OPEC tăng sản lượng dầu: Lợi bất cập hại?

Việc OPEC + nới lỏng các hạn chế trong khai thác dầu trong khi giá dầu bắt đầu hạ được các chuyên gia cảnh báo là 'đầy rủi ro'.

Theo giới truyền thông, OPEC + sẽ thực sự bắt đầu thử nghiệm tính bền vững của khả năng phục hồi của thị trường dầu mỏ từ ngày 1 tháng 8. Theo đó, liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai của thỏa thuận cắt giảm sản xuất được đưa ra vào tháng 5, bao gồm giảm bớt các hạn chế từ 9,7 triệu thùng mỗi ngày xuống còn 7,7 triệu. Như vậy, mỗi ngày sẽ có thêm 2 triệu thùng dầu được khai thác thêm.

Được biết, theo báo cáo của người đứng đầu Bộ Năng lượng Liên bang Nga Alexander Novak, vào tháng 7, thị trường dầu khá cân bằng và có thể rơi vào tình trạng thâm hụt nguồn cung do thỏa thuận OPEC + và giảm sản lượng dầu ở một số quốc gia khác.

Do đó, giai đoạn này được cho là sẽ kéo dài đến cuối năm và được OPEC + coi là giúp tránh được tình trạng quá nóng của thị trường.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, bước đi này của OPEC và các đói tác ngoài khối có thể dẫn tới tình trạng cực kỳ rủi ro.

"Các thí nghiệm của OPEC + để tăng sản lượng từ tháng 8 có thể phản tác dụng, vì nhu cầu tồi tệ nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Nó sẽ lại rơi vào tình trạng thặng dư nhỏ và sẽ không thiếu nguồn cung cho đến tháng 12" - các chuyên gia của Rystad Energy cho biết.

Tuy nhiên, các thỏa thuận thực tế của liên minh cho thấy do "các khoản nợ" giảm sản lượng dầu của những quốc gia không hoàn thành thỏa thuận OPEC + trước đó và cam kết sẽ bù đắp mọi thứ trong tháng 7 đến tháng 9, mức giảm thực sự trong tháng 8 sẽ cao hơn mục tiêu đề ra.

OPEC+ đang tìm mọi cách khôi phục sản lượng khai thác nhưng không làm giảm giá dầu

OPEC+ đang tìm mọi cách khôi phục sản lượng khai thác nhưng không làm giảm giá dầu

Theo đó, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia là ông Abdel Aziz bin Salman ước tính rằng, xét đến "những nước yếu kém", giới hạn của OPEC + trong tháng 8-9 có thể lên tới 8,3 triệu thùng mỗi ngày.

Nigeria, Iraq, Angola, Kazakhstan và một số nhà sản xuất dầu nhỏ trước đây được xem là những "nước yếu kém" trong việc cắt giảm sản lượng dầu.

Theo bộ trưởng Nga và Saudi đảm bảo, nếu OPEC + duy trì kỷ luật cao, cũng như "nước yếu kém" thực hiện lời hứa của họ, thì sự liên kết này có thể tạo ra một vùng đệm nhất định cho một thị trường đầy bất trắc. Và nói chung, sự gia tăng nguồn cung sẽ phải thông qua thị trường nội địa của các nước liên minh do nhu cầu phục hồi theo mùa.

Được biết, quyết định này của OPEC + diễn ra trong bối cảnh giá dầu đã bắt đầu hạ xuống, chỉ còn hơn 40 USD/thùng vào cuối tháng 7 vừa qua, đối với cả dầu WTI và dầu thô Brent Biển Bắc.

Dữ liệu trên các sàn giao dịch cho thấy giới thương nhân đang lo lắng về triển vọng nhu cầu đối với loại nhiên liệu này trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn bùng phát trên diện rộng.

Họ cho rằng, tình hình coronavirus có thể ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu, điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nguyên liệu thô.

Việc OPEC + nới lỏng việc khai thác và xuất khẩu dầu có thể sẽ dẫn tới những tác động xấu, bởi việc có thêm 2 triệu thùng dầu tràn ra thị trường trong khi nhu cầu vẫn giậm chân tại chỗ sẽ làm mất cân bằng cung-cầu và tiếp tục làm giá dầu hạ xuống.

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/opec-tang-san-luong-dau-loi-bat-cap-hai-3415713/