OPEC+ tìm cách đối phó đại dịch Coronavirus

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh Nga ngày 4-2 đã tiến hành thảo luận tại Vienna về khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng để ngăn chặn dầu giảm giá bởi dịch bệnh do virus Corona chủng mới (Coronavirus) gây ra.

“Ủy ban kỹ thuật của OPEC và các đối tác đã họp phiên bất thường bàn về dịch Coronavirus khởi phát từ Trung Quốc và tác động của nó đến thị trường dầu thế giới”, Tổ chức OPEC viết trên Twitter. Đại sứ Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế ở Vienna là vị khách mời đặc biệt tại hội nghị này. Vị khách mời đã đưa ra một bản cập nhật về tình hình dịch bệnh Coronavirus. Dịch viêm phổi cấp do Coronavirus khởi phát tại thành phố Vũ Hán từ tháng 12-2019, lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tính đến 6 giờ ngày 6-2-2020, số người chết do Coronavirus tăng lên 565 người, số ca nhiễm vượt qua con số 28.000 người tính trên toàn thế giới.

Một số làng ở Trung Quốc đã tự phong tỏa lối vào để ngăn chặn Coronavirus

Một số làng ở Trung Quốc đã tự phong tỏa lối vào để ngăn chặn Coronavirus

Dịch bệnh này đã vượt ra ngoài khía cạnh sức khỏe cộng đồng, làm dấy lên lo ngại về tác động đối với tăng trưởng và nhu cầu về dầu mỏ. Giá vàng đen đã giảm khoảng 20% trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, chạm mức thấp nhất vào ngày 3-2 kể từ tháng 1-2019. Ngay trong ngày đầu của cuộc họp của OPEC+ tại Vienna, giá dầu phục hồi đôi chút. Cuộc họp này kéo dài 2 ngày. “Đề tài thảo luận của cuộc họp này là xem xét khả năng cắt giảm sản lượng trong bối cảnh dịch Coronavirus”, phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Iraq Assem Jihad nói với AFP.

Theo Craig Erlam, nhà phân tích tại Oanda, nội dung bàn thảo có thể là tiếp tục giảm sản lượng “từ 500.000 đến 1 triệu thùng mỗi ngày”. “Các đại biểu tham gia cuộc họp ở Vienna sẽ xem xét các kịch bản khác nhau và quyết định cuối cùng sẽ chỉ được công bố tại sau cuộc họp cấp bộ trưởng các nước OPEC+”, ông Jihad nói. Cuộc họp này, được lên kế hoạch vào ngày 5 và 6-3, nhưng có thể được tổ chức sớm vào tháng 2, tùy theo nhu cầu của thị trường và tùy thuộc vào diễn biến của dịch Coronavirus.

“Chúng tôi có một cuộc họp vào tháng 3-2020, nhưng chúng tôi có thể tổ chức sớm hơn, nếu cần thiết”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak nói. Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và Arập Xêút, nhà xuất khẩu số một, là hai đối tác nặng ký trong liên minh OPEC+, tập hợp 13 thành viên của OPEC và 10 cường quốc dầu mỏ khác. Các quốc gia này đã được liên kết với nhau bằng một thỏa thuận nhằm hạn chế sản lượng của họ kể từ cuối năm 2016 nhằm hỗ trợ giá dầu thô trước nguồn cung rất dồi dào. Họ đã tăng cường cắt giảm sản lượng sau cuộc họp gần đây nhất vào tháng 12-2019. Mô hình kinh tế của các nước OPEC+ vốn phụ thuộc rất nhiều vào dầu, buộc họ phải phối hợp với nhau để tác động đến giá dầu.

Các nhà đầu tư cũng đang rất lo ngại về hậu quả của dịch viêm phổi Coronavirus. Mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất và là quốc gia tiêu thụ dầu thô thứ hai thế giới, có tác động quyết định đến giá dầu. Việc giảm các chuyến bay nội địa và một số chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không. Nguồn tin của Bloomberg cho hay, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% tổng lượng tiêu thụ. Mức giảm 20% được tính toán trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ thông thường vào thời gian này của Trung Quốc hằng năm. Sự sụt giảm có lẽ là cú sốc nhu cầu lớn nhất mà thị trường dầu mỏ phải chịu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và từ sau vụ tấn công ngày 11-9.

Một số làng ở Trung Quốc đã tự phong tỏa lối vào để ngăn chặn Coronavirus

“Đây thực sự là cú sốc lớn bất ngờ cho thị trường dầu mỏ”, John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC tại New York, bình luận. “Có một số hy vọng cho triển vọng nhu cầu trong năm nay trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng điều đó đã tiêu tan. OPEC+ phải phản ứng. Nếu không tiếp tục cắt giảm sản lượng, sẽ chỉ tổn thất thêm về giá”, vị chuyên gia nói thêm.

