Open API: Hệ sinh thái của Ngân hàng mở?

Open API (giao diện mở) trở thành từ khóa của hệ sinh thái Ngân hàng mở, là dấu ấn quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới công nghệ tài chính.

Từ nhận thức khái niệm...

API là một “giao diện”, nhưng không phải là giao diện thông thường mà là giao diện giữa phần mềm với phần mềm. Theo đó, hệ điều hành, ứng dụng, các đơn vị trong tổng thể (module) trong hệ thống… giao tiếp với nhau và tận dụng năng lực của nhau.

Theo giới chuyên gia công nghệ tài chính, một trải nghiệm phần mềm được coi là đầy đủ là bởi nhiều phần mềm giao tiếp với nhau mà thành. Theo đó, mỗi phần mềm lại do nhiều đơn vị hoặc gói (package) kết hợp lại. Việc chia nhỏ các phần mềm ra nhiều lớp sẽ giúp cho các lập trình hoặc module có thể tận dụng lẫn nhau. Open API có chức năng khớp nối các thành phần của các phần mềm lại với nhau.

Sự dịch chuyển của hệ sinh thái ngân hàng đóng sang hệ sinh thái ngân hàng mở.

Sự dịch chuyển của hệ sinh thái ngân hàng đóng sang hệ sinh thái ngân hàng mở.

Với việc các ngân hàng sử dụng Open API trong phát triển mô hình kinh doanh mới là nhu cầu khách quan. Trong mô hình này, các ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng.

Việc cung cấp API giống như một người tự giới thiệu về khả năng của mình, và bên đối tác yêu cầu anh ta giúp đỡ để làm điều đó. Phần mềm gọi đến có thể cung cấp dữ liệu đầu vào cùng với đòi hỏi dữ liệu đầu ra và thực hiện cam kết từ phần mềm cung cấp API.

Thực tiễn cho thấy, nhờ có API mà Facebook có thể thực hiện tính năng xác thực hộ các dịch vụ khác nhau. Theo đó, Microsoft cung cấp 22 API tri giác” hiện nay có nghĩa là người dùng có thể mang khả năng “tri giác” do Microsoft cung cấp vào bên trong ứng dụng của họ. Mặc dù người dùng được hưởng lợi, nhưng họ cũng đang phụ thuộc vào công nghệ của Microsoft.

Ngày nay khi nói tới các bước tiến của phần mềm là nói tới API. Các phần mềm nổi tiếng của các hãng công nghệ hoặc gói công cụ phát triển phần mềm (SDK) thì chủ yếu và quan trọng nhất là API. Vì SDK, thực chất là gồm nhiều API có sẵn để các lập trình viên có thể tạo ra sản phẩm riêng một cách dễ dàng hơn.

Có chuyên gia nói rằng: “Thiếu Windows, thiếu iOS hay Android thì loài người có thể vẫn sống sót được, nhưng thiếu khái niệm API thì chắc chắn là thế giới… ngừng quay”. Bởi các API trong hệ điều hành là cơ sở để thế giới ứng dụng bùng nổ, các API giữa các module trong các hệ thống doanh nghiệp là cơ sở để nền kinh tế phát triển. Vì thế, open API trở thành hệ sinh thái để Open Banking phát triển.

Đến lợi ích kinh tế...

Theo một khảo sát của Tập đoàn IDC với 146 ngân hàng ở khu vực CA-TBD cho kết quả là 70% số ngân hàng mở tăng phạm vi tiếp cận khách hàng của họ, và 40% trong số này nhận thấy các luồng doanh thu trực tiếp/gián tiếp thay đổi trong ngân hàng mở và sự gia tăng tính mở của ngân hàng là một xu hướng tất yếu.

Cho đến nay, trên thế giới đã có hàng chục quốc gia chuẩn bị các chiến lược, chủ trương, chính sách, luật pháp hoặc dự án cho phát triển Open banking với hệ sinh thái Open API như ở EU, Đức, Anh, Nhật Bản, Australia, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc)...

Tại Việt Nam, ngày 27/9/2019 đã công bố Nghị quyết của Bộ chính trị số 52-NQ/TW về việc Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Các Nghị quyết nêu trên là nền tảng để các Bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Đối với ngành ngân hàng cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như yêu cầu cấp thiết phải đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở. Với chức năng của cơ quan quản lý NHNN cũng đã xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý các Open Banking theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Thống đốc NHNN đã thành lập đã Ban Chỉ đạo về Fintech theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017. Theo đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của Ban.

Hồi tháng 6/2018, Cục Công nghệ thông tin của NHNN đã tiến hành khảo sát giao diện kết nối ứng dụng Open API trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xác định: Hiện trạng cung cấp, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng với khách hàng và bên thứ ba; Nhu cầu về chuẩn kết nối chung cho ngành Ngân hàng với các công ty Fintech.

Kết quả khảo sát chính là cơ sở để NHNN hoạch định khung pháp lý xây dựng hệ sinh thái Open Banking tại Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện Open API là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo Fintech.

Tháng 10/2018, Cục Công nghệ thông tin (NHNN) đã ký biên bản hợp tác chung với Cơ quan Xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) và Viện Tài chính viễn thông và Thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) về giao diện Open API trong lĩnh vực ngân hàng.

NHNN cũng đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở để tạo điều kiện cho các ngân hàng cũng như cộng đồng Fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, phát triển Open API sẽ là hướng tiếp cận giúp ngân hàng giải quyết được bài toán đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận đến các tệp khách hàng khác nhau với chi phí về nguồn lực con người, tài chính hợp lý và thời gian phát triển sản phẩm sẽ được rút ngắn đáng kể.

Về chuẩn Open API, trong quá trình nghiên cứu, Cục CNTT cũng nhận thấy, để triển khai được trong ngành Ngân hàng Việt Nam, có nhiều vấn đề về pháp lý và công nghệ cần được làm rõ và tháo gỡ như: Tính bảo mật, quyền riêng tư, mô hình, chuẩn kết nối giữa hệ thống ngân hàng, các công ty Fintech; phạm vi và lộ trình mở dữ liệu của ngân hàng; các vấn đề về an ninh trong bảo vệ hệ thống trước nguy cơ truy cập bất hợp pháp...

Điều quan trọng nhất trong mô hình Open Banking là bên thứ ba có quyền tiếp cận dữ liệu ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, phải có một cơ chế an toàn, thống nhất để chia sẻ dữ liệu. Vì thế, NHNN đang xem xét thành lập một trung tâm trung gian làm nhiệm vụ thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được phép sử dụng Open API của các ngân hàng.

Như vậy, sự chuyển dịch ngân hàng từ mô hình “đóng” sang mô hình “mở” sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, đây là xu hướng tất yếu của kinh doanh ngân hàng trong thời đại CMCN 4.0.

Tuy nhiên, những thách thức về an ninh vẫn đang tiềm ẩn, khiến giới nghiên cứu và hoạch định chính sách cho rằng, việc đầu tư xây dựng Open API là góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển Ngân hàng số ở Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ chính trị nêu ra./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/open-api-he-sinh-thai-cua-ngan-hang-mo-982928.vov