn sẽ khá bất ngờ với camera góc rộng.

Cái khó của các hãng khi làm camera góc rộng thực tế là cân bằng chất lượng của camera wide và camera chính. Góc ảnh phải đủ rộng, nhưng đảm bảo được khả năng xử lý cân bằng trắng như camera chính, tránh tạo ra những tấm ảnh nhợt nhạt, bệt màu (ít nhất là không quá khác biệt).

Oppo là làm khá tốt ở phần này. Với sự nâng cấp trong module ống kính và cảm biến nâng cấp, camera góc rộng của Reno4 Pro giữ được chi tiết sắc nét ở tâm ảnh cũng như 4 viền; khi chụp đêm, đặc biệt là ngược sáng, các vân xanh tím hiện lên rất nhẹ, và trong đa số trường hợp hầu như không “đập vào mắt” người xem. Màu sắc ảnh cũng được xử lý khá nhẹ, giữ được độ trung thực của ảnh.

Không khó để thấy chiến lược “tất tay” vào camera của Oppo, khi họ trang bị nhiều tính năng quay phim tương tự ảnh tĩnh. Nâng cấp từ thế hệ trước, tính năng Ultra Steady Video 3.0 cũng cho ra những thước phim đáng thỏa mãn.

Sau khi hoàn thiện trải nghiệm chống rung camera sau, dường như Oppo bắt đầu chú ý đến chống rung trên camera trước. Thời đại “tự sướng” bằng video với các tính năng story-based trên ứng dụng đang đặt ra yêu cầu cao nhất mọi thời đại cho video trên camera trước.

Người ta không chỉ yêu cầu cao với các thước phim mobile trong studio, mà đã nâng chuẩn mực đó đến với mọi môi trường. Chống rung tốt đồng nghĩa với hiệu ứng hình ảnh tốt hơn, mà không cần các phụ kiện cồng kềnh kèm theo.

Tôi cũng thử diễn trò trước ống kính, và hiệu ứng chống rung trên Reno4 Pro khác biệt đáng kể. Độ ổn định với các shot đi lại rất cao, khi ống kính cố định, nó tự động tập trung vào các hiệu ứng như xóa phông, dùng filter hay chỉnh độ đẹp khuôn mặt.

Cảm biến của Reno4 Pro được tăng độ nhạy ở mức nhận biết được. Bên cạnh phần cứng, Oppo tạo ra thuật toán “Ultra Night Selfie” và “Ultra Dark Mode”, bạn sẽ nhận thấy độ sáng hình ảnh khi dùng chế độ này tăng lên đáng kể (74,4% theo công bố từ nhà sản xuất - ở điều kiện rất tối); nhưng ngay cả khi xử lý ảnh “tối đen”, độ nhiễu hạt cũng được hạn chế rõ rệt, nên bạn sẽ có các bức ảnh nền trời đêm sáng, trong hơn.

Khi chụp tĩnh vật với chế độ này, bạn có thể cảm nhận độ khác biệt ánh sáng, như có thêm 1 chiếc đèn softbox cơ bản.

Sự cải thiện của Reno4 Pro rõ ràng nhất với các video cần tới HDR. Oppo nói rằng họ đã dùng một thuật toán tự phát triển dành riêng cho tính năng này, các video cho thấy dải màu rộng hơn ở nhiều mức sáng khác nhau. Dưới ánh sáng mạnh như đèn đường, cửa hiệu trong đêm, các chi tiết hiện lên rõ nét và đường biên sáng/tối cũng chuyển tiếp mềm mại hơn.

Video Oppo Reno4 Pro nhìn chung là có độ sáng khá cao, nhưng vẫn giữ được chi tiết nhất định trong các vùng tối ở cùng khung ảnh. Tôi dự đoán camera này sẽ không có nhiều khác biệt khi chụp, quay trong thời tiết âm u hay mưa.

Oppe Reno4 Pro dùng sạc SuperVOOC 4.0 65 W, tương tự Find X2, một bước đi quen thuộc của họ trong năm nay. Tương đương Find X2, sạc của Reno4 Pro có lẽ là sạc thương mại nhanh nhất Việt Nam hiện nay, tốt hơn nhiều flagship trên thị trường.

Công việc yêu cầu phải di chuyển nhiều, và chế độ sạc của Oppo đã cứu tôi nhiều cú thua trông thấy. Tôi có thể vào quán cafe, xin cắm sạc nhờ, gọi món, khi cafe được làm xong, lượng pin có thể đã kịp nhảy từ 0-40%, nán lại khoảng 15 phút để uống hết ly cafe, pin có thể sang đến mức 60%. Mức sạc từ 0-100% chỉ là 36 phút.

Reno4 Pro được trang bị chip Snapdragon 720G 8 nhân, RAM 8 GB, bộ nhớ trong đã được nâng lên 256 GB thay vì 128 GB trên Reno3 Pro.

Tôi không có quá nhiều điều để khen ngợi hay bình luận về cấu hình của Reno4 Pro, bởi công việc không yêu cầu liên tục sử dụng ứng dụng nặng. Nhưng khi cần, máy chạy tốt các tác vụ xử lý video, không quá nóng khi gặp file nặng.

Thử nghiệm một số game thông dụng, máy hoạt động tốt, fps ổn định ở mức 50-60, mọi trải nghiệm đều mượt mà và không bị đột ngột peak performance dẫn đến lag, đứng máy.

ColorOS 7.2 vẫn được giữ nguyên với sự quen thuộc và tinh tế của nó. Bạn có thể lựa chọn nhiều theme từ nhà phát triển thứ ba, nhưng bản thân tôi thấy các theme từ nhà sản xuất vẫn thể hiện đúng tinh thần “nhẹ cánh, không viền” liền lạc với thiết kế. Có một số bổ sung như Oppo Relax hay Lab, nhưng nó không quá gây chú ý trừ khi bạn là một fan hardcore của dòng Reno.

Với mức giá 12 triệu đồng, Oppo Reno4 Pro định vị mình như một đỉnh cao mới trong phân khúc cận cao cấp tại Việt Nam hiện tại.

Kỳ Sơn - Lê Trọng
Sản xuất: Phan NhậtHost: Hoàng GiangVideo: Bảo Quyên - Thiên TâmĐồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/oppo-reno4-pro-ban-sao-find-x2-gia-tam-trung-post1124834.html