OPEC+ và thị trường dầu mỏ toàn cầu - Bài 1: Chiến lược trong thời kỳ khủng hoảng

Trang Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột (IDSA) vừa đăng bài phân tích của nghiên cứu viên Priya Singh với tựa đề 'OPEC+ và thị trường dầu mỏ toàn cầu'.

Trung tâm báo chí tại trụ sở Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo, nơi diễn ra cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng OPEC và OPEC+ lần thứ 33, ngày 5/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung tâm báo chí tại trụ sở Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo, nơi diễn ra cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng OPEC và OPEC+ lần thứ 33, ngày 5/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

OPEC+ là liên minh gồm các thành viên sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được thành lập từ năm 2016 để giải quyết các vấn đề liên quan đến những bất ổn của thị trường dầu mỏ cũng như củng cố đòn bẩy địa chính trị của các thành viên giữa bối cảnh giá dầu giảm và cạnh tranh từ sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ.

Các chính sách của OPEC+ có ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển nhập khẩu dầu mỏ như Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như các quốc gia sản xuất khác như Mỹ.

OPEC là một tổ chức liên chính phủ được thành lập từ năm 1960 bởi Saudi Arabia, Iran, Venezuela, Kuwait và Iraq. Hiện tại, tổ chức này có 13 thành viên gồm Algeria, Angola, Congo, Guinea, Gabon, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Venezuela. Mục tiêu của tổ chức là điều phối các chính sách liên quan đến cung và cầu xăng dầu nhằm đảm bảo giá cả hợp lý và ổn định, cũng như đảm bảo thu nhập cho các nước sản xuất dầu mỏ.

Liên minh OPEC+ được thành lập từ năm 2016 khi một số quốc gia xuất khẩu dầu ngoài OPEC đã bắt tay với tổ chức này để duy trì sự ổn định trên thị trường dầu mỏ. Ngày 23/9/2016, các nước OPEC đã thông qua cột mốc "Hiệp định Algiers". Một trong những quyết định quan trọng được đưa ra là thành lập một ủy ban cấp cao để đối thoại và thảo luận giữa OPEC cùng các nước sản xuất dầu mỏ khác. Điều này dẫn đến việc ký "Thỏa thuận Vienna" vào tháng 11/2016 và "Tuyên bố hợp tác" (DoC) giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu lớn khác vào tháng 12/2016.

Kể từ đó, OPEC+ thường xuyên tổ chức các cuộc họp thảo luận về sản lượng cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ. OPEC+ có 23 thành viên, gồm 10 quốc gia sản xuất dầu lớn (Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Brunei, Bahrain, Mexico, Oman, Nam Sudan, Sudan và Malaysia) và 13 thành viên OPEC.

Mỹ vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới sau năm 2014, thách thức vị thế của quốc gia Trung Đông với tư cách là quốc gia sản xuất dầu thống trị cũng như nhà cung cấp toàn cầu.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến mang lại lợi ích cho các công ty dầu khí của Mỹ. Trong năm 2016, sản lượng khai thác dầu đá phiến tăng từ dưới 0,5 triệu thùng/ngày lên 4,3 triệu thùng/ngày vào năm 2015.

Với việc dầu của Mỹ được đưa vào thị trường trong bối cảnh nhu cầu yếu, giá dầu có xu hướng giảm từ năm 2014 đến năm 2016. Việc dầu của Mỹ gia nhập thị trường cho phép các nước nhập khẩu dầu đa dạng hóa đối tác thương mại và cho phép thương lượng giá thấp hơn.

Điều này làm dấy lên lo ngại giữa các thành viên OPEC, đây là lý do chính khiến OPEC và các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC bắt tay nhau thành lập OPEC+. Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, giá dầu thô toàn cầu đạt đỉnh khoảng 80 USD/thùng so với mức 30 USD/thùng năm 2016.

* OPEC+ hoạt động như thế nào?

