OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu

Tại cuộc họp chính sách trực tuyến ngày 1/6, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác do Nga dẫn đầu (OPEC+), đã nhất trí nới lỏng các biện pháp hạn chế và duy trì mức tăng sản lượng dầu đã thỏa thuận cho đến hết tháng 7 tới.

 OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu cho đến hết tháng 7. (Ảnh: Reuters)

OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu cho đến hết tháng 7. (Ảnh: Reuters)

Quyết định trên được đưa ra sau khi các nước sản xuất dầu mỏ cân đối dự báo về khả năng phục hồi nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh nguồn cung của Iran tăng sau tiến bộ của các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân.

Trước đó, OPEC+ đã nhất trí trở lại mức sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 - 7 vì dự báo lượng cầu tăng bất chấp dịch COVID-19 đang hoành hành tại Ấn Độ.

Giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng mặc dù OPEC+ đã quyết định nới lỏng sản lượng dầu mỏ kể từ tháng 5 vừa qua và đã tăng hơn 30% so với mức giá hồi năm ngoái. Chốt phiên giao dịch ngày 1/6 sau cuộc họp chính sách của OPEC+, giá dầu thế giới tăng lên mức 70 USD/thùng, lần đầu tiên trong hai năm sau cuộc họp của OPEC+ do các nhà đầu tư lạc quan về nhu cầu dầu mỏ sẽ được cải thiện.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/6, giá dầu thô Brent tăng 93 cent (1,3%) lên 71 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 3. Giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) tăng 1,40 USD (2,1%) lên 67,72 USD/thùng.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, nhu cầu dầu mỏ tại Mỹ và Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt. Theo ông, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang lấy lại đà với khoảng 1,8 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên khắp thế giới, qua đó giúp tái cân bằng hơn nữa thị trường dầu mỏ.

Các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được mở rộng đã giúp chính phủ các quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu nới lỏng các biện pháp hạn chế và giúp khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Tổng Giám đốc OPEC Mohammad Barkindo cho rằng, nguồn cung từ Iran tăng sẽ không đặt ra vấn đề lớn nếu Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc phương Tây. Iran có thể thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ từ 1-1,5 triệu thùng/ngày nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn.

Tại cuộc họp chính sách trực tuyến ngày 1/4 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí tăng dần sản lượng dầu mỏ trong vòng từ tháng 5-7 tới. Theo đó, OPEC+ nhất trí tăng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 và thêm gần 440.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Riêng Ả rập Xê út vẫn duy trì việc tự nguyện cắt giảm ngoài cam kết của khối thêm 1 triệu thùng/ngày cùng giai đoạn để cân đối cung cầu. Dự kiến, nước này sau đó sẽ tăng 250.000 thùng/ngày trong tháng 5; thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và cuối cùng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ bắt đầu vào tháng 5/2020 với việc giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, sau đó từ tháng 8/2020, OPEC+ đã nới lỏng mức cắt giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày và vào tháng 1/2021 đã đồng ý hạ mức cắt giảm xuống 7,2 triệu thùng/ngày. Đồng thời, OPEC+ đã đồng ý đưa ra quyết định về việc tăng sản lượng hàng tháng, tùy thuộc vào điều kiện thị trường, nhưng với mức tăng không quá 500.000 thùng/ngày.

Các chuyên gia OPEC+ dự báo nhu cầu về dầu mỏ năm 2021 là 6 triệu thùng/ngày, trong bối cảnh thế giới phục hồi sau dịch COVID-19./.

Hoài Hà (Theo Reuters, The New York Times)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/opec-nhat-tri-duy-tri-muc-tang-san-luong-dau-582178.html