OPEC và nguy cơ về hội nghị tệ nhất kể từ năm 2011

Hội nghị OPEC sắp tới có thể là hội nghị tệ nhất từ 2011 trong bối cảnh có nhiều quan điểm trái chiều về sản lượng.

Theo nhiều chuyên gia về thị trường dầu mỏ, cuộc họp giữa các nước trong khối OPEC với những nước ngoài khối, bao gồm Nga, có thể trở thành cuộc họp tồi tệ nhất, trong bối cảnh cung cầu đang có nhiều thay đổi và cạnh tranh hơn.

Arab Saudi và Nga được cho là đã sẵn sàng tăng sản lượng dầu trong khi Iran và Iraq lại có động thái ngược lại. Do đó, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Commerzbank, Eugen Weinberg, nhận định không khí cuộc họp vào ngày 22/6 tới sẽ khá căng thẳng.

“Đây có thể sẽ là cuộc họp OPEC tệ nhất từ 2011 đến nay”. Eugen Weinberg giải thích rằng khác biệt quan điểm về sản lượng có thể dẫn tới nhiều vấn đề.

Hội nghị OPEC năm 2011 được nhớ tới bởi những đấu đá nảy lửa và bất đồng quan điểm về giải quyết giá dầu cao (lúc đó khoảng 118 USD/thùng) bằng biện pháp tăng sản lượng. Những quốc gia ở vùng Vịnh muốn tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá nhưng vấp phải quá nhiều phản đối từ thành viên OPEC, trong đó có Iran và Venezuela. Năm đó, Arab Saudi cũng mô tả hội nghị là “một trong những cuộc họp tồi tệ nhất" mà họ từng tham gia.

Weinberg nhận định OPEC sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp trong lần họp sắp tới nhưng không đơn giản do gặp phải nhiều ý kiến trái chiều cũng như khác biệt quan điểm và khả năng của các quốc gia.

Ví dụ, Iran và Iraq là hai trong số các nước bị hạn chế về năng suất nên không muốn tăng đầu ra. Ngược lại, Nga và Arab Saudi lại muốn tăng sản lượng vì họ tự tin về năng suất. Việc các quốc gia có đạt được thỏa thuận chung hay không sẽ là một dấu hỏi lớn.

Trấn an khách hàng

Cuộc gặp ngày 22/6 tới sẽ có sự tham gia của quan chức đến từ 14 nước thành viên OPEC và các nước không thuộc OPEC (một trong số đó là Nga). Hai bên sẽ đàm phán về các giải pháp kiểm soát sản lượng dầu nhẳm hạ nhiệt giá.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép lên Arab Saudi và các thành viên khác của OPEC để tăng sản lượng dầu. Tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã công khai chỉ trích việc giá dầu tăng gây ảnh hưởng trực tiếp lên người dùng ở Mỹ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, tháng trước cho biết Washington đang đàm phán với bên sản xuất dầu để tăng nguồn cung và giảm tác động của lệnh trừng phạt sắp tới lên Iran.

Người ta cũng lo ngại về tình trạng thiếu hụt cung dầu từ Venezuela khi nước này đang hứng chịu nhiều bất ổn về kinh tế lẫn chính trị. Trong hoàn cảnh có nhiều lo sợ xảy ra thiếu hụt sản lượng từ những nhà sản xuất lớn, Arab Saudi và Nga đã đánh tiếng sẽ dần dần tăng đầu ra trong vòng nửa năm tới. Giá dầu do đó có thể sẽ giảm phần nào.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Khalid Al-Falih, tháng 5 cho biết nước này cũng rất quan tâm tới lo ngại của các nước tiêu thụ dầu mỏ. Quan điểm của ông nhận được sự ủng hộ của Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga và xứ sở Bạch Dương cũng sẽ sớm tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên Novak cảnh báo rằng quyết định trên nên được đưa ra tại hội nghị OPEC và không vấp phải sự phản đối nào.

Những chính sách liên quan và không liên quan đến OPEC đã được đưa vào thực hiện từ tháng 11/2016 rõ ràng đã phát huy tác dụng trong việc tăng giá dầu từ mức 25 USD/thùng năm 2014 đến mức hiện tại là 75 USD/thùng đối với dầu Brent và 65 USD/thùng đối với dầu WTI.

Weinberg cho rằng đa số các nước sản xuất dầu mỏ trong cuộc họp ngày 22/6 tới đây sẽ cố trấn an các nước tiêu thụ rằng họ sẽ tăng sản lượng nếu dầu của Iran bị loại bỏ khỏi thị trường, qua đó giảm bớt mối lo ngại giá dầu sẽ tăng.

“Nếu sản lượng không thể tăng lên ít nhất 500.000 thùng/ngày, tôi nghĩ thị trường sẽ rất thất vọng và sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Nhưng các quốc gia vùng Vịnh lẫn Nga sẽ tìm cách trấn an người tiêu thụ rằng cho dù khả năng xảy ra trừng phạt lên Iran là cao hay thấp thì họ cũng có thể đáp ứng được với nhu cầu của thị trường".

Tiểu Long/ Theo CNBC

Nguồn NDH: http://ndh.vn/opec-va-nguy-co-ve-hoi-nghi-te-nhat-ke-tu-nam-2011-2018060910185656p145c151.news