OPEC+ phân bổ hạn ngạch cho từng quốc gia thành viên tùy thuộc vào trữ lượng dầu và khả năng sản xuất. OPEC+ tìm cách duy trì môi trường giá dầu cao cũng như quản lý hoạt động thành công của nhóm với tư cách là một "nhà điều hành".

Tác động từ chính sách của OPEC+ và mối quan hệ với giá dầu thực tế là sự kết hợp của các yếu tố bao gồm trữ lượng, hạn ngạch và mức độ mà các thành viên OPEC vượt hạn ngạch sản xuất tương ứng.

Riêng OPEC kiểm soát khoảng 35% nguồn cung dầu toàn cầu và OPEC+ kiểm soát khoảng hơn 45% nguồn cung dầu thế giới. Đòn bẩy của mỗi quốc gia phụ thuộc vào thị phần của quốc gia đó trong OPEC+. Thị phần càng lớn, đòn bẩy càng lớn. Saudi Arabia và Nga là hai trong số các quốc gia có ảnh hưởng nhất trong OPEC+ do thị phần cao.

Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Saudi Arabia được coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC và OPEC+. Do vị trí độc tôn, nước này nổi tiếng là "nhà cung cấp linh hoạt" toàn cầu, nghĩa là nước này có thể đẩy mạnh sản xuất khi nhu cầu tăng và cắt giảm sản lượng khi thị trường dư thừa giảm thiểu biến động giá dầu.

Gánh nặng của việc cắt giảm sản lượng thường được chia sẻ bởi các nhà sản xuất lớn hơn của OPEC+ như Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Nhiều quốc gia OPEC+ có công suất dự phòng đáng kể, nhờ đó họ có thể sản xuất dầu với giá thậm chí thấp.

Để duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, các thành viên OPEC+ tích cực theo đuổi các chính sách củng cố thị phần cũng như tối đa hóa lợi ích kinh tế.

* Chiến lược của OPEC+ trong thời kỳ khủng hoảng

Tháng 12/2016, cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của OPEC và ngoài OPEC diễn ra, các thành viên đồng ý cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Điều này khiến giá dầu thô tăng. OPEC+ tiếp tục tái cân bằng thị trường với việc điều chỉnh hạn ngạch sản xuất dầu. Trong đại dịch COVID-19, nhu cầu dầu giảm mạnh do phong tỏa toàn cầu và hoạt động kinh tế giảm, giá dầu của OPEC giảm từ 64 USD/thùng xuống 41 USD/thùng.

Giá một thùng dầu West Texas Middle của Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống mức âm trong một thời gian ngắn. Điều này khiến các thành viên OPEC+ lên chiến lược cho một kế hoạch toàn diện để chống lại cú sốc về nhu cầu.

Tháng 4/2020, các thành viên thực hiện mức cắt giảm sản lượng lớn nhất là 9,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 6/2020, sau đó được điều chỉnh xuống 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020 và cuối cùng là mức cắt giảm sản lượng sửa đổi là 5,8 triệu thùng/ngày cho đến tháng 4/2022.

Các quốc gia như Canada và Na Uy cũng điều chỉnh lại sản lượng. OPEC+ sau đó cũng áp dụng cách tiếp cận chủ động. Năm 2021, với việc tâm lý kinh tế vĩ mô được cải thiện do một số nền kinh tế lớn mở cửa trở lại, OPEC+ đã tiến hành tăng sản lượng theo từng giai đoạn.

OPEC+ cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nga là một trong những nước sản xuất dầu lớn của OPEC+. Do nhiều yếu tố như công suất dư thừa hạn chế, gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng, đầu tư kém vào lĩnh vực dầu mỏ và những bất ổn gia tăng liên quan đến tâm lý kinh tế vĩ mô toàn cầu, OPEC+ quyết định thực hiện một đợt cắt giảm sản lượng khác tại Cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 33 ngày 5/10/2022./.

Tiến Hiến (P/v TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/opec-va-thi-truong-dau-mo-toan-cau-bai-1-chien-luoc-trong-thoi-ky-khung-hoang/281295.html