“Dịch bệnh Coronavirus có thể tạo ra một cú sốc kéo dài đối với nhu cầu dầu mỏ thế giới do mức độ phá hủy của nhu cầu dầu Trung Quốc”, Olivier Jakob, thuộc Viện Petromatrix, nhấn mạnh. “Do đó, việc OPEC+ giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày là không đủ”, ông Jakob nhận xét. Nhu cầu dầu giảm khiến nhiều nước xuất khẩu trên thế giới bị ảnh hưởng, với doanh số giảm và giá rơi tự do. Doanh số bán dầu của Mỹ Latinh cho Trung Quốc đã chững lại vào tuần trước, trong khi doanh số bán dầu thô Tây Phi cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc cũng chậm hơn bình thường. Tồn kho xăng và nhiên liệu máy bay của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang tăng lên mỗi ngày. Một số nhà máy có thể sớm đạt đến giới hạn lưu trữ. Khi ấy, họ sẽ phải cắt giảm công suất lọc dầu khoảng 15-20%. Sinopec Group, nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đang trong quá trình giảm trung bình khoảng 13-15% lượng dầu thô lọc mỗi ngày và sẽ xem xét liệu có cần cắt giảm thêm vào ngày 9-2 hay không. Trung Quốc có đến 40 nhà máy lọc dầu độc lập. Theo dự đoán của giới thương nhân, khoảng 18 nhà máy có thể cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn. Mối đe dọa kinh tế do dịch bệnh viêm phổi Coronavirus ở các nước OPEC (đáng chú ý là Algeria, Venezuela, Iran, Arập Xêút...) là một lời cảnh tỉnh hoàn hảo cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Theo các chuyên gia, tác động của dịch Coronavirus đối với nhu cầu dầu sẽ phụ thuộc vào mức độ lan truyền của dịch bệnh. Coronavirus dễ lây hơn nhưng nhẹ hơn dịch SARS, mặc dù gây chết người nhưng tỷ lệ tử vong là 3,5%, trong khi WHO ước tính SARS có tỷ lệ tử vong 14-15%.

Vào 16 giờ 40 phút GMT ngày 4-2, 1 thùng dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 4-2020 có giá 55,04 USD tại London, tăng 1,08% so với mức đóng cửa ngày hôm trước. Tại New York, dầu WTI của Mỹ giao trong tháng 3 đã tăng 0,96% lên 50,59 đôla. 1 ngày trước, giá dầu WTI và Brent đã giảm xuống lần lượt là 49,66 USD và 53,95 USD mỗi thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1-2019.

Trung Quốc là nguồn tăng trưởng nhu cầu chính của thị trường dầu mỏ. Nhưng với các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus như phong tỏa các thành phố và kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có khả năng xóa sạch dư địa tăng trưởng. “Đây là một trường hợp tồi tệ nhất với họ - một cú đánh vào nhu cầu của Trung Quốc”, John Kilduff, đối tác của Again Capital nhận định. John Kilduff cho rằng phải mất một thời gian để nhu cầu dầu được phục hồi. “Đã có hy vọng cho nền kinh tế nhưng giờ nó lại biến mất”, ông nói và cho rằng, Trung Quốc là bạn hàng quan trọng của Arập Xêút, trung tâm nhu cầu dầu. Nhưng giờ thì trung tâm nhu cầu đó đang đình trệ. Helima Croft, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại RBC cho rằng OPEC và Nga sẽ thống nhất động thái mới nào đó. Hiện tại OPEC và Nga duy trì thỏa thuận cung ứng ra thị trường 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Trong đại dịch SARS năm 2002-2003, giá dầu sụt giảm gần 20% mặc dù tác dụng của đại dịch tương đối ngắn vì được kiểm soát nhanh chóng. Theo các chuyên gia, tác động của dịch Coronavirus đối với nhu cầu dầu sẽ phụ thuộc vào mức độ lan truyền của dịch bệnh. Hiện tại, các chuyên gia quốc tế đánh giá dịch Coronavirus so với dịch SARS trước đây: Coronavirus dễ lây hơn nhưng nhẹ hơn do virus mặc dù gây chết người nhưng tỷ lệ tử vong là 3,5%, trong khi WHO ước tính SARS có tỷ lệ tử vong 14-15%. Warwick McKibbin - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng, dịch cúm Coronavirus lần này sẽ có tác động lớn hơn rất nhiều so với SARS. Trước đây, ông ước tính SARS khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỉ USD.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/opec-tim-cach-doi-pho-dai-dich-coronavirus-563418.html