OPEC+ bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu lớn vào tháng 11

Liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ ngày 5/10 đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng để tăng giá dầu, một động thái có thể tác động mạnh vào nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đang gặp khó khăn.

Theo AP, trong cuộc họp trực tiếp tại Vienna (Áo) ngày 5/10, các Bộ trưởng Năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã thống nhất cắt giảm 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11tới. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các bộ trưởng OPEC+ và cũng là đợt giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Cuộc họp cho biết quyết định này căn cứ vào sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Abdulaziz bin Salman cũng nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ thị trường năng lượng ổn định. Quyết định được đưa ra đúng như dự báo trước đó của giới phân tích về một động thái để kéo giá dầu tăng trở lại.

"Chúng tôi ở đây để đóng góp ý kiến mang lại sự ổn định cho thị trường năng lượng. Việc cắt giảm số lượng lớn dầu thô mà OPEC+ muốn đưa ra thế giới được xem là sự thay đổi đột ngột sau nhiều tháng khôi phục từ các đợt cắt giảm sâu trong suốt đại dịch. Khi nhu cầu tăng trở lại, giá năng lượng toàn cầu đã biến động dữ dội kể từ thời điểm căng thẳng leo thang tại Ukraine, gây ra lạm phát cao và ảnh hưởng đến kinh tế trên khắp thế giới", ông Abdulaziz bin Salman nói thêm.

Động thái này là sự đảo ngược lớn trong chính sách sản xuất của liên minh này gần đây. Ngay sau tuyên bố cắt giảm sản lượng của OPEC+, Nhà Trắng đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của OPEC+ trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

"Chúng ta đang trải qua nhiều bất ổn", ông bin Salman nói, đồng thời khẳng định OPEC+ đang tìm cách duy trì ổn định tình hình.

Mặt khác, trong những tháng tới, châu Âu sẽ áp dụng lệnh cấm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nga và chính thức bắt đầu có hiệu lực vào tháng 12. Bên cạnh đó, Mỹ và các thành viên khác của nhóm các nước giàu G7 sẽ áp giá trần đối với dầu của Nga, cắt giảm nguồn cung nếu Moscow từ chối vận chuyển năng lượng cho các quốc gia này. Theo đó, dầu của Nga sẽ được mua với giá chiết khấu thấp hơn so với giá thị trường nhằm hạn chế lợi nhuận của Moscow. Như vậy, việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết Moscow sẽ cần phải tìm người mua dầu mới khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực từ đầu tháng 12 và có lẽ sẽ phải nhượng bộ thêm về giá.

Theo giới phân tích, quyết định này sẽ khiến OPEC+ rất khó đưa ra quan điểm cho 1-2 tháng tới khi thị trường năng lượng đối mặt với sự không chắc chắn do lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga, bao gồm bảo hiểm vận chuyển, áp trần giá và giảm nhập khẩu xăng.

Còn nhiều khó khăn

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã giảm xuống mức thấp nhất là 84 USD trong nhiều ngày gần đây sau khi giá trong các tháng mùa hè là 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô của Mỹ sẽ tăng 87,54 USD và dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng lên 93,21 USD sau quyết định của OPEC+. Mỹ không hề mong đợi quyết định này trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais đã bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng lần này và khẳng định OPEC+ đang tìm cách đảm bảo an ninh và ổn định cho thị trường năng lượng.

Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giá dầu thô đã giảm do nhu cầu giảm và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái. Trong cuộc họp cuối cùng trong tháng 9, OPEC+ cũng đã quyết định giảm lượng dầu sản xuất xuống 100.000 thùng/ngày vào tháng 10.

Craig Erlam, chuyên gia phân tích thuộc sàn giao dịch OANDA, cho rằng thông tin mới này sẽ không dễ chấp nhận khi người tiêu dùng mới chỉ vừa "thở phào" vì giá dầu giảm vài tháng qua.

"Với quyết định này, sự biến động có thể sẽ quay trở lại. Và bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường dầu thắt chặt sẽ khiến giá tăng lên trong quý IV", ông Rohan Reddy, Giám đốc nghiên cứu tại Global X ETFs nói./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/opec-bat-ngo-cat-giam-san-luong-dau-lon-vao-thang-11-20221006110300024.htm